Khẩn cấp ứng phó với dịch Ebola:

Thành lập Hội đồng chuyên môn gồm các giáo sư đầu ngành

Thứ Tư, 13/08/2014, 07:10
Con số tử vong do bệnh Ebola đã vượt qua 1.000 người cùng với 1.848 trường hợp mắc, trong đó, chỉ riêng từ ngày 7 đến 9/8, đã có 69 người mắc mới, cùng 52 người tử vong, cho thấy tốc độ lây lan kinh khủng cũng như tính chất nguy hiểm của dịch bệnh.
>> Căng mình ngăn chặn xâm nhập của virus Ebola

Đó là thông tin được PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tại cuộc họp báo về dịch Ebola do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức tại Hà Nội, ngày 12/8.

Bộ Y tế đã bác bỏ thông tin trên mạng xã hội về việc, có một trường hợp nhiễm Ebola nhập viện Bạch Mai và khẳng định: Đến nay, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế khẳng định chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Ebola tại Việt Nam. Tại châu Á cũng chưa có trường hợp nào được xác định chính thức.

Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó với nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi.

PGS.TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Mặc dù hiện tại, Việt Nam vẫn đang ở tình huống 1 là chưa phát hiện người mắc Ebola, nhưng đã kích hoạt một số hoạt động ở tình huống 2, sẵn sàng cho khả năng xấu nhất là dịch xuất hiện. Vấn đề khó khăn với nước ta trong việc phòng dịch Ebola là không có đường bay thẳng từ châu Phi về và cảng Hàng không Việt Nam không có danh mục các khách về từ vùng dịch. Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo an ninh hàng không xem hộ chiếu khách nhập cảnh, để biết họ có từ vùng dịch về không và tùy từng trường hợp, mức độ để phân loại đối tượng theo dõi, cách ly và điều trị y tế. Hiện không chỉ Bộ Y tế có kế hoạch phòng chống dịch Ebola, mà tất cả các bộ, ngành, địa phương đều phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch với 3 tình huống: chưa có dịch, dịch rải rác và dịch bùng phát, để có đáp ứng về quan sát, phòng bệnh, điều trị.

Theo Bộ Y tế, ở Việt Nam, mối lo lớn nhất trước dịch Ebola là tốc độ lây truyền nhanh chóng, nhất là, các dịch bệnh mới nổi biến đổi gen khôn lường. Người dân phải hiểu và nắm được thông tin về dịch bệnh để đề phòng tốt, nhưng cũng không hoang mang, lo lắng quá mức. Bên cạnh đó, ngành y tế còn phải lo làm tốt công tác tâm lý cho nhân viên y tế vì ở Tây Phi, có khoảng 200 cán bộ y tế mắc bệnh. Lây nhiễm của Ebola phức tạp hơn HIV, vì chỉ cần qua tiếp xúc là lây nên rất lo ngại về vấn đề tiếp xúc với người bệnh, với người chăm sóc, mai táng bệnh nhân.

Các nhà báo bày tỏ băn khoăn về cơ chế lây bệnh Ebola đối với trẻ em, khi các nhà khoa học cho rằng, nguồn truyền bệnh gốc của dịch Ebola là từ một cậu bé 2 tuổi, đã chết ở Tây Phi, do ăn phải trái cây nhiễm độc, hoặc bị kim châm. Ông Masaya Kato, chuyên gia của WHO, cho biết: Cơ chế lây của trẻ cũng như người lớn, có thể do tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm, vật nhiễm, hoặc do chạm phải dịch xét nghiệm, nước tiểu, nước mắt, máu, tinh dịch của người nhiễm vương ra giường chiếu, đồ vật vv…Nhưng, Ebola chỉ có khả năng lây nhiễm khi người bệnh đã xuất hiện các triệu chứng.

Về thông tin đến 2015, thế giới sẽ có vaccine phòng bệnh Ebola, ông Masaya Kato cho hay: Thời gian để phát triển một vaccine rất dài vì phải qua nhiều khâu thử nghiệm, được cơ quan chức năng chấp nhận mới được thử nghiệm trên người, do đó, không thể nói trước khi nào sẽ có vaccine phòng Ebola. Hiện, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Ebola, do đó, vẫn chỉ là điều trị triệu chứng.

Dịch bệnh Ebola yêu cầu việc xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh phải được tiến hành trong phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 4, nhưng Việt Nam hiện chưa có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn trên. Bộ Y tế đang liên hệ với WHO, Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) để có các hỗ trợ kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm. Tuy nhiên, về vấn đề này, đại diện WHO cho hay: WHO có các trung tâm xét nghiệm chẩn đoán vùng trên thế giới và các nước có thể đem các mẫu bệnh phẩm đến đây để xét nghiệm. WHO cũng sẵn sàng hỗ trợ nếu nước nào có mong muốn và điều kiện mở phòng xét nghiệm riêng. “Chúng tôi lưu ý về tiêu chuẩn cao về an toàn khi vận chuyển và xử lý mẫu. Việt Nam không nhất thiết phải có hơn 2 phòng xét nghiệm như hiện có, mà chỉ nên nâng cấp chúng và tập trung vào công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh thì tốt hơn”, ông Masaya Kato nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu thì cho rằng, công tác xét nghiệm quan trọng nhất là ở những ca bệnh đầu tiên để có kế hoạch ứng phó, chứ không nhất thiết phải xét nghiệm tất cả các ca nhiễm bệnh Ebola. Những người được xác định là mắc Ebola sẽ không phải trả phí xét nghiệm.

Về công tác điều trị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, cho biết: Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn, gồm các giáo sư đầu ngành chuyên sâu, có kinh nghiệm điều trị, theo dõi sát tình hình để đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp với diễn biến dịch Ebola. Như các dịch bệnh nguy hiểm khác, các ca bệnh thường được phát hiện ở bệnh viện nên công tác phòng, chống Ebola ở các bệnh viện là rất quan trọng và Bộ Y tế đang tích cực triển khai tập huấn cho nhân viên y tế, đầu tư thiết bị máy móc cần thiết cho công tác điều trị bệnh nhân Ebola.

Bộ Y tế cho biết, nhiều nước đã triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Ebola:

Thái Lan yêu cầu khách nhập cảnh cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe, đặc biệt hành khách có quốc tịch tại các nước có dịch Ebola đều được khám sàng lọc trước khi nhập cảnh.

Philippines sử dụng máy đo thân nhiệt tại sân bay để sàng lọc, phát hiện bệnh nhân và tạm ngừng đưa người Philippines đi lao động các nước đang có dịch.

Malaysia tiến hành các bước sàng lọc ca bệnh tại các cửa khẩu quốc tế. Các BV Trung ương được hướng dẫn thiết lập khu vực cách ly. Viện Nghiên cứu y học sẵn sàng thực hiện các xét nghiệm để xác định virus. Trung tâm chuẩn bị và ứng phó dịch bệnh trực 24/7.

Tại Singapore, Bộ Y tế yêu cầu các BV xét nghiệm bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh Ebola và tiền sử du lịch liên quan. Bộ Y tế sẽ theo dõi, kiểm dịch y tế các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc Ebola.

Trung Quốc: Hành khách và hàng hóa đến từ vùng dịch được kiểm tra y tế tại cửa khẩu.

Các nước giáp biên giới với nước có dịch bệnh đã đóng cửa biên giới với nước có dịch bệnh. Ghana cấm tất cả các chuyến bay đến từ Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây truyền virus Ebola vào Mỹ, Tổ chức hòa bình Mỹ cũng rút 340 nhân viên tình nguyện từ 3 nước đang có dịch bệnh về.

Thanh Hằng
.
.
.