Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL):

Thận trọng trước con tôm thẻ chân trắng

Thứ Sáu, 18/07/2008, 14:30
Nông dân nuôi tôm sú và các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đang đứng trước tình thế hết sức khó khăn vì sự cạnh tranh ác liệt của con tôm thẻ chân trắng từ các nước xuất khẩu như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại ĐBSCL lo ngại trước việc thị phần mặt hàng tôm sú chế biến giảm mạnh do ảnh hưởng của việc ào ạt tăng sản lượng xuất khẩu tôm thẻ chân trắng từ các nước trên…

Theo ông Lý Văn Thuận - Chủ tịch Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau, người tiêu dùng các nước có xu hướng chuyển qua ăn tôm thẻ chân trắng là một thực tế đáng lo ngại. Mặt khác, giá xuất tôm thẻ chân trắng của các nước đang rẻ hơn tôm Việt Nam từ 30-50% làm chúng ta khó cạnh tranh.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội tôm - Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam (VASEP), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau), phân tích: "Thường lệ, vào dịp Noel, Tết Dương lịch, nhu cầu tiêu thụ tôm trên thị trường thế giới rất lớn, giá tôm nguyên liệu thường tăng từ 10-20% so với các mùa khác trong năm.

Tuy nhiên, năm 2007, con tôm sú Việt Nam bị tôm thẻ chân trắng cạnh tranh rất mạnh tại nhiều thị trường truyền thống... Do tôm thẻ chân trắng dễ nuôi và có năng suất cao gấp 2 lần so với tôm sú, nên giá thành sản xuất hạ (thấp hơn 25%-30% so với tôm sú).

Giá tôm thẻ chân trắng xuất khẩu lại rẻ hơn tôm sú từ 1-1,5USD/kg. Với những ưu điểm nổi trội này, tại một số hội chợ quốc tế, nhiều đối tác đã quay lưng lại với tôm sú của Việt Nam, chuyển sang tôm thẻ chân trắng của Thái Lan, Trung Quốc... Và hiện tại con tôm thẻ chân trắng đang chiếm hơn 80% thị phần thế giới".

Theo VASEP, trên phạm vi toàn cầu, tôm thẻ chân trắng đang chiếm tới 2/3 tổng sản lượng tôm nuôi. Ở châu Á, từ năm 2001-2006, tôm sú chỉ duy trì ở một sản lượng nhất định, trong khi tôm thẻ chân trắng từ 1,5-1,6 triệu tấn ở năm 2006 và sẽ đạt 1,8 triệu tấn vào năm 2009.

Đây thật sự là mối nguy lớn cho con tôm sú Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Kéo theo là khó khăn chồng chất đối với người nông dân ở vùng nuôi tôm ĐBSCL.

Dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL, nhưng với điều kiện thực tế, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền, ngành thủy sản các địa phương và nông dân chưa chủ động trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng...

Theo ông Huỳnh Quốc Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu, trước áp lực của các nhà nhập khẩu nên việc đưa con tôm thẻ chân trắng vào vùng đất nuôi tôm sú được cho phép thực hiện.

Tôm thẻ chân trắng có nhiều ưu điểm nhưng cũng rất nguy hiểm khi dịch bệnh taura (do virus gây nên, chưa có thuốc trị) xảy ra có thể lây lan thành dịch sang tôm sú, tôm bản địa, tôm càng xanh…

Khi đó thì hậu quả là rất lớn. Nói việc nuôi tôm thẻ chân trắng để xóa đói giảm nghèo thì không đúng vì chi phí đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng rất cao, 300-400  triệu đồng/ha. Với số tiền này thì đối với nông dân nghèo không thể kham nổi. 

Trước tình hình này, các địa phương ở ĐBSCL hết sức dè dặt trong việc triển khai cho nuôi tôm thẻ chân trắng. Sở Thủy sản tỉnh Bạc Liêu không khuyến khích người dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng ồ ạt để tránh rủi ro mà chủ yếu nuôi thử nghiệm tại một số điểm.

Tại Cà Mau, UBND tỉnh cho Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú tổ chức nuôi thí điểm tôm thẻ chân trắng tại hộ ông Trần Văn Tuấn ở ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn với diện tích khoảng 10ha.

Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau cho biết: "Công ty Minh Phú sẽ đầu tư vốn, con giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh và kỹ thuật, sau đó thu mua lại sản phẩm theo giá thị trường.

Trong quá trình nuôi phải được các sở, ngành chức năng quản lý theo đúng Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 191:2004, đồng thời kiểm soát chặt chẽ vấn đề ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Từ đó mới triển khai quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trong tương lai"...

Nam Thơ - Hải Phong
.
.
.