“Thần dược” lược vàng chứa độc tố gây chết chuột

Thứ Bảy, 21/03/2009, 11:18

Gần đây, rất nhiều người dân Hà Nội và các tỉnh phía Bắc truyền tai nhau về một loại cây "thần dược" tên là lược vàng, có công dụng chữa bách bệnh. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Viện Dược liệu - Bộ Y tế cho thấy, cây lược vàng không có công dụng như đồn đại mà chứa chất độc gây chết chuột thực nghiệm.

Từ cây cảnh thành "thần dược" chữa bách bệnh

Từ một loại cây cảnh ít được chú ý với đặc điểm nổi bật là rất dễ trồng, dễ sống, cây lược vàng bỗng chốc trở thành cây thuốc đắt hàng sau khi có tin đồn về công dụng chữa bách bệnh.

Tại Hà Nội, giá lược vàng dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/cây, có lúc giá "sốt" lên tới 100.000 đồng/cây. Nhiều người đổ xô tìm mua cây lược vàng để chữa bệnh, trong khi ở nước ta chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu đầy đủ về công dụng của loại cây này.

Với đặc điểm thân cỏ, cao dưới 1,5m, màu xanh lục, mọng nước, lá dài 20-30cm, có hoa nhỏ màu trắng, mùi thơm, ở nhiều nước trên thế giới, cây lược vàng được trồng chủ yếu như một loại cây cảnh thông thường và hầu như không có tài liệu khoa học nào về tác dụng chữa bệnh của nó.

Một số nhà khoa học trong nước khẳng định lược vàng chắc chắn không phải loại dược liệu quý hiếm như đồn đại và lên tiếng cảnh báo người dân nên cẩn trọng, không nên đề cao thái quá công dụng của cây lược vàng. Tuy nhiên, những lời khuyến cáo này không mấy được chú ý và cây lược vàng vẫn tiếp tục đắt hàng. 

Kết quả thí nghiệm gây bất ngờ

Trước "cơn sốt cây lược vàng", Viện Dược liệu đã chính thức vào cuộc thực hiện một số nghiên cứu ban đầu về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của cây với mục tiêu xác định sơ bộ thành phần hóa học chính, thử một số tác dụng dược lý và đánh giá độ an toàn của dược liệu lược vàng.

Theo đại diện nhóm nghiên cứu - TS Trịnh Thị Điệp, Khoa Hóa thực vật - Viện Dược liệu, kết quả phân tích cho thấy, thành phần các nhóm chất trong lá và thân cây lược vàng có chứa flavonoid, carotenoid, phytosterol, axit hữu cơ, chất béo, đường tự do và polysaccharid - không có gì đặc biệt lắm so với một số dược liệu khác. Đặc biệt, kết quả dùng cao chiết lá thử nghiệm trên chuột ở liều 940mg/kg - tương đương với liều 50g lá tươi/kg - cho thấy, lược vàng không có tác dụng chống viêm như đồn đại chữa lành vết thương, bỏng… 

Với cao chiết cồn 50% trên mô hình gây viêm cấp thực nghiệm bằng carragenin, thân lược vàng còn tăng phản ứng viêm - tăng mức độ phù bàn chân chuột lên 38,35%. Điều này cho thấy, có thể trong thân lược vàng có chất gây dị ứng làm tăng mức độ phù bàn chân chuột.

Nhóm nghiên cứu đã dùng cao khô lá và thân cây lược vàng để thử hoạt tính kháng khuẩn trên 3 chủng vi khuẩn thường gặp là staphylococcus aureus, escherichia coli và bacillus pumilus. Theo kết quả quan sát và đo đường kính vòng vô khuẩn, cao chiết của lá và thân lược vàng có tác dụng kháng khuẩn đối với staphylococus aureus, nhưng phải ở nồng độ rất cao so với kháng sinh tham chiếu là azithromycin.

Người dân nên cẩn trọng

Điều đáng nói hơn cả là ở liều 2.100g dược liệu tươi/kg thể trọng, lược vàng gây chết 50% chuột thí nghiệm, ở liều 3.000g chuột chết 100%. Chuột thường chết 5-6 ngày sau khi uống và có hiện tượng đi ngoài ra phân nhớt trước khi chết.

Tuy liều sử dụng trên súc vật thí nghiệm không phải là liều sử dụng cho người, nhưng TS Trịnh Thị Điệp nhấn mạnh, người dân rất nên cẩn trọng khi sử dụng, vì cây lược vàng có chứa độc tố mới gây chết trên chuột.

Với kết quả nghiên cứu ban đầu này, nhóm nghiên cứu chưa thể khẳng định mức độ ảnh hưởng sức khỏe khi người dân dùng cây lược vàng chữa bệnh. Viện Dược liệu đang đề nghị Bộ Y tế cho tiến hành một đề tài nghiên cứu cấp Bộ để phân tích sâu hơn về kháng khuẩn, thử chống viêm trên mô hình khác (gây viêm bằng các tác nhân khác), thử tác dụng hạ đường huyết, khả năng trên hệ miễn dịch, nhất là thử độc tính bán trường diễn trên cây lược vàng, tức là tiến hành thử nghiệm trên động vật thí nghiệm trong thời gian dài, từ đó xem xét khả năng ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của cơ thể hay không... Vì thế, trong khi chờ đợi kết quả nghiên cứu chính thức, tốt nhất người dân không nên tiếp tục dùng cây lược vàng điều trị.

Chúng tôi rất mong phía các cơ quan chức năng sớm có những thông tin khoa học chính xác, nhằm bác bỏ những tin đồn thất thiệt về "thần dược" lược vàng hoặc công nhận đúng mức tác dụng của loại cây này, để phục vụ nhu cầu chữa bệnh chính đáng của người dân

Thúy Loan
.
.
.