Thái Bình gặt hái thành công từ công tác xã hội hoá an ninh trật tự

Thứ Hai, 18/12/2006, 09:23
"Thắng lợi" của Thái Bình là đẩy mạnh công tác xã hội hoá về ANTT, nhân rộng các mô hình quần chúng tự quản, tự phòng, huy động sức mạnh tổng hợp tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tới Thái Bình, cầu Tân Đệ vắt đôi bờ sông Hồng lộng gió như chào đón du khách tới thành phố trẻ Thái Bình đang trỗi dậy từng ngày. Phố Quang Trung chạy giữa trung tâm thành phố, dòng người hối hả ngược xuôi, phong cảnh thanh bình hiện hữu trên từng gương mặt.

Một lần về thăm, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh đã khẳng định, công tác xã hội hoá nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở Thái Bình thể hiện sức mạnh vô địch của quần chúng, góp phần chiến thắng mọi sự can thiệp của các thế lực thù địch, đấu tranh thắng lợi với mọi tội phạm.

Gặp những người "vác tù và hàng tổng"

Chiều tối, những cơn gió lạnh vẫn thổi ào ào trên đường Trần Quang Khải nằm dọc triền đê sông Trà Lý khiến chúng tôi rét run cầm cập. Ghé vào căn nhà tạm xung quanh quây bằng cót ép, anh Sơn (cán bộ Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Thái Bình) nói: "Cụm an ninh tự nguyện khu Nhất Thanh, phường Kỳ Bá đấy".

Một người đàn ông đon đả mời chúng tôi vào nhà cho khỏi rét. Bác là Lê Văn Thăng, đã 26 năm gắn bó với phong trào ANTT. Bác Thăng thổ lộ, là một cựu chiến binh từng nhiễm chất độc da cam nên sức khoẻ "tồi tệ" lắm, nhưng vẫn không thể ngồi yên.

Từ khi bến bãi Nhất Thanh là nơi ăn nên làm ra thì bọn tội phạm cũng từ khắp nơi kéo về. Vậy là, Đội an ninh tự nguyện được thành lập, ai cũng đồng tình ủng hộ. Bác Thăng là một thành viên của nhóm. Hàng ngày các thành viên của nhóm thay phiên nhau trực tuần tra 24/24h. Có ngày phát hiện bắt giữ 3-4 đối tượng chuyển tới Công an xử lý. Với cách làm này, 4 năm qua, nhóm tự quản ANTT phối hợp với bà con phát hiện 300 đối tượng từ nơi khác tới địa bàn.

Nhưng còn nỗi đau trong lòng thì "người vác tù và hàng tổng" ấy luôn muốn giữ chặt trong lòng. Bọn xấu trả thù bằng cách lôi kéo đứa con trai độc nhất của bác vào con đường nghiện hút. Được bà con láng giềng giúp đỡ nên con trai bác đã cai nghiện và trở về với cuộc sống đời thường.

Toàn tỉnh Thái Bình đã có tới 835 mô hình tự quản về ANTT với hàng ngàn người "chuyên vác tù và hàng tổng" như bác Lê Văn Thăng ở phường Kỳ Bá.

Từ thành phố Thái Bình xuôi về thị trấn Kiến Xương tới ngã ba Vũ Quý, chúng tôi gặp một người đàn ông với mái tóc hoa râm, bộ quân phục đã bạc màu, tay đeo băng đỏ đang huýt còi, tay cầm cờ đuôi nheo hướng dẫn tham gia giao thông.

Anh bạn tôi giới thiệu: "Đó là ông Đỗ Anh Bồng, tổ trưởng tổ tự quản giao thông ở xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương". Thì ra ở địa bàn đông người qua lại, chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra khiến ông Bồng và bà con trăn trở.

Từ đó một mô hình tự quản về ATGT đã ra đời. Bất kể nắng cũng như  mưa, ngày nào ông Bồng cũng cùng các thành viên trong tổ hướng dẫn bà con thực hiện tốt trật tự an toàn giao thông.

Giống như ông Bồng, ở thị tứ Cống Rút, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, người ta còn ngạc nhiên về sự dẻo dai của người cựu chiến binh già Nguyễn Đình Hoè. Ngày nào cũng vậy, sáng trưa chiều tối, ông luôn luôn có mặt ở những khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông. Hết giờ cao điểm ông lại đi tới từng nhà để vận động, tuyên truyền và tổ chức thực hiện TTATGT.

Không chỉ có ông Hoè, ông Bồng mà ở Thái Bình có tới hàng ngàn người như thế. Họ đang hoạt động trong 513 tổ tự quản về ATGT của tỉnh. Có thể nói, công tác xã hội hoá về ANTT ở tỉnh Thái Bình đã thấm tới từng người dân.

Những người con sống giữa lòng dân

Về Thái Bình, đi tới đâu chúng tôi cũng được nghe, được thấy hiệu quả từ những mô hình tự quản về ANTT. Nói về điều kỳ diệu này, Đại tá Trần Văn Vệ, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình tâm đắc: "Công tác xã hội hoá ANTT là phương thuốc mầu nhiệm cho an ninh Thái Bình. Không chỉ riêng lực lượng Công an mà cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh đã vào cuộc".

Lực lượng Công an đã  tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung giải quyết triệt để những vấn đề khiếu tố của dân ngay từ cơ sở, tăng cường bảo vệ ANTT.

Thắng lợi của Thái Bình là đẩy mạnh công tác xã hội  hoá về ANTT, nhân rộng các mô hình quần chúng tự quản, tự phòng, huy động sức mạnh tổng hợp tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hàng tuần Ban giám đốc Công an tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp và lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân.

Không chỉ tổ chức nhiều mô hình tự quản sáng tạo mà lực lượng Công an Thái Bình còn đánh trúng, đánh đúng nhiều đối tượng phạm tội. Nhiều vụ án kinh tế lớn đã được phanh phui (132 vụ, 232 đối tượng phạm tội kinh tế, 9 vụ tham ô, một số vụ án kinh tế lớn mà người dân quan tâm cũng được làm rõ như vụ tham ô gần 500 triệu đồng ở Công ty Bảo Việt Thái Bình; vụ để ngoài sổ sách 2,9 tỉ đồng để trốn thuế ở Xí nghiệp nhựa Phú Khánh.

Dư luận quan tâm đặc biệt là vụ ông Mạc Kim Tôn, nguyên đại biểu Quốc hội khoá X, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Thái Bình thông đồng với "siêu lừa" Trần Thị Ánh chiếm đoạt trên 400 triệu đồng.

Năm qua, Thái Bình được Bộ Công an đánh giá là 1 trong 5 tỉnh phía Bắc làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV đang đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Với những nỗ lực, thành tích trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT, Công an tỉnh Thái Bình đề nghị Chính phủ tặng cờ thi đua năm 2006

Kim Quý - Thu Hòa
.
.
.