Đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới Tây Nam Bộ:

Tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Thứ Ba, 11/08/2015, 08:49
Biên giới đất liền của Tây Nam Bộ qua 4 tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, có tổng cộng là 16 huyện, thị, gồm 53 xã, phường. Đối diện với phía bạn – Vương quốc Campuchia là 6 tỉnh Svay Riêng, Prây Veng, Candan, Tà Keo, Cam Pốt và TP Kép. Trên tuyến biên giới này có 6 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu quốc gia và rất nhiều đường tiểu ngạch.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tình trạng xâm canh, xâm cư, hoạt động tội phạm, vi phạm quy định xuất nhập cảnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Người dân biên giới có ruộng đất đan xen nhau, thường qua lại biên giới không xin phép. Các loại tội phạm hình sự diễn ra nhiều nơi. Tình trạng người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc, đá gà có xu hướng tăng, khó ngăn chặn, tác động xấu đến ANTT khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia.

 Đi dọc tuyến biên giời từ Đồng Tháp sang An Giang, thật không thể hình dung trước sự hiện diện san sát của những tụ điểm đá gà ăn tiền và các casino phía đất bạn. Đối diện tuyến biên giới (trên bộ) của 4 tỉnh Tây Nam Bộ, phía Campuchia có gần 30 casino, nhiều nhất là Long An, kế đến là Kiên Giang. Lưu lượng người Việt Nam qua Campuchia đánh bạc mỗi ngày khoảng 300 người.

Người dân Campuchia được tạo điều kiện thuận lợi sang Việt Nam làm ăn chân chính. (Ảnh chụp tại bờ kênh Vĩnh Tế, xã biên giới An phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán ma túy diễn ra phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu phổ biến nhất là thuốc lá ngoại, rượu, đường cát, quần áo, mỹ phẩm, linh kiện điện thoại di động, dầu DO và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Trong năm 2014 và 7 tháng đầu 2015, lực lượng Biên phòng phối hợp các lực lượng khác trên địa bàn đã bắt giữ, xử lý gần 1.730 vụ, với 2.579 đối tượng; thu giữ 1,51kg heroin, 4,0984 gram ma túy tổng hợp, gần 60kg cần sa khô, 920 tấn đường cát Thái Lan; trên 425.000 gói thuốc lá ngoại, 83kg pháo, 216m³ gỗ và gần 17 tấn quần áo cũ,…

Tiếp tay cho các trùm buôn lậu hầu hết đều là người nghèo. Người di cư tự do từ Campuchia về sinh sống trên tuyến biên giới thuộc dạng 4 không - không giấy tờ tùy thân, không nhà ở, không nghề nghiệp, không đất sản xuất. Hầu hết đều xem chuyện vận chuyển, bốc vác từ bên kia biên giới sang, quản lý kho hàng lậu, theo chỉ đạo của các “trùm” cầm đầu là một cái nghề kiếm sống qua ngày.

Để đảm bảo an ninh tuyến biên giới Tây Nam Bộ, theo ông Nguyễn Phong Quang, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các tỉnh vùng biên giới, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa.

Đối với các địa phương giáp biên, theo lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cần tập trung giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; công tác XĐGN bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; kiềm chế, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tội phạm…

Bên cạnh đó, cần triển khai truyền thông cặp biên giới để thông tin kịp thời cho người dân và tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân ở khu vực biên giới.

Thái Bình
.
.
.