Tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật tham gia bình đẳng các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng

Chủ Nhật, 27/12/2009, 10:27
Theo báo cáo của Chi cục Bảo trợ xã hội - Bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh Đồng Nai, hiện tại địa phương có trên 3.600 trẻ em bị các khuyết tật về vận động, thần kinh, thính giác, ngôn ngữ… Nguyên nhân dẫn đến khuyết tật do bẩm sinh, bệnh tật, hậu quả chiến tranh, tai nạn giao thông, tai nạn lao động.

Những năm qua, tỉnh Đồng Nai đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện các chính sách chăm sóc dành cho các em khuyết tật: hỗ trợ khám chữa bệnh, hỗ trợ giáo dục, chăm sóc đặc biệt…

Tuy nhiên, phần lớn gia đình có trẻ khuyết tật là gia đình nghèo, khó khăn về kinh tế nên rất hạn chế trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội; công tác phát hiện phòng ngừa can thiệp sớm và phục hồi chức năng từ thai nhi chưa được phổ biến; công tác tuyên truyền còn hạn chế.

Trong 3 năm tới (2010-2012) tỉnh Đồng Nai sẽ chú trọng thực hiện một số mục tiêu để trợ giúp trẻ khuyết tật: tăng cường hệ thống khám chữa bệnh, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao tại cộng đồng; từng bước cải thiện, ổn định đời sống của trẻ khuyết tật, tạo điều kiện để các em được tham gia bình đẳng các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Theo kế hoạch, đến năm 2012, ít nhất có 60% trẻ khuyết tật trong độ tuổi mầm non và tiểu học được đi học, tiếp cận dịch vụ có sẵn tại địa phương, 70% hộ gia đình hiểu biết phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm khuyết tật, 100% trẻ khuyết tật được tiêm chủng…

Ngoài ra, cần phải nâng cao nhận thức và năng lực của chính quyền, đoàn thể các cấp và toàn xã hội trong thực hiện quyền của trẻ khuyết tật; thực hiện các hoạt động hỗ trợ về cơ chế chính sách, y tế, giáo dục, dạy nghề và việc làm cho trẻ em khuyết tật; tăng cường hệ thống khám, chữa bệnh và phát hiện trẻ em khuyết tật trong gia đình; nâng cao khả năng tiếp cận của trẻ em khuyết tật đối với các dịch vụ chất lượng cao.

Mặt khác, vận động các cơ quan Nhà nước trong việc nhận người khuyết tật vào làm việc; xác định lại độ tuổi đào tạo nghề cho trẻ khuyết tật; việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật phải được thực hiện chắc chắn, không tràn lan, tránh hình thức

Thu Thảo
.
.
.