Tết về với thanh, thiếu niên đường phố

Thứ Tư, 10/02/2010, 15:10
Hì hụi cùng chúng bạn cắt, tỉa, sơn, vẽ, cuối cùng, những cành mai vàng rực rỡ của T.Y và các thành viên nhà C, Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh, thiếu niên TP HCM cũng hoàn thành.

"Bà mẹ" của gần 40 "cô con gái" bất trị hoặc bị bỏ rơi, cô giáo Lê Thị Dung cho biết, vài chục năm trở lại đây, cứ vào khoảng thời gian này là mấy chục mẹ con lại tập trung quây quần trang trí "nhà" lo đón Tết.Hầu hết đều là thành viên mới, một số thì đã đón Tết tại trung tâm lần thứ 2, thứ 3. Em nhỏ nhất lên 9 tuổi, còn lớn nhất cũng đã 16 - 17 tuổi. Tuy còn khó khăn nhưng năm nào trung tâm cũng cố gắng lo cho các em một cái Tết đầm ấm, vui tươi nhất trong phạm vi điều kiện, kinh phí cho phép…

Ngôi nhà chung của những đứa trẻ tứ xứ

Thực tế, nếu tính toàn bộ thanh, thiếu niên đón Tết tại trung tâm năm nay, quân số lên đến 230 em, trong đó, chiếm phần lớn là học viên nam. Nhỏ nhất mới 5 tuổi, lớn thì đã đến tuổi thành niên. Có em quê ở các tỉnh phía Bắc, có em là người ở phía Nam, có em lưu lạc từ miền Trung song phần lớn đều có một điểm giống nhau: Bị cha mẹ bỏ rơi, mồ côi, không nơi nương tựa, bỏ nhà đi lang thang, bị cơ quan chức năng thu gom, đưa về trung tâm quản lý. Nhiều em mới được đưa vào tập trung lần đầu nhưng số em ra rồi vào lần thứ 2, thứ 3 cũng không hiếm.

Riêng với Nguyễn Hoàng Thủy Tiên thì trung tâm đã trở thành chốn đi về cuối cùng để em xin được nương tựa. Thủy Tiên cho biết, gia đình em có đến 4 anh chị em. Sau khi ba bỏ nhà đi, người mẹ túng quẫn, bỏ mỗi đứa con mỗi nơi rồi đi biệt xứ. Tiên được chuyển đến ngôi nhà chung này. Chỉ mấy tháng sau, người anh tên Thịnh cũng nối gót em gái về trung tâm. 2 người em còn lại, Tiên nghe nói đứa 5 tuổi đã được đưa gửi các xơ ở nhà thờ nào đó, đứa 2 tuổi thì được gửi về quê cho bà ngoại.

Theo chị Lê Thị Thúy, Phó Giám đốc trung tâm thì chiếm phần lớn là các thanh, thiếu niên lang thang, bị thu gom về sau các đợt truy quét của thành phố. Ngày chúng tôi có mặt tại trung tâm, dấu vết cuộc sống hoang dại ngoài đường phố vẫn còn hằn lên trên từng mái tóc, từng cái nhìn khi lầm lụi, khi đầy thách thức của các em.

Trẻ em đường phố được tập trung tại Trung tâm Giáo dục thanh, thiếu niên TP HCM chuẩn bị đón Tết.

Cho mùa xuân thêm ấm áp

Không giống như những người khác, nơi tập trung bắt buộc của những đứa trẻ lang thang lại trở thành ngôi nhà được em chủ động lựa chọn từ năm 1996. Từ nhỏ Yến đã không biết cha là ai. Khi mẹ lấy chồng khác, bà ngoại bán nhà rồi cũng bỏ đi. Đang trong lúc bơ vơ, Yến được người ta mách địa chỉ trung tâm nên tự tìm đến xin được trú ngụ…

Có lẽ do đã quá lâu hoặc do Yến không muốn nhắc đến nữa nên kể chuyện về đón Tết, Yến bảo em đã quen với những cái Tết của trung tâm, thấy rất vui vì ngoài việc học, làm thêm hàng ngày, những ngày này, các em còn được đón các đơn vị xã hội từ thiện, được nhận quà bánh, được vui chơi… Việc đón tết cùng người thân em đã không còn nhớ nữa...

Trao đổi với chúng tôi về việc tổ chức đón Tết cho các em, Phó Giám đốc trung tâm, Lê Thị Thúy cũng cho biết: Dù kinh phí không dồi dào, nhưng năm nào trung tâm cũng cố gắng lo cho các em một cái Tết đầm ấm. Ngoài tiêu chuẩn ngân sách (15.000đồng/em/ngày), trung tâm đã vận dụng các nguồn vận động từ các cơ quan, tổ chức từ thiện chăm lo thêm cho các em được 40.000đồng/em/ngày.

Liên tục trong 4 ngày Tết, trung tâm cũng đều tổ chức cho các em vui chơi, giải trí với khá nhiều hoạt động phong phú: tổ chức các trò chơi đập trống, ném còn, hái lộc đầu xuân, thảy vòng, thi đấu bóng rổ… Trước đó, tự các phòng đều có tự tổ chức trang hoàng nhà ở, phòng sinh hoạt chung… Tuy nhiên, không chỉ dịp lễ, Tết mà ngay ngày thường, so với nhiều đơn vị khác, việc quản lý, tổ chức vui chơi, học tập cho các em tại trung tâm cũng đã gặp rất nhiều khó khăn.

Hầu hết các học viên đang được quản lý tại đây đều thuộc diện tập trung bắt buộc, nếu chỉ lơ là một chút dễ xảy ra chuyện, nhất là bỏ trốn, gây gổ với nhau. Thế nhưng, chị cùng tất cả các đồng nghiệp vẫn luôn tin rằng, các em chỉ là những cô, cậu bé kém may mắn, như cái cây non sống hoang dại ngoài đường nên rất thiếu sự chăm sóc, giáo dục và cả "hơi ấm" của những người thân. Nếu các thầy cô quản lý cẩn trọng và đối xử với các em một cách công tâm, lấy tình người để giáo dục thì chắc chắn các em sẽ thành người có ích cho xã hội trong tương lai...

Hoa Huyền
.
.
.