Taxi, xe ôm tranh cướp khách tại các bến xe

Thứ Bảy, 09/01/2010, 14:05
Đường dây nóng của Báo CAND nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng đón, trả khách của taxi, xe ôm trước cổng Bến xe Mỹ Đình gây mất trật tự và bức xúc của một số lái xe taxi khi không được phép đón, trả khách trong bến. Tìm hiểu về hoạt động trung chuyển khách tại các bến xe, chúng tôi nhận thấy đây là lĩnh vực rất phức tạp, cần được quản lý chặt hơn để duy trì trật tự.

Taxi "độc quyền" ở Bến xe Mỹ Đình?

Có mặt tại Bến xe Mỹ Đình lúc 8h một ngày đầu năm 2010, chúng tôi nhận thấy hoạt động ở đây rất sôi động. Xe khách đến, xe khách đi các tuyến tỉnh khá trật tự. Đây là bến xe mới được xây dựng, có quy mô tương đối hiện đại. Mỗi ngày, bến có 950 lượt xe đi các tỉnh phía Tây. Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Bến xe phía Tây (đơn vị quản lý Bến xe Mỹ Đình), dự kiến vào dịp Tết nguyên đán, lượng khách sẽ tăng đột biến. Để không xảy ra tình trạng khách lỡ tuyến, Xí nghiệp đã bố trí xe tăng cường.

Sẽ không có gì phải nói nếu như chúng tôi không phải chứng kiến tình trạng xe taxi trả và đón khách ngay tại trước cổng bến xe, trên đường Phạm Hùng. Luồng đường Phạm Hùng sát Bến xe Mỹ Đình vốn rộng rãi là thế, nhưng các phương tiện tham gia giao thông khi đến đây đều phải chững lại do taxi dừng, đỗ sai quy định. Với những chiếc taxi dừng lại để khách vào bến xe nhanh chóng thì việc cản trở giao thông không lớn. Nhưng lại có những chiếc taxi trả khách xong vẫn lừng khừng ở lại để kiếm khách mới.

Taxi đón khách ngoài Bến xe Mỹ Đình.

Quan sát, chúng tôi nhận thấy có những taxi "bò" dọc theo đường Phạm Hùng, đoạn từ đầu bến đến cuối bến xe. Tìm hiểu, chúng tôi đây là những xe chuyên "ăn" khách tại khu vực này. Tìm kiếm bảng chỉ dẫn thì chúng tôi không thấy biển dừng, đỗ xe tại khu vực Bến xe Mỹ Đình, có lẽ vì thế nên lái xe mới phải "bò" trên đường để tránh bị xử phạt. Được biết, những chiếc taxi đó không được vào bến xe đón, trả khách. Đặc quyền đón, trả khách trong bến chỉ dành cho các hãng Âu Lạc, Triệu Quốc Đạt, Mỹ Đình, 3A, Sao Việt.

Tại quảng trường Bến xe Mỹ Đình có khá nhiều taxi đang đợi, trả khách và đó là xe của các hãng trên. Để biết rõ hơn về việc này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Tiến. Ông Tiến khẳng định, do diện tích của bến có hạn nên chỉ cho phép 5 hãng taxi đón, trả khách trong bến. Cũng bởi hạn chế về diện tích, nên không cho phép taxi của các hãng khác vào bến trả khách. Ông lấy ví dụ, mỗi ngày có hàng trăm lượt taxi đến bến xe này trả khách, nếu để họ vào sẽ gây ra tình trạng quá tải. Khi hỏi về tiêu chí nào để cho phép chỉ có 5 hãng taxi trên hoạt động, ông Tiến cho biết, do đó là những doanh nghiệp đã hoạt động ở đây từ ngày đầu tiên bến vận hành. Còn việc taxi trả khách ngoài bến gây nên tình trạng đỗ xe không đúng quy định, mất trật tự giao thông, ông Tiến cho rằng, đó không phải phạm vi chịu trách nhiệm của bến xe. Hơn nữa, nếu các lái xe chỉ dừng trả khách trong vòng 1, 2 phút thì không gây nên tình trạng lộn xộn, mất ATGT.

Lập trật tự hoạt động trung chuyển khách ở các bến xe

Nhiều lái xe taxi đã rất bức xúc trước tình trạng, "bên trọng", "bên khinh" như ở Bến xe Mỹ Đình. Bản thân ông Tiến cũng cho biết, đã có trường hợp lái xe taxi trong bến bị lái xe taxi bên ngoài hành hung. "Không thể nào cho phép cả trăm hãng taxi hoạt động ở trong bến vì sức chứa có hạn", ông Tiến nói. Điều này cũng có lý nhưng giá như việc lựa chọn các hãng taxi được thực hiện theo cách "đấu thầu" sẽ tránh được những ì xèo.

Tìm hiểu về hoạt động taxi tại Bến xe Nước ngầm, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc cho biết, doanh nghiệp này dành hẳn một phần diện tích phía trước nhà điều hành cho taxi trả khách. Ông cũng không hạn chế các hãng taxi được phép đón khách trong bến mà chỉ hạn chế số lượng. Có lẽ vì thế nên hành khách có nhiều sự lựa chọn hãng xe để đi và không có tình trạng, các hãng taxi tị nạnh lẫn nhau.

Bên cạnh đội ngũ taxi, tại các bến xe còn có đội quân xe ôm. Tại Bến xe Mỹ Đình, chúng tôi gặp anh Nguyễn Quốc Thắng, quê ở tỉnh Nam Định. Để chứng minh mình là người của "hiệp hội" xe ôm của bến, anh lôi trong áo cho chúng tôi xem tấm thẻ hành nghề. Anh cho biết, đội xe ôm có khoảng 200 người, hằng tháng, mỗi người đóng 300.000đ phí quản lý. Các anh được phép đón, trả khách trong bến. Ngoài ra, tại bến còn có những người hành nghề xe ôm vãng lai. Họ hoạt động ở khu vực bên ngoài, nếu bị bảo vệ phát hiện, họ sẽ bị xua đuổi. Hành khách khi xuống Bến xe phía Nam cũng được đón tiếp bởi những người lái xe ôm mặc đồng phục. Cái cách mà họ tranh khách phổ biến là "áo đỏ", "tóc dài", "túi xanh"... liên tục được thực hiện khi các chuyến xe cập bến. Còn mức cước thì do khách và người xe ôm tự mặc cả. Vào những lúc đêm tối hay vào ngày cao điểm, tình trạng xe ôm chặt chém khách vẫn xảy ra tại đây.

Taxi, xe ôm là những phương tiện đóng vai trò quan trọng trong việc trung chuyển hành khách. Tại mỗi bến xe có hàng trăm người làm nghề này, nếu không quản lý tốt, sẽ gây ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn cho hành khách. Chính vì vậy, các đơn vị quản lý bến xe cần có phương pháp điều hành tốt để không còn hiện tượng tranh giành lãnh địa, tranh cướp khách.

ANTT trên tàu, sân ga tại khu vực Hà Nội còn diễn biến phức tạp

Đó là nhận định của lãnh đạo Công an TP Hà Nội và lãnh đạo Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội tại Hội nghị tổng kết công tác phối hợp đảm bảo an ninh nội bộ và TTATGT đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội năm 2009. Mặc dù theo báo cáo, trong năm qua, các lực lượng bảo vệ đã bắt giữ 1.500 bao thuốc lá 555; 455kg động vật hoang dã (rùa, rắn, chồn); kiểm tra phát hiện các sai phạm của các đơn vị vận chuyển hàng hóa bắt và đề nghị xử lý 170 bao bột ngọt; 30 xe đạp mini; 3 kiện đĩa CD-VCD; 7 bao tất; 18 bao quần áo các loại; giải tỏa 16 kiot trước cửa ga B - Trần Quý Cáp; xử lý 150 hàng rong; 96 xe ôm; 42 trường hợp phe vé… song tại khu vực Hà Nội, còn xảy nhiều vi phạm hành lang ATGT đường sắt, người dân tự mở tới 41 đường trái phép vượt qua đường sắt. Các tệ nạn xã hội, trộm cắp tài sản của hành khách đi tàu, lấy cắp vật tư, thiết bị đường sắt; phe vé và tội phạm có chiều hướng gia tăng, cùng đó là công tác chống buôn lậu trên tàu, dưới ga chưa thực sự đạt hiệu quả. Được biết, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 6 tuyến đường sắt, từ trung tâm ga Hà Nội đi các tỉnh với chiều dài gần 150km. Có 72 đường ngang có người gác, 101 đường ngang không có người gác. Hằng ngày có khoảng 20 đôi tàu vận chuyển hàng hóa đi, về. Lượng hành khách trung bình từ 10.000 - 12.000 lượt hành khách/ngày. Đặc biệt vào những ngày Tết, lễ, hè lượng hành khách qua lại nhà ga tăng đột biến, gấp 2 lần ngày bình thường.

T.Huyền

Hồng Hà
.
.
.