Tây Nguyên: Nỗi lo nạn trộm cắp cà phê đầu vụ

Thứ Sáu, 07/11/2014, 10:26
Đầu tháng 11 hàng năm là thời điểm nông dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chuẩn bị bước vào niên vụ thu hoạch cà phê mới. Bên cạnh nỗi lo giá cả, mất mùa, tuyển dụng lao động... thì nông dân còn phải gánh thêm nỗi lo hái trộm cà phê.

Công an xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, chỉ tính riêng nửa cuối tháng 10, trên địa bàn xã đã xảy ra hàng chục vụ hái trộm cà phê, với hàng trăm cây cà phê bị tuốt sạch quả. Thậm chí, nhiều vụ trộm cắp có tính chất phá hoại như kẻ trộm đột nhập vào bẻ cành sau đó mang đi nơi khác tuốt lấy quả, gây thiệt hại lớn tài sản cho người nông dân phải nhiều năm sau mới khắc phục được.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê mới hơn 3 năm tuổi vừa bị kẻ trộm ghé thăm, ông Nguyễn Văn Ngọ (thôn 6, xã Ea Kpam) tỏ ra lo lắng: “Gia đình tôi có hơn 1,4ha cà phê trồng năm thứ 3, đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch thì ngày 20/10 vừa qua, chỉ sau 1 đêm, kẻ trộm đã lẻn vào vườn bẻ cành, tuốt quả gần 20 gốc, thiệt hại khoảng 1,5 tạ cà phê tươi. Để có vườn cà phê này, vợ chồng tôi phải bỏ công chăm sóc và vay mượn hơn 80 triệu đồng để đầu tư. Không biết từ nay đến cuối vụ còn giữ được bao nhiêu”. Cũng lâm vào tình cảnh tương tự, vườn cà phê của các hộ ông Nguyễn Cảnh Phượng, Nguyễn Xuân Ngọc… ở gần đó cũng bị kẻ trộm hái sạch hàng chục gốc chỉ trong một đêm. “Mất trộm đã đành nhưng nhìn vườn cây bị “triệt hạ” thế này đau xót lắm chú à”, ông Nguyễn Xuân Ngọc than thở.

Những vườn cà phê mới kinh doanh được kẻ trộm nhắm tới vì trái chín đều, to quả.

Không chỉ ở các huyện vùng sâu, vùng xa mà ngay trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, người trồng cà phê cũng phải chung cảnh bị kẻ trộm viếng thăm. Bà HNum Ênuôl (trú phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột) có hơn 1ha cà phê cách nhà hơn 5km nên không có điều kiện trông coi. Ngày 22/10 vừa qua, hàng trăm cây cà phê trong vườn đã bị kẻ gian bẻ cành tuốt sạch, thiệt hại hơn 400kg cà phê tươi.

Các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai mặc tình cảnh phập phồng lo âu nạn trộm cắp, phá hoại cà phê đang hoành hành cũng là vấn đề nhức nhối. Chị Nguyễn Thị Dung (trú xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) cho biết: “Do đầu niên vụ năm nay giá cà phê đang ở mức cao (7 đến 8 ngàn đồng/kg cà phê tươi) nên tình trạng trộm cắp diễn ra khắp nơi. Gia đình tôi có hơn 3 sào cà phê, chỉ trong một đêm, kẻ gian đã lẻn vào bẻ cành, tuốt sạch hơn 100 gốc. Nhìn vườn cà phê xơ xác mà ứa nước mắt, hơn 1 năm bỏ công chăm sóc giờ coi như đổ sông, đổ bể hết”.

Bọn trộm thường chọn những vườn cà phê mới trồng (còn gọi là cà phê tơ) để hái bởi loại cây này cành thẳng, quả to, chín đều. Chúng không đi đơn lẻ mà thường đi theo từng nhóm từ 3-4 người, thậm chí có nhóm lên đến 10 người. Khi vào rẫy sẽ cắt cử người đứng ngoài canh chừng, nếu thấy động sẽ gọi điện thoại báo ngay cho đồng bọn rút lui. Nếu chẳng may bị truy đuổi, chúng sẵn sàng chống đối một cách liều lĩnh. Vườn cà phê bị hái trộm chủ yếu nằm ở nơi vắng vẻ, cách xa khu dân cư nên người dân rất khó bảo vệ.

Những năm trước đây, có một số trường hợp khi bà con bắt được kẻ trộm, đưa lên chính quyền địa phương nhưng những đối tượng này chỉ bị phạt vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe, còn người dân mất trộm không được bồi thường. Bởi vậy, khi mất trộm người dân cũng “cam chịu” mà không muốn báo lên chính quyền địa phương, chỉ thêm mất thời gian, rườm rà… Người dân chỉ còn cách tự động viên nhau thành lập các nhóm nông hộ có vườn, rẫy gần nhau, hằng đêm cứ khoảng 22h bắt đầu tổ chức đi thăm rẫy, thậm chí ở lại rẫy túc trực. Thậm chí có nhiều nhà còn mang cả xoong chảo, nồi niêu vào rẫy nấu nướng, ăn uống để trông cà phê. Có nhiều nhà neo người phải thuê người đi trông coi mỗi đêm 100 ngàn đồng...

Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Phó trưởng Công an xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar cho biết: “Hàng trăm trình báo của người dân về việc mất trộm cà phê. Địa điểm hoang vắng, ít người qua lại hoặc vụ việc diễn ra cách 2 - 3 ngày người dân mới phát hiện và báo cơ quan chức năng nên việc xác minh, điều tra gặp nhiều khó khăn. Hiện, lực lượng Công an xã chỉ vận động người dân nâng cao cảnh giác, thường xuyên thăm rẫy, nếu thấy có người lạ đến thì cần theo dõi sát sao và báo với lực lượng Công an gần nhất để kịp thời giải quyết...”.

Cũng theo ông Vỹ, tình trạng mất trộm cà phê thì năm nào cũng có nhưng số vụ nhiều hay ít tùy thuộc vào giá cả cà phê tăng hay giảm. Hiện nay, để bảo vệ vườn cây, người dân vẫn tự lo là chính. Tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), huyện Đắk Mil (Đắk Nông), chính quyền địa phương đã thành lập những tổ tự quản, mỗi tổ khoảng 10-20 thành viên. Tổ tự quản này sẽ được chính quyền xã hỗ trợ kinh phí mua sắm công cụ, trang phục. Ngoài ra, các hộ có cà phê đóng góp từ 200 đến 300 ngàn đồng để trả thù lao cho hoạt động.

Vào vụ thu hoạch, các tổ tự quản này sẽ thay nhau tuần tra 24/24 giờ tại các vườn cà phê. Nếu để xảy ra mất cắp cà phê, tổ tự quản sẽ đền tiền tương đương với số cà phê bị mất cắp. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, tình trạng mất cắp tại các địa phương này đã giảm đi rõ rệt

Văn Thành
.
.
.