Quảng Nam:

Thành "con nợ" sau khi giải toả

Thứ Sáu, 04/08/2006, 07:59
Hộ ông Trương Văn Minh có trên 1.277m2 đất và nhà ở bị thu hồi để làm đường N14 và khu dân cư hai bên đường, được đền bù 36,210 triệu đồng. Ông Minh giao đất và được Ban GTĐB thị xã Tam Kỳ cho mua lại 125m2 ngay trên đất vườn của mình với giá 1 triệu đồng/m2.

Báo CAND số 444, ra ngày 1/8, đăng bài "Quảng Nam: Nhiều sai phạm trong công tác đền bù giải tỏa", phản ảnh những việc làm sai trái của một số người trong Ban đền bù giải tỏa (ĐBGT) thị xã Tam Kỳ và UBND phường An Sơn, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc tiếp tục gửi đơn, thư đến Văn phòng thường trú Báo CAND tại Đà Nẵng, kêu cứu về việc Ban ĐBGT thị xã Tam Kỳ thu hồi đất để làm đường nối từ QL1A đến đường tránh Nguyễn Hoàng và khu dân cư hai bên tuyến đường này, song thu hồi đất đền bù giá thấp, rồi bán lại đất tái định cư với giá cao, khiến hàng chục hộ gia đình lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan".

Lần theo địa chỉ ghi trong những lá đơn, chúng tôi tìm đến nhà bà Đặng Thị Hường, trú ở khối phố 6, phường An Sơn, thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam. Bà Hường đã 90 tuổi, người con trai của bà là ông Lê Châu, tuổi cũng đã xấp xỉ 60, bị cụt một chân, buồn rầu kể với chúng tôi: Cuối tháng 2/2004, UBND thị xã Tam Kỳ đền bù thiệt hại để giải phóng mặt bằng xây dựng đường N14 nối từ QL1A đến đường tránh Nguyễn Hoàng và khu dân cư hai bên đường.

Hơn 1.176m2 đất vườn và nhà ở của ông nằm sát lề đường nên bị giải toả trắng để khai thác quĩ đất làm khu dân cư. Ban ĐBGT thị xã Tam Kỳ cho ông mua lại một lô đất để làm nhà ở khu dân cư khác, song do gia cảnh khó khăn, ông xin được ở lại ngôi nhà của mình. Đề nghị của ông Châu được Ban ĐBGT thị xã Tam Kỳ chấp thuận bán lại ngay chính ngôi nhà ông đang ở 177m2, với giá 177 triệu đồng; trong khi, nhà và đất của ông chỉ được đền bù có 93,756 triệu đồng. Như vậy, ông phải mắc nợ Nhà nước với số tiền mà có thể hết cuộc đời làm ruộng, cuốc vườn cũng chưa thể trả xong.

Tương tự, hộ ông Trương Văn Minh có trên 1.277m2 đất và nhà ở bị thu hồi để làm đường N14 và khu dân cư hai bên đường, được đền bù 36,210 triệu đồng. Ông Minh sốt sắng dỡ nhà, giao đất và được Ban GTĐB thị xã Tam Kỳ cho mua lại 125m2 ngay trên đất vườn của mình với giá 1 triệu đồng/m2. Chạy vạy vay mượn họ hàng, người thân để thêm vào số tiền được đền bù, xây dựng lại một ngôi nhà mới cho 6 nhân khẩu trong gia đình có chỗ ở, rốt cuộc ông Minh đã thâm nợ gần 160 triệu đồng, trong đó có 64 triệu đồng tiền mua lại đất...

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chánh Thanh tra thị xã Tam Kỳ, cho rằng: Đối với những dự án dang dở vẫn theo phương án bồi thường trước đây đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; vì thế còn vướng mắc, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện về đất đai kéo dài. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2006, Thanh tra thị xã đã nhận 125 đơn tố cáo, khiếu nại, chủ yếu liên quan đến ĐBGT, tranh chấp đất đai.

Ông Sỹ kể cho chúng tôi nghe chuyện về một người dân có nhà và đất bị giải tỏa, song số tiền đền bù không đủ trả 50% tiền mua đất ở khu dân cư thu nhập thấp. Thế là, lãnh đạo UBND thị xã Tam Kỳ ưu tiên cho hộ dân này nợ tiền mua đất (sau khi đã trừ tiền ĐBGT) và đang chỉ đạo chính quyền phường sở tại kiểm tra, vận động các ngành liên quan xây "tặng" một nhà tình thương.

Đây cũng là một việc làm có tính chất điển hình trong chính sách "an dân" của UBND thị xã Tam Kỳ. Ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tam Kỳ, cũng khẳng định với chúng tôi, rằng: Trong công tác ĐBGT, tỉnh Quảng Nam luôn đặt vấn đề an dân lên hàng đầu.

Năm 2005, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục có Quyết định số 31/2005/QĐ-UB, với nhiều điểm thay đổi theo hướng có lợi cho người dân trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, không hiểu sao, thị xã Tam Kỳ vẫn áp dụng ĐBGT thu hồi đất làm đường N14 và khu dân cư hai bên đường này theo những quyết định cũ?...

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 05/2006/CT-TTg ngày 22/2/2006, về việc khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai, trong đó nêu rõ là phải bảo đảm giá đất đền bù theo đúng nguyên tắc định giá đất quy định tại Điều 56 của Luật Đất đai... không được cưỡng chế buộc tháo dỡ nhà ở khi người bị thu hồi đất chưa được giải quyết chỗ tái định cư và cần có những giải pháp nhằm đảm bảo việc làm và thu nhập, không để người có đất thu hồi lâm vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói...

Do đó, nguyện vọng của những hộ dân có nhà cửa, vườn tược giải tỏa để làm đường N14, chỉ mong muốn sao chính quyền địa phương linh hoạt vận dụng những chính sách ĐBGT hợp lý, đúng pháp luật để có thể mua đất tái định cư. Chúng tôi đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam và UBND thị xã Tam Kỳ cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thi công đường N14, tránh tình trạng giải tỏa dở dang, gây nên cảnh nhếch nhác mất mỹ quan đô thị như hiện nay...

Long Vân
.
.
.