Thận trọng đi lại trong mùa mưa lũ

Thứ Hai, 27/10/2008, 15:32
Mùa mưa lũ năm 2007, ngoài gây thiệt hại nặng nề về tài sản, với tổng thiệt hại ước tính 952,9 tỉ đồng thì Quảng Ngãi là một trong những địa phương ở miền Trung có thiệt hại về người rất cao: 42 người chết và mất tích, 24 người bị thương...

Qua phân tích của cơ quan chức năng thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số thiệt  hại về người nhiều là do sự bất cẩn, chủ quan của người dân khi đi lại, nhất là ở những nơi nguy hiểm: Sông, suối, bờ tràn đập nước... Trong đó tập trung chủ yếu là ở các vùng nông thôn, miền núi.

Điển hình chị Phạm Thị Hạ (24 tuổi), ở xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, trên đường đi làm về khi lội qua suối Khe Lung đã bị nước cuốn trôi, hoặc ngày 29/10, bà Đinh Thị Chiều (55 tuổi), ở thôn Làng Trăng, xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà cũng đã bị nước lũ cuốn trôi khi chăn trâu lội qua suối.

Nghiêm trọng hơn là tại cầu Sông Rin, cùng một lúc đã có 2 trường hợp tử vong vì lũ cuốn... Không riêng gì ở khu vực sông suối ở miền núi, mà tại các huyện đồng bằng không ít người dân vẫn rất chủ quan khi tham gia giao thông, điều khiển phương tiện qua các đoạn đường đang bị ngập nước khá sâu, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng.

Còn nhớ vào sáng 5/11/2007, đoàn kiểm tra của UBND tỉnh về kiểm tra tình hình khắc phục mưa lũ ở một số xã của huyện Sơn Tịnh. Vào thời điểm này tại đập Bờ Đắp, nằm giữa ranh giới 2 xã Tịnh Khê và Tịnh Kỳ mặc dù mưa đã tạnh, thế nhưng mực nước lũ vẫn còn cao trên 0,5m, chảy rất mạnh và xiết.

Tuy nhiên đây là tuyến QL 24B nối Bắc TP Quảng Ngãi, trung tâm huyện Sơn Tịnh với các vùng phía Đông Bắc huyện, Đông Nam huyện Bình Sơn và cảng Sa Kỳ nên bất chấp nguy hiểm, nhiều người dân vẫn điều khiển phương tiện đi qua.

Để tránh những rủi ro, ông Trương Ngọc Nhi, Phó Chủ  tịch  UBND tỉnh đã phải khẩn cấp chỉ đạo cho Công an huyện Sơn Tịnh điều động ngay một tổ CSGT đến chốt tại 2 đầu ngăn người dân qua lại cho đến khi nước hạ thấp.

Một nguyên nhân nữa cũng góp phần làm tăng số người tử nạn khi có mưa lũ chính là hệ thống dây điện giăng, mắc chằng chịt ven đường và trên các cánh đồng để thắp sáng, bơm nước tưới cho cây trồng.

Nhiều người đã bị điện giật chết trên đường đi tránh lũ. Đành rằng thiên tai là chuyện ngoài ý muốn và con người chưa thể khống chế, kiểm soát hoàn toàn được, tuy nhiên với sự tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế những thiệt hại mà nó gây ra.

Vì thế cùng với chủ động đối phó với bão lũ; chỉ đạo cho lực lượng chức năng các địa phương thường xuyên kiểm tra tại một số khu vực sông lớn, các bờ đắp dọc theo địa bàn các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi, như sông Vệ, sông Trà Khúc... để ngăn chặn người qua lại khi nước lũ dâng cao, đi vớt củi... chính quyền và ngành, đoàn thể các cấp của tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương không nên chủ quan khi đi lại tại các điểm nước lũ dâng cao, chảy xiết để tránh những trường hợp tử vong đáng tiếc

Công Nguyễn
.
.
.