Thận trọng trước chiêu quảng cáo “bốc trời” về "đồ cổ" vỉa hè

Thứ Hai, 26/11/2012, 09:52
Với đôi đỉnh đồng nhìn không có gì khác biệt so với các sản phẩm bày bán tại khu phố cổ Hà Nội hiện nay, anh chủ bán đồ cổ trên vỉa hè đường Lạc Long Quân (Hà Nội) đã “nổ” tới 8 triệu đồng/bộ. Giá cao vì nó là đồ “trung cổ” có niên đại từ triều Nguyễn (Việt Nam) cách đây hơn 100 năm...

Đánh vào tâm lý sính “đồ cổ” của một bộ phận người dân, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số điểm kinh doanh “đồ cổ” theo kiểu chụp giật.

Trưa 24/11, có mặt tại đường Lạc Long Quân (đoạn ven Hồ Tây), đập vào mắt tôi là hình ảnh một khách hàng tuổi ngoài 60 đang tỉ mẩn nhìn những dụng cụ “đồ cổ”, còn người đàn ông chủ sạp thì liến thoắng quảng cáo về niên đại của các sản phẩm… Táp lại gần, tôi nhận thấy, phía trên tấm bạt nilon được trải dài trên vỉa hè ở đây là vô số vật dụng từ: bát đũa, chân nến, mâm… cho đến đỉnh đồng. Thấy tôi hỏi: “Đồ này xuất xứ từ đâu?”, anh chủ sạp bèn nói một câu rất chung chung nhưng đầy hàm ý: “Đồ cổ của các triều đại đấy anh ạ!”.

Cầm chiếc bát sứ bám bụi, tôi giật mình khi khoản tiền để được sở hữu chiếc bát này là 2 triệu đồng(?!). Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh chủ cho hay: “Đây là chiếc bát có “vạn phúc” (vì có vạn chữ “phúc” – PV) được làm từ thời nhà Thanh (Trung Quốc) nên giá mới đắt đến vậy”.

“Sạp” kinh doanh “đồ cổ” trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội).

Thú thật, nhìn vào chiếc bát trên, tôi cũng thừa hiểu rằng mấy nét loằng ngoằng được in trên thân bát không phải là Hán tự - chữ “phúc” như anh nói mà đó chỉ là hoa văn trang trí mà thôi. Chỉ vậy thôi cũng đủ để cho thấy lời nói: “bát vạn phúc từ thời nhà Thanh” của anh hoàn toàn vô căn cứ.

Với đôi đỉnh đồng nhìn không có gì khác biệt so với các sản phẩm bày bán tại khu phố cổ Hà Nội hiện nay, anh chủ đã “nổ” tới 8 triệu đồng/bộ. Giá cao vì nó là đồ “trung cổ” có niên đại từ triều Nguyễn (Việt Nam) cách đây hơn 100 năm...

Thấy tôi lắc đầu và trả giá “8 trăm ngàn cho bộ đỉnh đồng”, anh chủ liền thủng thẳng: “Anh thêm cho em một tí tiền nữa đi, vì nó có niên đại từ triều Nguyễn mà!”. Nghe đến đây, tôi cũng như những vị khách xung quanh đều giật mình vì thứ “đồ cổ” ở đây có giá rất… trên trời. Lưu ý hơn, qua kiểm tra một số “đồ cổ” nhìn mẫu mã cũ kỹ ở đây, tôi cũng thấy rằng, “nhà sản xuất” đã bôi thêm một lớp chất làm xám xịt vỏ đồng bên ngoài sản phẩm nhằm lập lờ đánh lận con đen. Và tất nhiên, nếu không thận trọng, người tiêu dùng rất dễ mua phải với giá hớ, gấp nhiều lần giá trị thực của nó. Thế nên để tránh chuốc bực vào thân, mọi người hãy cảnh giác trước những sạp kinh doanh “đồ cổ” dạng này

Hoàng Lan
.
.
.