Tây Nguyên: Làm gì để kiềm chế TNGT?

Thứ Ba, 30/08/2011, 13:36
Cùng với nhiều địa bàn trong cả nước, Tây Nguyên cũng là khu vực có số vụ TNGT cao và diễn biến phức tạp hàng năm. Lý giải về vấn đề TNGT ở Tây Nguyên, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài đặc điểm địa hình phức tạp, đường sá chật hẹp vấn đề bức xúc hiện nay là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông trong vùng rất hạn chế…

Khó xử lý vi phạm

Một cán bộ CSGT công tác ở Tây Nguyên kể, có lần đi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông, bắt xử lý một người dân tộc thiểu số ở địa phương vi phạm Luật Giao thông đường bộ, lỗi vi phạm đi xe máy chở quá số người quy định. Nhưng thật buồn cười khi tổ công tác dừng xe yêu cầu kiểm tra giấy tờ và thông báo lỗi vi phạm, người lái xe máy đã nói: "Xe mình chở 3 người vẫn chạy tốt mà, ở làng có lúc còn chở tới 4 người …". 

Một trường hợp khác thường xảy ra ở địa bàn Tây Nguyên là xe công nông, độ chế khi tham gia giao thông thường chở người ngồi sau thùng xe. Theo quy định, xe độ chế, xe công nông không được phép chở người phía sau vì không an toàn nhưng khi xử lý thường gặp sự phản đối của người dân. Có lần CSGT chặn xe công nông chở hàng chục người ngồi phía sau, đã bị chủ xe phản ứng vì không hiểu luật: "Xe này mạnh lắm, chở nhiều tấn hàng còn chạy được, chở vài chục người còn nhẹ lắm…".

Gặp những tình cảnh bi hài này, người xử lý đối tượng vi phạm giao thông không chỉ xử lý cho hợp lẽ mà còn phải giải thích làm sao để người dân địa phương khi tham gia giao thông phải chấp hành cho đúng luật mới là điều khó.

Bên cạnh việc người tham gia giao thông không hiểu luật, sử dụng phương tiện tham gia giao thông theo thói quen của địa phương, còn có những trường hợp hiểu biết pháp luật, nhưng bất chấp. Đáng nói nữa là có trường hợp vi phạm các quy định về an toàn giao thông nhưng còn cố tình "cãi lý" với lực lượng CSGT để khỏi bị xử lý. Đây là những điểm gây khó cho CSGT khi làm nhiệm vụ trong thời gian qua.

Những giải pháp để kiềm chế

Mỗi năm tổng kết, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông ở Tây Nguyên luôn cao, trong đó các tuyến quốc lộ 14, 19, 20, 25, 27 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chiếm tỷ lệ khá lớn. Các lỗi thường thấy lặp đi lặp lại những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông ở đây như vi phạm tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, chở quá tải, xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật, do say bia rượu… Xét cho cùng tất cả các lỗi vi phạm ấy phần lớn là do ý thức chủ quan của con người.

Tuần tra xử lý vi phạm giao thông trên QL14.

Ở Tây Nguyên, lượng xe mô tô, ôtô tăng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xe công nông, độ chế và xe máy tăng nhanh nhưng ý thức pháp luật của người tham gia giao thông còn rất hạn chế, điều ấy cho thấy tính phức tạp của vấn đề giao thông miền núi hiện nay. Một số lượng lớn xe công nông, độ chế ngoài vòng kiểm soát, không đăng ký chạy loạn xạ trên các tuyến đường chính; xe có biển số ngoại (Lào, Campuchia) cũng lưu thông khá đông hằng ngày dưới nhiều hình thức lách luật.

Một thực tế là ở vùng Tây Nguyên, ý thức văn hóa tham gia giao thông của người dân còn hạn chế. Đáng buồn là không ít người tham gia giao thông chỉ chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi có lực lượng làm nhiệm vụ xử lý vi phạm giao thông. Ngoài ra, khó khăn về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân thay xe độ chế, xe ôtô hết hạn lưu hành còn chậm và khó thực hiện. Tuy nhiên, thiết nghĩ, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật và rèn luyện tính tự nguyện chấp hành pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được đầu tư nhiều hơn cả về kinh phí, phương tiện và người tham gia so với vùng đồng bằng, thành thị.

Bên cạnh đó, giáo dục ý thức pháp luật cho con người ở vùng nông thôn miền núi phải gắn với văn hóa sinh hoạt buôn làng. Để làm điều ấy phải có sự đồng lòng trách nhiệm của toàn xã hội và phải gắn trách nhiệm cụ thể với từng cá nhân mỗi gia đình ở buôn làng, tổ dân phố. 

Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho người tham gia giao thông, cũng cần giải quyết nhanh những vấn đề khách quan tác động tới tai nạn giao thông ở Tây Nguyên như khắc phục "điểm đen", giải quyết hệ thống giao thông phù hợp với nhu cầu phát triển của con người, sự gia tăng phương tiện và quá trình đô thị hóa nhanh trong từng vùng miền, có như vậy hy vọng việc kiềm chế, đẩy lùi TNGT ở Tây Nguyên mới đạt hiệu quả trong những năm tới

Ngọc Như
.
.
.