Thận trọng với "bánh kẹo đồ chơi" không rõ nguồn gốc

Thứ Năm, 08/04/2010, 15:50
Không chỉ có kẹo mút phát sáng gây hại cho người sử dụng đang bị thu hồi mà quanh nhiều trường học ở Hà Nội đang bày bán những loại bánh, kẹo, ô mai của nước ngoài sản xuất nhưng không có nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt có những loại bánh kẹo với bao bì bắt mắt, kèm các loại đồ chơi để tăng tính hấp dẫn của trẻ.
>> Nguy cơ ngộ độc từ hàng quán cổng trường

Bánh kẹo, ô mai đồ chơi trôi nổi

Thấy đứa con học lớp 2 đi học về cầm trên tay chiếc kẹo có bao bì khá bắt mắt, chị Phạm Thị Huyền, ở phường Bưởi, quận Tây Hồ cảnh giác cầm lên xem xét kỹ. Bao bì in hình một cậu bé giống trong phim hoạt hình mà con chị vẫn gọi là Ben-then. Chị chỉ đọc được duy nhất chữ "Ben 10", còn lại đều là chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, không thấy ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng. Biết đây là kẹo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chị Huyền yêu cầu con bỏ đi nhưng thằng bé tỏ ra rất tiếc.

Theo chị Huyền thì trước cổng trường học của con chị có nhiều hàng quán đu bám, đặc biệt là một số hàng quán vỉa hè, bày bán bánh kẹo, ô mai, kẹo cao su, tranh ảnh siêu nhân rất thu hút trẻ em. Nhiều phụ huynh vì chiều theo ý thích của con trẻ mà quên để ý đến chất lượng, cũng như nhãn sản phẩm. Đây là một trong những sơ suất tai hại cho sức khỏe của chính con em họ. Thêm vào nữa, nhiều học sinh được bố mẹ cho tiền tiêu vặt đã "nướng" vào những hàng quà không rõ nguồn gốc này.

Để tăng tính hấp dẫn cho trẻ em, hiện nay trên thị trường xuất hiện loại kẹo đồ chơi không rõ nguồn gốc. Bên trong chiếc bao bì sặc sỡ có một chiếc kẹo và kèm theo nó là một món đồ chơi, có khi là đồ chơi ghép hình, có khi chỉ là những hình ảnh siêu nhân… Thậm chí, có cả bò khô nhưng làm thành hình chiếc kẹo và đính kèm với đồ chơi đóng gói trong túi nilon. Những loại thực phẩm này rất thu hút sức mua của học sinh, đáng tiếc nó là hàng nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Có mặt ở khu vực phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, nơi đây tập trung cả trường tiểu học, trung học cơ sở, trường cao đẳng và mầm non, chúng tôi thấy dọc một số tuyến phố bày bán nhiều quà bánh phục vụ cho học sinh. Có những hàng quà bày nguyên cả bánh kẹo, ô mai của nước ngoài không có nguồn gốc. Có loại ô mai cầm lên chỉ thấy chi chít chữ Trung Quốc, người sử dụng không hiểu nó là ô mai gì.

Bên ngoài cổng Trường Tiểu học và THCS Nghĩa Tân, Trường Tiểu học Ba Đình cũng có nhiều hàng quà vặt. Ở đây bán nhiều thứ quà cho học sinh, chủ yếu là bánh kẹo, kẹo cao su, ô mai xen lẫn với đồ chơi… trong đó có một số loại không có nhãn hàng hóa.

Phải tịch thu, tiêu hủy

Có cầu thì ắt có cung, vấn đề ở đây là sự phối hợp giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh như thế nào để con em tránh mua và sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, gây nguy hại đến sức khỏe?

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, sau khi kẹo mút phát sáng bị phát hiện có chất gây ung thư, cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành Y tế và Quản lý thị trường đã đi kiểm tra, thu hồi rất quyết liệt. Theo ông Cường thì bất cứ người kinh doanh nào kinh doanh thực phẩm nhập khẩu không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, tem phụ bằng tiếng Việt thì đều vi phạm NĐ 89 của Chính phủ. Những trường hợp này nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm và hàng hoá phải tịch thu tiêu hủy.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục QLTT Hà Nội chỉ đạo các đội QLTT phối hợp với ngành Y tế kiểm tra, tịch thu tiêu hủy hàng hoá là thực phẩm nhập ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội QLTT số 11 đã bắt quả tang một đối tượng đang vận chuyển hàng tạ bánh kẹo, ô mai, kẹo cao su đính với đồ chơi các loại dành cho trẻ em do nước ngoài sản xuất nhưng không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu đi tiêu thụ.

Ông Phan Thanh Phong, Đội phó Đội QLTT số 11 cho biết, nếu số bánh kẹo, ô mai này mà vận chuyển trót lọt ra thị trường thì sẽ rất nguy hại đến sức khỏe của trẻ em. Để trẻ em không sử dụng thực phẩm hết date, thực phẩm không rõ nguồn gốc, bên cạnh việc kiểm tra, tịch thu tiêu huỷ của cơ quan quản lý rất cần sự vào cuộc nghiêm ngặt giữa gia đình, nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục học sinh không mua bánh kẹo trôi nổi, không có nhãn mác. Nếu không có người sử dụng, ắt nguồn cung sẽ không còn đất sống

T.H.
.
.
.