Tạo sự bình đẳng giữa các bệnh viện để chăm sóc người bệnh tốt hơn

Thứ Sáu, 19/09/2014, 08:10
Bệnh viện (BV) quá tải là một khái niệm quá quen thuộc ở Việt Nam, đến độ nó đã được chấp nhận như một sự thật hiển nhiên. Không quá tải mới là lạ. Tình trạng nằm ghép là một nỗi nhức nhối mà hết đời Bộ trưởng Y tế này đến Bộ trưởng Y tế kia hứa xóa bỏ, nhưng chưa thành hiện thực. Tuy nhiên, thực tế lại đang có hàng chục nghìn giường bệnh đã được đầu tư nhưng lại bị bỏ trống, gây nên nghịch cảnh “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”...

Bài 1:  Nghịch lý nơi quá tải, nơi long đong tìm người bệnh

Theo một thống kê mới đây, 170 BV tư trên cả nước với quy mô hơn 40.000 giường bệnh thì phải trống đến 20.000 giường. Trong một nền y tế quá tải trầm trọng, thiếu vốn đầu tư trầm trọng như Việt Nam mà có hàng nghìn tỷ đồng đầu tư rồi đắp chiếu quả là sự bất hợp lý không thể chấp nhận.

Trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vào tháng 6/2014, một đại diện của khối BV tư nhân đã nêu lên tình trạng bất cập: Trong 170 BV tư đã được đầu tư xây dựng trên cả nước (vốn là một sự phát triển khá thần tốc từ con số khoảng 40 vào năm 2004), hiện một nửa trong tình trạng chỉ đợi công bố nữa là chính thức khai tử. Nghịch lý ở chỗ, trong khi có khoảng 20.000 giường bệnh bỏ trống thì lại có nhiều giường bệnh 3, 4 người nằm. Đây là một thực trạng không mới. Trong một hội nghị về hợp tác công – tư do Bộ Y tế tổ chức tháng 3/2014, Cục Quản lý khám chữa bệnh (KCB) cho biết: Công suất sử dụng giường bệnh của BV công lên tới 110% trong khi BV tư chỉ hoạt động với 60% năng lực. Đáng chú ý hơn, số BV tư có công suất sử dụng giường bệnh đạt 60-85% chỉ chiếm 21,6%, số còn lại chỉ đạt dưới 60%. Tỷ lệ khám chữa bệnh của BV tư nhân rất thấp, chỉ chiếm gần 7% bệnh nhân điều trị ngoại trú và 6% điều trị nội trú.

Khảo sát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì thấy: Với 9 BV tư, kể cả BV chuyên khoa, hiện chỉ có BV đa khoa Hợp Lực  còn hoạt động cầm chừng, các BV khác vắng như chợ chiều. Ghé qua BV Thanh Hà (cách BV đa khoa Hợp Lực chỉ vài cây số), chúng tôi được chứng kiến một khung cảnh đìu hiu như trụ sở hành chính vào ngày nghỉ. Ông Nguyễn Văn Đệ - “ông chủ” của BV đa khoa Hợp Lực cho biết: Dù đã xây dựng được thương hiệu trong tỉnh và có một lượng bệnh nhân khá ổn định, nhưng đến nay Hợp Lực cũng chỉ thu đủ bù chi, chưa có chút hi vọng nào thu hồi lại số vốn hơn 10 nghìn tỷ đồng đã bỏ ra, dù đã 10 năm hoạt động (kế hoạch ban đầu là sẽ thu hồi vốn trong 8 năm). Hiện BV này vẫn còn nguyên một tòa nhà 9 tầng đang bỏ hoang do không có bệnh nhân. “Nếu có người bệnh, chúng tôi có khả năng cung cấp thêm 500 giường bệnh nữa” – ông Đệ khẳng định. Tuy nhiên, đó chỉ là một giấc mơ xa vời. Ở các địa phương khác trên cả nước, nhiều BV cũng ở trong tình trạng tương tự.

Trái ngược hoàn toàn với cảnh chợ chiều của BV tư là sự quá tải ngày càng trầm trọng của các BV công, đặc biệt là các BV tuyến TW, các chuyên khoa Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Tim mạch, Sản và Nhi. Bộ Y tế cho biết, ở tuyến TW, công suất sử dụng giường bệnh vượt 120%, bệnh nhân luôn phải điều trị trong tình trạng chật chội, nằm ghép 3-4 người/giường bệnh. Tại BV Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, với số giường chỉ là 630, nhưng nhiều năm nay luôn trong tình trạng quá tải với hơn 1.500 bệnh nhân nội trú và hơn 11.000 bệnh nhân ngoại trú. Tại BV Chợ Rẫy, tình trạng quá tải còn trầm trọng hơn nhiều khi công suất sử dụng giường bệnh là 135%, cá biệt có khoa công suất lên tới 171%. Tình trạng này gây ra rất nhiều hệ lụy cả về khả năng điều trị, chăm sóc bệnh nhân, cả về ANTT. Sức khỏe của bệnh nhân đã yếu, lại phải chịu đựng điều kiện nằm viện rất tồi tệ, nên nhiều khi đi BV còn “ốm thêm”.

Trạng thái chênh lệch quá lớn giữa các tuyến BV công – tư là thực trạng mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng phải thừa nhận tại Hội nghị “Tăng cường phối hợp giữa BV nhà nước và BV tư nhân thực hiện Đề án giảm tải BV của Chính phủ” diễn ra hồi tháng 3: Mô hình KCB hiện vẫn tồn tại nghịch lý, nơi thì quá tải trầm trọng, nơi lại thiếu bệnh nhân. Theo bà Tiến, tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở y tế công lập không chỉ ở khu KCB BHYT, mà ngay cả những khoa điều trị theo yêu cầu, khu dịch vụ của BV công cũng không còn giường, bệnh nhân vẫn phải nằm hành lang, người dân khám bệnh vẫn phải xếp hàng kết quả. Trong khi đó, tại hệ thống BV tư nhân, nhiều BV có cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật tốt, chuyên môn cao, y bác sĩ tận tâm, mô hình quản lý hiện đại, giá thành không cao… nhưng bệnh nhân lại rất vắng.

Quá tải diễn ra ở nhiều bệnh viện tuyến TW. Ảnh: Hoàng Dũng.

Không thể phủ nhận kết quả của công tác xã hội hóa y tế, khi trao đổi với PV Báo CAND, Cục Quản lý KCB cũng chỉ ra những đóng góp cơ bản: huy động được hàng nghìn tỷ đồng nâng cấp trang thiết bị hiện đại, nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên y tế, nâng cao chất lượng hệ thống y tế tuyến dưới và tăng cơ hội cho bệnh nhân lựa chọn, tăng cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ và thái độ của nhân viên ngành Y… Bởi vậy, việc hàng loạt BV tư đang đứng trước khó khăn hiện nay là một bước cản lớn đối với chủ trương xã hội hóa, đe dọa giảm nguồn lực đầu tư vào y tế. Hơn tất cả, việc lãng phí hàng chục nghìn tỷ đồng tài sản xã hội đã đầu tư vào y tế trong khi người dân chưa có đủ dịch vụ y tế để dùng là một nỗi xót xa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tại sao một số BV tư rất khổ sở, chi phí tốn kém về đất đai, nhà xưởng... mà bây giờ có BV quá tải, có lãi, còn BV nhà nước thì cứ chật vật.

Xã hội hóa y tế góp phần cải thiện bộ mặt y tế trong nước

Theo ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý KCB: Triển khai xã hội hóa y tế, các BV đã liên doanh, liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế đạt gần 2.200 tỷ đồng, trong đó Trung ương 1.000 tỷ đồng, địa phương 1.200 tỷ đồng. Hệ thống các BV công lập bước đầu được, củng cố và phát triển, nhiều cơ sở đã được đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới... bước đầu cải thiện được tình trạng xuống cấp, thiếu hụt giường bệnh. Đã trang bị được một số thiết bị thiết yếu nhất cho trạm y tế, thiết bị chẩn đoán và điều trị cơ bản cho BV huyện, một số thiết bị hiện đại, chuyên sâu cho BV tỉnh, Trung ương. Cùng với việc triển khai tốt công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới đã giúp cho nhiều BV nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng chẩn đoán và điều trị, nhiều kỹ thuật mới và phức tạp đã được thực hiện thành công, trình độ và kỹ thuật y tế Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước trong khu vực, góp phần chữa trị và cứu sống được nhiều người bệnh hiểm nghèo. Các BV công đã huy động được khoảng 3.000 tỷ đồng để triển khai các kỹ thuật cao, trong đó các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên 500 tỷ đồng, các đơn vị thuộc TP Hồ Chí Minh huy động và vay quỹ kích cầu gần 1.000 tỷ đồng; các đơn vị thuộc Hà Nội huy động được trên 100 tỷ đồng, Quảng Ninh gần 50 tỷ đồng...

Ngoài ra còn có 22 BV đã được cấp phép đang tiến hành xây dựng. Các cơ sở này đã đóng vai trò không nhỏ trong KCB, cung ứng thuốc cho người dân, một số BV đã đáp ứng nhu cầu KCB cho bộ phận dân cư có thu nhập cao, từ đó thúc đẩy cạnh tranh về chất lượng, tinh thần thái độ phục vụ giữa cơ sở công lập và ngoài công lập

Đối với lĩnh vực KCB tư nhân, đến nay cả nước có 163 BV tư nhân, hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế vv…

Thanh Hằng – Vũ Hân
.
.
.