Thăm các vườn đào quất “ế”

Thứ Sáu, 06/02/2009, 14:17
Có nhiều nông dân ở Tứ Liên Tết năm nay bán quất không đủ vốn, thậm chí có hộ chỉ bán được 20 triệu đồng tiền quất cảnh. Đến cánh đồng đào Nhật Tân ngoài bãi, chúng tôi không khỏi giật mình bởi có hộ còn ế đến 80% lượng đào.
>> Đào, quất ở Hà Nội: Vẫn có nhưng giá cao

Như thường lệ, sau cái Tết Nguyên đán, những người trồng đào, quất lại ra vườn làm giống cho vụ Tết năm sau. Nhưng năm nay, bước chân tới những vườn đào, vườn quất ở Quảng An, Nhật Tân quận Tây Hồ, hay huyện Đông Anh, Hà Nội chúng tôi nhận thấy một không khí khác hẳn. Đào vẫn nở hoa, quất vẫn đỏ rực cây nằm trên ruộng...

Nhìn tiền triệu tiếc ngẩn ngơ

Chúng tôi đi dọc đường quốc lộ khi tiết trời đã lập xuân. Vườn đào, quất ở thôn Nghĩa Lại, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh vẫn có người chăm sóc. Một người đàn ông đi quanh vườn đào thế đang trổ hoa, nhưng thân khô khốc, còi cọc. Anh chỉ là người đến thuê lại vườn đào, còn ông chủ thực sự của những gốc đào đã chán nghề này mà bỏ bẵng cả vườn.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Út có ruộng đào thế bên cạnh đang cặm cụi gánh đất đổ vào luống đào. Ruộng nhà chị chỉ có 10 thước nhưng năm nay cũng chịu cảnh mất mùa. Những cây đào thế đang được tỉa lại, cắt gọn cành, vun gốc. Khi được hỏi: "Năm nay nhà chị có bị ế đào không?". Chị chỉ thẳng vào ruộng: "Các chị cứ nhìn vào ruộng thì biết. Mấy gốc đào thế đẹp thế kia mà còn phải ở lại ruộng. Năm trước, vườn đào nhà tôi thu hoạch được 50 triệu đồng, năm nay cố gắng mà chỉ được có 12 triệu đồng. Những năm trước, một cây đào thế đẹp tôi bán được 7, 8 triệu đồng nhưng năm nay cây đẹp nhất cũng chỉ bán được 4 triệu đồng".

Vườn đào phía trên Cầu Tre thuộc xã Uy Nỗ đang còn rất nhiều cây đào đang nở rộ hoa, hình ảnh hiếm thấy những ngày sau Tết trước đây. Ven đường quốc lộ 3, đoạn thuộc xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, chủ vườn quất vặt quả ném đầy gốc cây.

Không thể kể xiết một cái Tết trong tiếc nuối khi hàng chục triệu đồng của mỗi hộ nông dân trồng đào, quất ở Hà Nội phải bỏ đi. Anh Nguyễn Trung, chủ vườn quất 300 gốc ở phường Quảng An, quận Tây Hồ đang phải  ngắt những quả quất mọng vàng bỏ đi trong tiếc nuối.

Với anh, những cây quất cảnh tròn to, có giá trị 6 triệu đồng/cây (giá bán trước Tết) là cả một kỳ công chăm bón, uốn tỉa. Bao mồ hôi, công sức, tiền của mua giống, mua đất, mua thuốc dồn hết vào những cây quất cảnh, đến ngày hái quả thì lại bị… ế.

"Sao anh không bán rẻ đi" - tôi hỏi. Anh thở dài: "Không có ai mua chứ không phải là hét giá cao". Thất thu, nhiều hộ nông dân trồng đào, quất ở Quảng An, Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng lại phải tất bật bỏ công sức ngắt quả, tháo dây thép, chặt cành để phục hồi gốc cũ cho mùa Tết sau.

Chủ vườn quất Phạm Văn Thắng ở Tứ Liên có 300 gốc quất nhưng ế hơn 100 gốc. Những cây quất thế đẹp trước Tết bán được 3 triệu đồng, nhưng đến 30 Tết giá sụt giảm chóng mặt, hạ xuống 1 triệu, rồi 800 nghìn cũng bán. Một nông dân ở Tứ Liên than thở: "Hạ xuống 800 nghìn mà còn không có người mua".

Có nhiều nông dân ở Tứ Liên Tết năm nay bán quất không đủ vốn, thậm chí có hộ chỉ bán được 20 triệu đồng tiền quất cảnh. Đến cánh đồng đào Nhật Tân ngoài bãi, chúng tôi không khỏi giật mình bởi có hộ còn ế đến 80% lượng đào trồng như vườn đào Sự.

"Trồng đỗ, lạc vào luống đào"

Năm 2009 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn do cơn khủng hoảng tài chính lan rộng trên toàn thế giới, với các hộ nông dân trồng đào, quất cảnh ở Hà Nội đang đứng trước những mối lo lớn từ thị trường người tiêu dùng ngày càng thắt chặt hầu bao.

Theo anh Phạm Trung, chủ vườn quất Trung ở Quảng An thì quất giống năm nay đắt hơn năm 2008. Nếu năm nay hộ nào không tính toán, tìm hướng đi mới thì sẽ bị thua lỗ. Bằng chứng là sức mua Tết 2009 sụt giảm, ít người chơi cây to, đắt tiền nên năm nay anh Trung tập trung vào trồng nhiều cây vừa phải, giá trị thấp hơn để dễ tiêu thụ.

Còn chị Út ở Đông Anh thì nói bằng giọng xót xa rằng: "Vợ chồng tôi chở đất vào vườn rồi sau sẽ trồng xen đỗ và lạc".

Theo ông Phạm Tuấn Diếp, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch, UBND quận Tây Hồ, Tết 2009, lượng đào bị ế còn tồn ở các vườn là 25%, quất ế 15%.

Trước dự báo năm 2009 còn khó khăn, Phòng Kinh tế đã có kế hoạch tìm hướng đi mới cho người nông dân như yêu cầu họ tập trung trồng những loại cây phù hợp với thị trường, không chú trọng đến những loại cây có giá trị kinh tế quá cao, sẽ khó tiêu thụ.

Tìm hướng đi mới để phù hợp với thị trường là điều mà người nông dân trồng cây cảnh ở Hà Nội đang chú trọng, có thế mới giúp họ vượt qua khó khăn chung này

Trần Hằng - Việt Hà
.
.
.