Tàu cánh ngầm và những nguy cơ hiện hữu

Chủ Nhật, 14/10/2012, 21:50
Hàng chục vụ tàu cánh ngầm chết máy giữa cửa biển, đâm vào bãi cạn, vỡ kính, bốc cháy,... liên tiếp xảy ra trong những năm qua chưa làm cho các hãng tàu và thủy thủ đoàn “run sợ”. Lực lượng CSGT đường thủy, thanh tra giao thông, cảng vụ hàng hải,... thường xuyên kiểm tra, xử phạt nhưng mức xử phạt quá thấp khiến cho các hãng tàu bất chấp tất cả vì lợi nhuận.

Tại TP HCM, hiện có 4 công ty sở hữu và khai thác tàu cánh ngầm chạy tuyến TP HCM – Vũng Tàu (và chiều ngược lại) gồm: Vina Express, Petro Express, Greenlines, Mekong hydrofoil. Bốn đội tàu này có tổng cộng khoảng 20 chiếc, trung bình chạy 22-27 chuyến một ngày, mỗi năm vận chuyển hơn 1 triệu lượt khách. Giá mỗi chiếc tàu dao động từ 40-50 tỉ đồng.

Tàu cánh ngầm được sử dụng cho việc chở khách ở TP HCM bắt đầu khai thác từ năm 1993. Quan sát tại các bến, chúng tôi thấy hầu hết các đội tàu đã ở tình trạng xuống cấp nặng. Phần kính trên các ô cửa bao quanh thân tàu đều bị rạn, nứt. Phần thảm ở dưới nền và phần bọc nỉ ở các ghế ngồi bẩn thỉu, mất vệ sinh, máy tàu cũ nên phát ra tiếng ồn lớn,...

An toàn khi đi tàu cánh ngầm là vấn đề người dân luôn quan tâm.

Hiện nay, các tàu cánh ngầm đang được sử dụng ở TP HCM có hai loại chính là loại có một máy và loại có hai máy. Loại có hai máy chạy đồng thời có ưu điểm khỏe, chở được nhiều người. Nếu đang chạy mà bỗng dưng có 1 máy bị chết máy thì máy còn lại vẫn tiếp tục hoạt động bình thường nên sẽ làm chủ được tốc độ, an toàn.

Còn đối với loại có 1 máy thì khi bị chết máy, tàu sẽ bị trôi tự do. Điều này sẽ đặc biệt nguy hiểm khi tàu bị chết máy ở giữa cửa biển. Hiện nay, chỉ có hãng Vina Express (có 4 tàu) là sử dụng tất cả các tàu có 2 máy, còn các hãng còn lại như Greenlines, Mekong thì đa phần là sử dụng loại tàu có 1 máy.

Theo một thợ máy trên tàu Greenlines (loại tàu có 1 máy), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tàu chết máy, nhưng nguyên nhân thường gặp là do khi tàu đi đến những vùng có sóng to, nước sẽ bị tràn ngược vào hệ thống bôi trơn của máy (ống nhớt).

Do nước gặp dầu sẽ khiến dầu không còn khả năng bôi trơn, vì thế nếu khi đó máy vẫn còn hoạt động có thể khiến các chi tiết máy không được bôi trơn này vỡ, nổ. Nên khi trường hợp đó xảy ra, thủy thủ đoàn bắt buộc phải tắt máy.

Còn một thủy thủ trên tàu Vina Express cho biết, nhiều khi gặp sóng lớn, do tàu được nâng lên quá cao khiến tuốc bin ở hai bên cánh vượt lên khỏi mặt nước, quay không tải liên tục nên cũng khiến máy tàu bị chết.

Tàu cánh ngầm được thiết kế và chuyên dụng cho loại hình thủy nội địa với những nơi có vùng nước tương đối êm, ổn định (đường sông). Chủ yếu những vụ tai nạn xảy ra với loại tàu này là do tàu hoạt động trong vùng nước không ổn định, có sóng lớn như ở những cửa biển, ven biển. Tuyến đường thủy TP HCM – Vũng Tàu là tuyến đường có lưu lượng và mật độ phương tiện giao thông tham gia rất lớn và phức tạp.

Ngày 13-5 vừa qua, hơn 70 hành khách trên tàu Greenlines 6 (thuộc Công ty cổ phần Dòng Sông Xanh) hoảng loạn khi vừa rời cảng Cầu Đá (TP Vũng Tàu) ít phút thì tàu bị chết máy, trôi lênh đênh trên biển rồi va chạm với một tàu chở dầu. Vụ va chạm làm mũi tàu cánh ngầm này bị bể một đoạn dài khoảng 1m và một số cửa kính bị vỡ. Tới 9h cùng ngày, hãng tàu cánh ngầm mới điều động một tàu khác ra để chở tiếp khách về TP HCM.

Sáng 27/5, tàu cánh ngầm Mekong 03 đang chở 25 hành khách từ Vũng Tàu về TP HCM thì đột ngột bị tắt máy trên khu vực sông Dinh (TP Vũng Tàu) do ống nhớt bị kẹt. Phải đến hơn một giờ sau, công ty này mới điều một tàu khác đến ứng cứu và chuyển toàn bộ hành khách sang chiếc tàu mới.

Sau nhiều chuyến trực tiếp tác nghiệp trên một số con tàu cánh ngầm của các hãng, chúng tôi đã thấy được nhiều vấn đề tiềm ẩn những rủi ro. Trên con tàu Vina Express 01 (con tàu được sản xuất từ những năm 80 thế kỷ trước và được đưa về TP HCM sử dụng vào năm 1993), phần dây điện nối với các bóng đèn trong hệ thống báo cháy tại nhiều vị trí bị rách, hở lõi đồng (được gắn với phần vỏ tàu làm bằng kim loại).

Hai bên hông của thân tàu (vị trí ở giữa khoang trước và khoang giữa), hành khách được tự do đứng hút thuốc và uống bia trong khi phần sàn ở dưới chân họ đang đứng được lót đệm bằng một tấm nệm cao su. Ngoài ra, các bộ phận của vỏ tàu đều được bọc trang trí các lớp nỉ, gỗ dán, thảm vải,... nên chỉ cần một mồi lửa nhỏ là con tàu sẽ bốc cháy. Một số thợ máy của tàu còn ngang nhiên tổ chức hút điếu cày (thuốc lào) ở phần khoang sau. Thế nhưng nhân viên của các con tàu này vẫn thản nhiên làm ngơ trước những hành động như vừa kể trên.

Theo thống kê của Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, riêng từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 6 vụ tai nạn liên quan tới tàu cao tốc cánh ngầm trong vùng cảng biển Vũng Tàu.

Trước tình trạng trên, ngày 19/8, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu đã thành lập đoàn kiểm tra an toàn một số tàu. Trong 5 tàu cao tốc cánh ngầm được kiểm tra, thì đều vi phạm về an toàn. Cụ thể, kiểm tra tàu cao tốc cánh ngầm Petro Express 03, máy VHF (máy bộ đàm chuyên dụng cho ngành hàng hải) không sử dụng được, cửa kính bảo vệ khoang hành khách số 3 bị vỡ, nhân viên phục vụ không biết sử dụng phao cứu sinh,…

Tàu Petro Express 02, có phao cứu sinh không sử dụng được, cửa thông gió khoang hành khách số 3 không kín nước, không có bảng hướng dẫn sử dụng phao cứu sinh. Nguy hiểm hơn là thuyền viên của tàu Vina Express 8, Express 2 (Công ty CP tàu cao tốc Vina), tàu Greenlines 11 (Công ty CP Dòng Sông Xanh) và Petro Express 2 không biết sử dụng thiết bị chữa cháy.

Theo Thông tư 14 ngày 27/4 của Bộ GTVT, khi có sự cố, chủ phương tiện phải báo về cho Cảng vụ để có phương án xử lý. Tuy nhiên, thực tế diễn ra cho thấy, trong những sự cố vừa qua, các chủ phương tiện thường báo rất chậm, thậm chí giấu thông tin vì theo quy định, trong trường hợp xảy ra tai nạn mà chủ phương tiện không báo cáo thì mới bị xử phạt, còn nếu gặp sự cố mà chủ phương tiện xử lý êm xuôi thì không bị xử phạt!

Cụ thể, đối với hành vi chở quá người theo quy định thì phạt từ 10 - 30 nghìn đồng/khách; ra vào cảng không có giấy phép chỉ phạt từ 300 - 500 ngàn đồng,... Trong khi đó, vé tàu dành cho người lớn là 200 nghìn đồng/vé. Vì vậy, chủ tàu có thể thoải mái nhồi nhét khách để tăng lợi nhuận.

Chị Hạnh (bế con nhỏ trên tay) cho biết: “Hôm nay, vì gia đình có việc gấp nên hai mẹ con tôi mới chọn đi tàu cánh ngầm về Vũng Tàu để tiết kiệm thời gian so với đi ôtô. Nhưng nhìn kiểu mất an toàn thế này, lần sau tôi sẽ không dám đi nữa”.

Và đó cũng là tâm lý chung của rất nhiều hành khách sau khi họ được tận mắt chứng kiến và cảm nhận trên những chuyến tàu cánh ngầm đầy may rủi này

Vũ Quang
.
.
.