Taxi không phù hiệu vẫn nghênh ngang giữa Hà Nội

Chủ Nhật, 30/12/2007, 09:39
Taxi của Công ty CP Thương mại và Công nghệ khảo sát (taxi Văn Miếu) được cấp phù hiệu cho 2 taxi nhưng con số hoạt động trên đường lại lên tới hàng chục; Việt Nam taxi đã 2 lần đăng ký kiểm tra với Sở GTCC và chỉ được hơn chục xe cấp phù hiệu, nhưng số xe đang hoạt động lại nhiều hơn số xe được cấp...

Đã 2 tháng kể từ ngày Nghị định 146/CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, xe taxi không phù hiệu vẫn còn hoạt động nhiều trên đường phố Hà Nội.

Theo ngành Giao thông công chính, ngành này vẫn tiếp tục kiểm tra các điều kiện để cấp phù hiệu cho xe taxi. Vì sao đến nay, việc cấp phù hiệu vẫn chưa hoàn tất?

Theo ghi nhận của chúng tôi, do lo Hà Nội sẽ "đóng cửa" cấp phép đăng ký kinh doanh taxi, nhiều doanh nghiệp đã vội vàng thành lập, dẫn đến lượng xe muốn cấp phù hiệu để đi vào hoạt động phải… xếp hàng.

Theo Thanh tra giao thông công chính (GTCC), đầu năm 2007, Hà Nội chỉ có khoảng 40 doanh nghiệp hoạt động taxi với trên 3.000 xe, nhưng đến thời điểm này đã tăng lên khoảng 70 doanh nghiệp với gần 7.000 xe. Sở GTCC đến nay đã kiểm tra được 65 doanh nghiệp taxi để cấp phù hiệu. Những doanh nghiệp xin cấp phù hiệu phải đảm bảo đủ điều kiện theo Quyết định 17 của Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, có doanh nghiệp được cấp phù hiệu gần như 100% như Mai Linh (1.300 xe); Công ty cổ phần Taxi Hà Nội và Công ty Taxi cổ phần Hà Nội.

Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp được cấp phù hiệu với lượng xe ít, thậm chí có doanh nghiệp chỉ được cấp từ 2 đến 10 xe, thậm chí còn bị trả hồ sơ vì không đạt yêu cầu như: thiếu đồng hồ, thiếu đèn mào, lôgô nhái nhãn hiệu…

Từ 2/10, tất cả các xe taxi không có phù hiệu nếu hoạt động trên đường đều bị kiểm tra và xử lý. Lực lượng Thanh tra GTCC đã phát hiện và xử lý khá nhiều taxi vi phạm, điển hình nhất là phát hiện những trường hợp sử dụng phù hiệu không đúng.

Theo Phòng Thanh tra hành chính, một số doanh nghiệp taxi nhỏ, số xe được cấp phù hiệu ít nhưng lượng xe hoạt động trên đường lại nhiều.

Ví dụ như taxi của Công ty cổ phần Thương mại và Công nghệ khảo sát (taxi Văn Miếu) được cấp phù hiệu cho 2 taxi nhưng con số hoạt động trên đường lại lên tới hàng chục; Việt Nam taxi đã 2 lần đăng ký kiểm tra với Sở GTCC và chỉ được hơn chục xe cấp phù hiệu, nhưng số xe đang hoạt động lại nhiều hơn số xe được cấp; taxi Thăng Long Hoàng của HTX Thăng Long…

Theo một thanh tra viên thì những doanh nghiệp đã cấp xong phù hiệu có cái dở là không biết sau đó họ có mua xe thêm không?

Phù hiệu được quy định chung một mẫu, chung một kích cỡ, màu sắc, trên phù hiệu ghi rõ thương hiệu taxi, biển số xe, giá trị sử dụng. Đây là cách để lực lượng chức năng cũng như người tiêu dùng phát hiện taxi dù dễ dàng nhất, giúp công tác quản lý hoạt động taxi quy củ hơn.

Thế nhưng, bất cập nảy sinh khi Hà Nội chưa quy định dán phù hiệu ở một chỗ cố định trên xe cho thống nhất. Việc cấp phù hiệu lẽ ra xong trước tháng 10/2007, nhưng hiện tại công việc này vẫn đang tiếp tục do doanh nghiệp thành lập taxi mới vẫn tiếp diễn. Trung bình mỗi tháng có từ 3-5 doanh nghiệp thành lập với vài trăm xe taxi, gây nên tình trạng quá tải ở Trung tâm Kiểm định Hà Nội.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi mới biết, do sợ Hà Nội sẽ "đóng cửa" cấp phép đăng ký kinh doanh taxi, doanh nghiệp không ngừng thành lập và ồ ạt đăng ký kiểm định. Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, do bị thúc ép về lãi suất trong khi bộ phận kiểm định quá tải, trong lúc chờ đợi đã mang xe ra kinh doanh. Vì vậy, việc cấp phù hiệu chưa thể khẳng định được lúc nào sẽ xong.

Trong quá trình kiểm tra taxi theo Nghị định 146/CP, Thanh tra GTCC đã phát hiện tình trạng một người làm giám đốc của 2 công ty taxi như taxi Nguyên Minh và taxi Hương Lúa. Taxi Nguyên Minh nhái thương hiệu của Hương Lúa, khi kiểm tra có lần phát hiện lái xe của Nguyên Minh lại mặc áo của Hương Lúa…

Đặc biệt, bộ đàm của 2 hãng này lại sử dụng chung 1 tần số, số điện thoại liên lạc cũng na ná nhau, cùng chữ xanh trên nền trắng dễ gây nhầm lẫn. Sau khi có yêu cầu, 2 hãng này mới tách bộ đàm hoạt động riêng.

Tình trạng này còn xảy ra ở Công ty cổ phần S.M và Công ty cổ phần T.Đ. Taxi của Công ty cổ phần T.Đ nhưng đề trên lôgô của mình là S.M và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận. Theo ông Lê Quốc Chính, Phòng Thanh tra hành chính thì: "thế này là hơi trái luật"…

Từ đầu năm 2007 đến nay, lực lượng Thanh tra GTCC đã xử lý 4.115  vụ xe taxi vi phạm, số tiền xử phạt hành chính lên tới 760 triệu đồng, tạm giữ 150 xe.

Theo điều 32 của Nghị định 146, mức xử phạt đối với người điều khiển xe taxi điều khiển xe không có phù hiệu từ 300 đến 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt này vẫn chưa có tính răn đe cao.

Hà Nội cần phải có nghiên cứu cụ thể để xem nhu cầu của TP hiện nay cần bao nhiêu taxi là đủ. Sau đó mới đến số lượng xe của mỗi doanh nghiệp và yêu cầu đối với xe của các doanh nghiệp đó như thế nào?

Quy hoạch taxi ở Hà Nội đang cần một chiến lược và tầm nhìn mới, nhằm đưa phương tiện này ngày càng văn minh và trật tự hơn

Trần Hằng
.
.
.