Hạn chế tai nạn giao thông - giải pháp từ hệ thống camera giám sát hình ảnh (Bài cuối):

Tạo dựng văn hóa giao thông và cơ chế hợp lý để triển khai toàn quốc

Thứ Tư, 01/05/2013, 12:12
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia: “Sử dụng camera giám sát hình ảnh vào giám sát xử phạt giao thông là giải pháp cơ bản và lâu dài”.
>> Bài 2: Giám sát tự động là yêu cầu cấp bách đối với đường cao tốc

Thay đổi thói quen, tạo dựng văn hóa giao thông

Từ ngày 1/11/2012, hệ thống thí điểm giám sát TTATGT đường bộ bằng hình ảnh do Việt Nam thiết kế đã chính thức vận hành đồng loạt trên 10 tỉnh, thành trên toàn quốc, khu vực phía Bắc từ Hà Nội - Vinh; còn tại miền Nam là TP HCM - Cần Thơ. Theo đánh giá của các kỹ sư, chuyên gia trên lĩnh vực này thì các hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông đã được ứng dụng khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trong bối cảnh vấn đề an toàn giao thông Việt Nam đang hết sức bất cập, cần thiết phải có một hệ thống quản lý giám sát, lập lại kỷ cương trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai các hệ thống giám sát TTATGT của nước ngoài vào Việt Nam gặp phải quá nhiều khó khăn và bất khả thi:

Ở Việt Nam các đối tượng tham gia giao thông rất đa dạng, phức tạp và lộn xộn bao gồm nhiều loại hình phương tiện như ôtô, xe máy, xe đạp, người đi bộ, hay các loại xe công nông, xe bò… có sự khác biệt giữa Luật Giao thông nước ngoài và trong nước cũng như văn hóa giao thông cũng có sự khác nhau, kiến trúc hạ tầng đường sá giao thông cũng có sự khác nhau; việc quản lý các phương tiện giao thông còn nhiều bất cập, việc cấp biển số xe không theo qui chuẩn, việc quản lý biển số xe và chủ sở hữu xe còn rất lỏng lẻo;

Đứng trước thách thức lớn như vậy, lần đầu tiên một dự án thí điểm về giám sát trật tự an toàn giao thông với qui mô cấp Quốc gia ứng dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại, được thiết kế và triển khai bởi 100% các chuyên gia trong nước thực hiện, đã khẳng định được năng lực và trí tuệ Việt Nam không hề thua kém các nước tiên tiến trên thế giới, áp dụng thành công vào điều kiện thực tế Việt Nam.

Cho đến nay hàng ngàn trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ đã được phát hiện và xử lý. Nhiều tài xế không khỏi ngạc nhiên vì những hành vi vi phạm theo thói quen hằng ngày như vượt tốc độ, đi sai làn đường, phần đường, tranh vượt, dừng đỗ đón trả khách, vượt đèn đỏ… đã bị hàng loạt camera hệ thống giám sát phát hiện và bị CSGT yêu cầu dừng xe xử lý. Với hình ảnh biên bản xử phạt đầy đủ thông tin vi phạm, đa số các tài xế đều “tâm phục, khẩu phục” nộp phạt và ý thức được  hành vi vi phạm. Tổng kết Năm An toàn giao thông 2012, số vụ TNGT giảm 19%, số người chết giảm 15,31% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND về những mặt tích cực và hiệu quả của hệ thống giám sát giao thông tự động qua camera ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia cho biết: Quan điểm của UBATGT Quốc gia trong việc giảm tai nạn của năm 2012, giảm cả 3 tiêu chí, giảm sâu từ 15-20%. Nguyên nhân giảm, theo đánh giá của UBATGT Quốc gia đó là do công tác tuần tra kiểm soát rất nghiêm.

Giám sát hình ảnh giao thông trên quốc lộ mang lại hiệu quả rõ nét.

Năm 2012, khẳng định lực lượng CSGT cả nước đã rất tích cực. Một tháng lực lượng CSGT chỉ được nghỉ 1 ngày, thậm chí có chiến sĩ không nghỉ ngày nào trong tháng. Ngoài lực lượng CSGT còn có các lực lượng khác như cơ động, trật tự. Khi tất cả các lực lượng này cùng tham gia thì tai nạn giảm. Tuy nhiên chúng ta không thể điều động tất cả lực lượng ra đường liên tục căng mình làm nhiệm vụ. Như vậy, rõ ràng để tai nạn giao thông giảm một cách bền vững thì cần phải có các giải pháp khác đó là ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình đảm bảo TTATGT.

Cần đồng bộ và xã hội hóa việc xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh

Thực tế, ở nước ta hiện nay đã triển khai thí điểm giải pháp này nhưng không nhiều. Chủ yếu ở trên QL1A, QL5, đường cao tốc Hồ Chí Minh-Trung Lương… Vì là thí điểm nên không đồng bộ. Theo nghiên cứu của Ủy ban ATGTQG, các nước phát triển họ đã có kinh nghiệm vài chục năm  trong việc kiềm chế tai nạn giao thông thì đa phần là có sử dụng giải pháp dùng camera giám sát giao thông.

Quay trở lại câu chuyện thí điểm camera giám sát ở Việt Nam, vừa qua một số dự án thí điểm đã được triển khai, và thu được hiệu quả cao. Thậm chí có tỉnh bỏ tiền ngân sách ra lắp camera như TP HCM, cũng có kết quả tương tự. Cụ thể, chúng ta đã kiểm soát được 24/24h vấn đề giao thông cũng như vi phạm.

Mặt khác, việc lắp camera cũng giúp lực lượng CSGT truy xuất được một số thông tin cần thiết cho quá trình điều tra một số vụ việc liên quan đến ATGT. Đồng thời, chính bản thân người tham gia lưu thông, khi đi qua các nút giao, những vị trí biết có lắp camera, ý thức của họ cũng khác, chấp hành nghiêm túc hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, khi triển khai lắp camera giám sát giao thông tại nước ta cũng gặp khó khăn. Đó là, nhiều phương tiện không phải chính chủ. Khi phương tiện không chính chủ, đặc biệt là xe máy (hiện nước ta có khoảng 38 triệu xe đang lưu hành) mà dùng camera giám sát để phạt nguội thì là rất khó. Như vậy, muốn triển khai rộng khắp giải pháp này trên cả nước thì phải làm tốt công tác sang tên đổi chủ, lúc đó, việc xử phạt nguội mới phát huy được tác dụng.

Khó khăn thứ hai, để làm việc này phải đồng bộ vì đã lắp thì phải lắp tổng thể trên cả nước, hoặc trên toàn thành phố và phải có trung tâm điều hành điều khiển. Đối với các tuyến cao tốc, các tuyến quốc lộ mới thì chắc chắn phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Các chủ đầu tư phải lắp, đây là quy định. Đối với các tuyến khác, đang trông chờ vào các địa phương, dùng ngân sách để lắp. Hà Nội và TP HCM đã làm, nhưng làm chưa đồng bộ cả thành phố.

Mong muốn của Ủy ban ATGTQG là tỉnh, thành phố nào mà lắp thì nên lắp đồng bộ trên diện rộng, như vậy hiệu quả sẽ cao và đồng nhất. Cái cần nhất vẫn là trung tâm điều hành. Thực ra, nếu mang so sánh với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xét về chi phí cho việc lắp camera thì là không đắt. Vì cần vài chục tỷ là đã có một trung tâm điều hành với hàng trăm camera. Vấn đề là quan điểm và thái độ, tinh thần và mong muốn của các địa phương làm hay không làm. Nếu so với việc đầu tư hạ tầng, thì lắp camera rẻ hơn nhiều. Hiệu quả cũng nhìn thấy ngay, đồng thời ý thức người dân cũng nâng cao.

Đặc biệt, thử làm một bài toán kinh tế thế này: Tai nạn giao thông ở Việt Nam  một năm cần tới 2,9%GDP để khắc phục hậu quả. Năm 2012, GDP của ta khoảng 120 tỷ USD, thì ta phải chi phí cỡ khoảng 4 tỷ USD một năm cho việc khắc phục hậu quả TNGT. Nếu chỉ cần 10% chỗ này (tương tương khoảng 400 triệu USD) dùng vào việc lắp camera thì có thể lắp cơ bản ở một số thành phố lớn và trên các tuyến quốc lộ.

Với những những kết quả đã được kiểm chứng, rõ ràng việc xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh, xử phạt vi phạm phải được xem là giải pháp cơ bản và lâu dài.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia: “Năm 2012, tôi cũng từng đi khảo sát kinh nghiệm ở một số nước châu Âu. Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với Paris (Pháp). Thủ đô Paris hiện nay sử dụng tới 4.000 camera giám sát giao thông. Trong số này, chỉ có 2.000 chiếc hoạt động, còn lại là không. Vì sao lại thế? Tôi cũng đã thắc mắc và tìm hiểu thì được biết, là họ cố tình lắp vậy, để người dân không thể biết đâu là camera đang hoạt động, còn đâu là camera hoạt động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải ý thức hơn khi lưu thông trên đường, nếu không muốn bị xử phạt.

Nhìn lại mới thấy rằng, ngay như một nước phát triển, đã có quá trình rất dài trong việc kiềm chế tai nạn, thì họ vẫn phải dùng đến khá nhiều camera giám sát không hoạt động, để nâng cao ý thức của người dân”.

Xuân Luận – Thanh Huyền
.
.
.