Thám hiểm mộ khổng lồ ở những khu rừng ma

Chủ Nhật, 06/12/2009, 11:46
Cách TP Hồ Chí Minh hơn 500km, hàng trăm và cũng có thể hàng ngàn năm qua, người Jrai ở cao nguyên Pleiku gọi nơi an nghỉ của người chết là thế giới atâu (hồn ma). Nhắc đến atâu, nhiều thế hệ tộc người liên tưởng đến hình ảnh vùng cấm địa giữa rừng già luôn hiện diện những nấm mồ khổng lồ nhuốm màu huyền hoặc.

Lạc vào thế giới ấy, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác. Ở nơi an nghỉ của nhiều đời người, ngoài nơm gùi, chiêng ché, xà gạc… còn có những vật dụng đắt tiền như máy hát, tivi, đầu máy. Điều kỳ lạ là những tài sản nhà mồ ấy nhiều cái còn mới nguyên nhưng chẳng ai đả đụng, mặc cho chúng bị hủy hoại bởi mưa nắng, thời gian.

Nguồn cội của hủ tục chôn chung

Chiều chạng vạng, trong tâm trạng háo hức, chúng tôi rời khu vực trung tâm tiến ra vùng ngoại ô thành phố Pleiku trong gió lạnh se sắt. Anh Rơchăm Siêng, người dẫn đường nhà ở phường Thắng Lợi cho biết, nơi chúng tôi đang đến là khu nhà mồ nằm dưới chân núi Voi, thuộc làng Tuet 1. Anh nói vẻ bí hiểm: "Làng Tuet là làng cổ, nơi cư trú lâu đời của người Jrai mình. Tại rừng ma của làng, nhiều ngôi mộ to lớn có thể chứa cả chục cái hòm, là nơi ngủ yên của nhiều đời người trong từng gia đình, dòng tộc".

Qua những con đường đất đỏ trơn trượt với cây rừng che phủ thâm u, rồi chúng tôi cũng đến nơi muốn đến, liên tục ngỡ ngàng trước những nấm mồ kỳ lạ nơi đây. Trên nhiều mả mồ là hình dáng những con chim ma được đục đẽo từ thân cây độc mộc với dáng ngồi, gương mặt u trầm. Rơchăm Siêng cho hay: "Người nói chim ma là con sếu, kẻ bảo nó là quạ đen. Gọi sao cũng đúng vì đây là hai con chim gắn liền với cuộc sống thường ngày của người làng. Khi buôn làng có tang ma thì nghệ nhân tạc tượng để nó làm bầu bạn với người chết cho vui. Gia đình khá giả thì tạc chim ma, tượng mồ nhiều. Người nghèo khó thì làm ít".

Tượng nhà mồ - bầu bạn của người chết không thể thiếu ở những khu nhà mồ.

Rảo bước trong thế giới rừng ma, chúng tôi liên tục choáng ngợp trước nhiều ngôi mộ to đùng lổn nhổn chiêng ché. Càng choáng ngợp hơn khi chúng tôi thấy có nhiều bóng phụ nữ lầm lũi hoặc đứng, hoặc ngồi trước các ngôi nhà mồ miệng lẩm nhẩm thứ ngôn từ tâm linh, thoát tục.

Một phụ nữ tên Rơchăm Lan giọng thầm thì chừng như sợ kinh động "người" của xứ atâu: "Mộ to là mộ xưa. Mộ càng to càng có nhiều người nằm trong ấy. Có mộ hơn mười người trong gia đình, họ tộc cùng sống chung. Ngày trước khi có người chết chỉ việc quật mồ, khui hòm được đẽo từ thân cây cổ thụ rồi nhét thêm xác chết vào. Cứ làm vậy đến khi nào hòm đầy thì thôi. Càng có nhiều người chết thì nhà mồ càng to càng rộng".   

Tại ngôi mộ khổng lồ kề bên, cụ bà Rơchăm Mên, 73 tuổi, cho biết cứ chiều chiều là cụ ra đây trò chuyện với người chồng quá cố cho người dưới mộ đỡ cô đơn. Chỉ vào ngôi mộ to đùng rộng hàng chục mét vuông, cụ bảo có ít nhất 10 người của 3 thế hệ nằm dưới ấy. Chúng tôi hỏi: "Sao không chôn riêng thành từng nấm mồ nhỏ mà chôn chung?", cụ lý giải: "Khi sống mọi người yêu thương nhau, cùng ở chung một nhà, sưởi ấm cùng bếp lửa, uống chung ché rượu… thì khi làm ma cũng phải ở gần nhau cho đỡ buồn".

- Sao không chôn người chết vào từng quan tài riêng biệt mà đặt chung, thưa cụ?

- Hồi còn nhỏ, mình nghe người già giải thích, ngày xưa muốn làm cái áo ma cực lắm! Trước tiên phải lên núi cao dùng xà gạc chặt cây thân to bằng 3-4 người ôm rồi bóc vỏ, moi ruột làm hòm. Mỗi lần như vậy đàn ông, thanh niên ở làng cùng tham gia, làm nhiều ngày mới xong. Mỗi lần làm là mỗi lần cực khổ nên người làng chỉ chọn gỗ quý như căm xe, chik, trắc thối… làm hòm vì nó không bị mục. Khi có người chết chỉ việc đào mồ bỏ vào, đỡ phí sức vào rừng chặt cây làm hòm mới! 

Sau này qua trò chuyện với nhà văn Văn Công Hùng (Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật dân gian tỉnh Gia Lai), chúng tôi mới biết kiểu mai táng mà chị Rơchăm Lan và cụ bà Rơchăm Mên kể chính là hình thức chôn chung. Nhà mồ càng to lớn chứng tỏ người được chôn cùng huyệt mộ càng nhiều. Có khi cái xác chết trước chưa phân hủy, đang trong giai đoạn trương sình thì người ta lại quật mồ đặt cái xác mới vào khiến mùi tử khí bốc phả ra.

Như tâm tình của nhà văn Văn Công Hùng, anh Rơchăm Rơk, trưởng làng Chuét 1: "Mộ khổng lồ là mộ có từ trước. Những năm gần đây làn sóng văn hóa mới được triển khai đến nhiều buôn làng xa xôi nên tục chôn chung dần được đẩy lùi. Ở làng Chuét 1, Chuét 2 giờ không còn tục chôn ấy nữa".

Vào thế giới atâu cũng cần của cải

Giữa lúc chưa hết ngạc nhiên trước hình ảnh những con quái điểu và những nấm mồ chôn chung khổng lồ thì chúng tôi được anh Rơk cho hay: "Không chỉ có chiêng ché, nơm gùi, tại rừng ma của các làng Dúch 1, Dúch 2 và làng Tiep thuộc xã vùng cao Ia Reng (huyện Chư Pảh) còn có sự hiện diện của tivi, đầu máy, giường tủ, máy hát”…

Không bỏ lỡ cơ hội được tận mắt chứng kiến chuyện lạ có thật, mờ sáng hôm sau chúng tôi rạp "chiến mã" tìm đường đến Ia Reng. Hỏi thăm một số người làng đường vào rừng ma, chúng tôi ghi nhận nét mặt, ánh mắt sợ hãi của nhiều người trong họ với lời khuyên: "Không có người chết, không có việc thì đừng vào. Coi chừng con ma bệnh theo về bắt trâu bắt bò, nó làm mình đau ốm rồi chết đấy". 

Một trong những nấm mồ khổng lồ ở xã Ia Reng.

Tìm kiếm, hỏi thăm mãi rồi chúng tôi cũng được anh Rơchăm Puih, Trưởng ban Mặt trận thôn Dúch 1 nhận lời giúp. Chỉ tay về phía con đường mòn bé xíu, um tùm cây lá, đá nhọn lởm chởm, Puih bảo: "Dù đã được Đảng, Nhà nước tuyên truyền nhưng đồng bào vẫn chưa bỏ hẳn tục chia của. Nhiều đời qua đồng bào vẫn quan niệm người chết có thế giới ma của họ. Họ cũng cần có lương thực để ăn, cần có áo để mặc, cần có rượu để uống, cần có của cải để sinh sống nên những gì mà lúc còn sống người chết thường sử dụng thì cha mẹ, anh em, vợ con trả lại cho họ thôi".

Càng dấn sâu vào con đường mòn nhỏ, cây lá um tùm càng khiến không gian tối um. Những âm thanh rào rào do lũ rắn độc bị động trườn mình trên cành lá nghe mà hãi. Khi cảm giác lo sợ lên đến đỉnh điểm thì vùng sáng phía trước hiện ra báo hiệu chúng tôi lọt thỏm vào thế giới atâu huyền hoặc.

Nằm gối đầu trên dòng chảy của con sông Sê San hùng vĩ, tứ bề là núi non trùng điệp quanh năm mù sương, thế giới rừng ma nơi đây khiến người ta có cảm giác lạc vào chốn hồng hoang của hàng trăm năm trước. Đó đây là những chiếc áo ma được đẽo từ thân cây độc mộc mà người sống đẽo sẵn đặng dành khi làng có hữu sự. Đó đây là những nấm mồ điêu tàn vì sự xâm hại của nắng mưa và thời gian. Cùng đó là những nấm mồ không bia mộ to đùng được che chắn bởi hàng rào gỗ sần sùi, mục rã. Đó đây còn có sự hiện diện của những bức tượng nhà mồ u uất, trầm mặc…

Có lẽ cuộc sống của đồng bào Jrai ở nơi núi rừng heo hút này sung túc hơn ở làng Tuét 1, Tuét 2 ở phường Thắng Lợi nên của cải mà thân nhân người quá cố để lại nhà mồ theo tục chia của toàn đồ có giá trị (?!). Ẩn sau những bức tường bằng gỗ cây ấy là tivi, quạt máy, đầu đĩa, giường tủ, xe đạp…, nhiều cái còn mới nguyên. Chúng tôi cũng thấy những chiếc ché túc trị giá hàng chục con trâu hiện diện tại những nấm mồ khổng lồ.

"Báu vật sống" giữa rừng già

Xuyên suốt các khu rừng ma ở Chư Pảh nói riêng và cao nguyên Pleiku nói chung, chúng tôi phát hiện trong từng thế giới hồng hoang vi diệu ấy đều ẩn hiện những gam màu văn hóa, luật tục, hủ tục sống động, đan xen, trở thành hấp lực khó có thể cưỡng lại với những ánh mắt, những bước chân xa lạ.

Cái cảm giác choáng ngợp, đê mê ấy càng bừng cháy khi chúng tôi được nhà văn Văn Công Hùng khởi tả: "Không chỉ là nơi chôn người chết, rừng ma còn là nơi để những gia đình, dòng tộc biểu trưng sự giàu có và uy quyền. Tôi từng có nhiều cơ hội mục diện những đám ma mà của cải người sống chia cho người chết chất chồng chồng lớp lớp với hàng trăm món đồ có giá trị. Cả những lễ bỏ mả tiêu tốn hàng trăm ghè rượu, hàng chục con trâu cùng vô số tượng nhà mồ được đẽo từ cây gỗ quý để làm bầu bạn với người chết".

Được các nhà dân tộc học và nghiên cứu văn hóa ví như những "báu vật sống giữa rừng già", các khu rừng ma là chốn thiêng linh thể hiện đậm nét tính cách trọng nghĩa, chung tình, phóng khoáng của tộc người Jrai. Đồng thời là lăng kính phản ánh sinh động nhất những bản sắc, tinh hoa văn hóa của tộc người, đặc biệt là tượng nhà mồ với các hình tượng Racoom (người mặt buồn).

Khi được chia cho người chết, dù có giá trị nhưng không ai dám xâm phạm đến tivi, đầu máy… trong thế giới atâu.

Thật thú vị khi được nghe anh Rơchăm Puih trải lòng: "Sau lễ bỏ mả, những báu vật sống ấy sẽ chết đi bởi từ đây người sống không còn cúng viếng, chia của, thương nhớ gì đến người đã khuất. Khi ấy những ngôi mộ khổng lồ sẽ tàn lụi theo thời gian. Nắng mưa, gió bụi, lá rừng sẽ phủ lấp tất cả. Báu vật sống ấy chỉ hồi sinh khi có người con Jrai nào đó về với Yàng"

Thành Dũng
.
.
.