Than vắn, thở dài... suất ăn công nhân

Thứ Bảy, 22/12/2012, 21:50
“Một suất ăn công nhân tính ra đang bị đủ loại phí “ăn” vào: nào phí hoa hồng, phí nguyên liệu, chất đốt, phí bán hàng, phí vận chuyển,... suất ăn công nhân bị “ngắt đầu, ngắt đuôi” khiến giá trị thực của nó không còn bao nhiêu, giá trị dinh dưỡng ngày càng teo tóp”, ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo “Tác hại của ngộ độc thực phẩm, thực trạng và giải pháp” ngày 21/12 tại TP Hồ Chí Minh.

Thông tin cho thấy, TP Hồ Chí Minh vẫn là nơi thu hút nhiều số người nhập cư tới làm việc và sinh sống cho nên nhu cầu sử dụng suất cơm công nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất trên cả nước.

Theo Cục Thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 3,79 triệu người lao động sử dụng suất ăn hằng ngày, gồm nhiều thành phần từ trẻ mầm non tới học sinh cấp I, II, cấp III, và công nhân nhưng chất lượng bữa ăn tập thể dành cho công nhân vẫn đáng báo động nhất. “Ăn cơm tại xưởng có ngon lành gì đâu nhiều hôm làm mệt mà cơm không ngon nên cứ mắc nghẹn ở cổ. Nhưng dù dở bao nhiêu công nhân vẫn phải nuốt cho qua ngày”, một công nhân nữ tại một xí nghiệp may tâm sự.

Thực tế cho thấy, hầu hết các công ty trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều tổ chức cho công nhân ăn cơm trưa, cơm tối (nếu có tăng ca), tuy nhiên bữa ăn thường bị công nhân than vãn về chất lượng. Mặc dù là công nhân thân thiết và gắn bó với công ty nhưng lại bị chính những ông chủ doanh nghiệp ngược đãi trong bữa ăn hằng ngày.

Trước đây, hầu hết các công ty đều phục vụ bữa cơm cho công nhân tại bếp cơ sở nhưng vài năm trở lại đây, vì nhiều lý do, các công ty thực hiện phương án chi tiền cho công nhân ăn quanh quẩn đâu đó từ các gánh hàng rong hoặc hợp tác với một công ty cung cấp suất ăn công nghiệp. “Chung quy cũng chỉ vì sợ gánh trách nhiệm khi xảy ra ngộ độc mà thôi” - ông Thái Hòa phân tích.

Kinh tế khó khăn, giá cả tiêu dùng ngày càng leo thang và giá nguyên liệu thực phẩm cũng không tránh khỏi “cơn bão” giá. Đây chính là nguyên nhân khiến chất lượng bữa ăn cho công nhân ngày càng sút giảm.

Điều tra dịch tễ của Chi cục ATVSTP với Y tế dự phòng một số quận, huyện vừa qua cho biết, thời buổi giá cả hiện nay khác biệt rất lớn so với trước đây nhưng hiện nay ở một số công ty giá suất cơm vẫn còn duy trì 7.000 đồng/suất (đã bao gồm VAT) nên cơ sở nấu ăn phải lựa chọn những nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, không dinh dưỡng.

Bữa ăn đạm bạc của công nhân vẫn phải chịu đủ loại phí.

Thực tế cho thấy, bữa cơm có giá bán là 10.000 đồng, nhưng thực ra trong đó có bao nhiêu là chi phí ăn vào bữa ăn công nhân như tiền thuê nhân công, tiền lời, tiền hoa hồng nên giá trị thực của bữa ăn chỉ dao động ở mức 5.000-6.000 đồng/suất.

Món ăn trường kỳ mà các đơn vị cung cấp cho công nhân vẫn là món cá ngừ chiên, kho, đậu hũ, rau muống, rau bắp cải luộc hoặc bát canh lõng bõng nước. Lâu lâu, suất cơm mới xuất hiện 2-3 miếng thịt heo mỏng gió thổi bay, mà công nhân gọi là suất cơm cải thiện hiếm có.

Nói về chất lượng bữa cơm công nhân, ông Huỳnh Lê Thái Hòa nói thêm: “Chất lượng bữa cơm công nhân bị teo tóp về dinh dưỡng là do doanh nghiệp thụ hưởng ham rẻ và lẽ dĩ nhiên là tiền nào của đó. Đời sống giảm sút, giá cả tăng cao nên chuyện tăng chất lượng bữa ăn đang là cả vấn đề”.

Đại diện Công ty TNHH TMDV Minh Nam (công ty cung cấp suất ăn sẵn) khẳng định: “Giá trị chất lượng bữa ăn lệ thuộc vào các yếu tố cấu thành nó. Các yếu tố tạo thành giá trị gia tăng cho sản phẩm bữa ăn khác nhau (không chỉ là trọng lượng thực phẩm) nên mới có bữa ăn 10.000 đồng, 20.000 đồng, 100.000 đồng”.

Ông này cho biết, 1 bữa ăn cho người lao động ở Mỹ trung bình là 5 USD, châu Âu 4 USD, các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines là 2 USD, còn ở Việt Nam chỉ 1 USD được cho là phù hợp, nhưng thậm chí số đông dân Việt Nam ta chỉ được thụ hưởng bữa ăn ở mức 0,5-0,7 đô la (10.000-15.000 đồng).

Ở các nước phát triển, người lao động tự trả tiền cho bữa ăn của mình và không đòi hỏi chủ phải bao bữa ăn cho họ vì lương của họ cao so với trị giá bữa ăn. Còn ở Việt Nam, đa số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là tận dụng lợi thế giá nhân công rẻ.

Lương thấp nếu để công nhân tự lo bữa ăn thì gây ra những hệ lụy như: không đủ sức làm việc, ngộ độc, xáo trộn giờ lao động… nên doanh nghiệp buộc phải bỏ tiền ra để mua bữa ăn cho công nhân và chính vì thực hiện trách nhiệm với người lao động một cách “miễn cưỡng” nên bữa ăn càng rẻ càng tốt miễn là công nhân không ngộ độc và không… đình công.

Trong những năm gần đây, quy mô số người mắc trong một vụ ngộ độc ngày càng tăng (số vụ ngộ độc thực phẩm giảm nhưng số người mắc có xu hướng tăng). Năm 2010 trung bình có 56,46 người/vụ tăng lên 94.44 người/vụ; trong năm 2011 và trong năm 2012 là 116.4 người/vụ. Trong đó 80% nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm là do thức ăn bị nhiễm vi sinh vật

H.Nga
.
.
.