Tận thu gỗ hay phá rừng?

Thứ Hai, 24/04/2006, 15:07

Được giao nhiệm vụ khai thác gỗ tận thu, song Công ty TNHH Nam Giang đã phải "bỏ của chạy lấy người". Có điều gì khuất tất đằng sau sự ra đi vội vàng này?

Sáng 18/4, sau một chặng đường ôtô dài hơn 130km từ Đà Nẵng lên xã ChàVàl, huyện Nam Giang, chúng tôi vẫy chiếc Minsk để vào xã Đắc Pring. Đến bãi đất rộng nằm đối diện với cổng Đồn Biên phòng (BP) 661, chúng tôi thấy chất đầy gỗ. Các cán bộ Đồn BP 661 cho biết: Bãi gỗ của Công ty TNHH Nam Giang khai thác gỗ tận thu trên tuyến đường thuộc dự án tuần tra biên giới vận chuyển tập kết chờ Kiểm lâm huyện lên lập biên bản nghiệm thu đóng búa xác nhận hợp pháp để chở về Thạnh Mỹ.

Được biết, tuyến đường tuần tra đi xuyên qua cánh rừng già của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nên tỉnh Quảng Nam đồng ý cho huyện Nam Giang thực hiện tận thu gỗ. UBND huyện Nam Giang giao lại cho Công ty TNHH Nam Giang "bao sân" khai thác 1.030m3 gỗ các loại...

Nhưng việc khai thác gỗ đã bị đồng bào người Ve sinh sống ở thôn 48, xã Đắc Pring, kịch liệt phản đối. Tuy nhiên, Công ty TNHH Nam Giang vẫn đưa xe tải vào chở được khoảng 400m3 gỗ ra tập kết tại bãi trước cổng Đồn BP 661, trong đó có 180m3 đã đưa về Thạnh Mỹ bán cho nhiều đơn vị. Và đến thời điểm này thì đơn vị thi công làm đường tuần tra biên giới tại xã Đắc Pring của Bộ Quốc phòng lại không chấp thuận cho Công ty vào nữa, với lý do xe tải chở gỗ sẽ làm hỏng đường...

Nếu việc tận thu gỗ là hợp pháp thì tại sao đồng bào thôn 48, xã Đắc Pring, lại cản trở để lãnh đạo UBND huyện Nam Giang phải đích thân đi "thương lượng" mà không xong? Chúng tôi tìm gặp ông Kring Giúp, Chủ tịch UBND xã Đắc Pring. Ông Giúp nói: "Đồng bào thôn 48 vì nghi ngờ Công ty TNHH Nam Giang lợi dụng chủ trương đó để phá rừng, vì có nhiều chỗ họ tổ chức đốn hạ cây nằm ngoài hành lang qui định của tuyến đường". Qủa đúng như vậy, hai bên đường rừng bị đốn phá tan hoang, hàng trăm cây gỗ to cỡ 2-3 người ôm dấu cưa hạ còn mới, gốc cây cách đường từ 10-15m... Điều này cho thấy, phản ứng của đồng bào thôn 48 là có cơ sở...

Đêm 18/4, khi chúng tôi ở lại Đồn BP 661 thì ông Nguyễn Đức Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Nam Giang cũng xuất hiện tại đây, thanh minh rằng: Đơn vị thi công làm đường đòi đặt cọc 1 tỷ đồng mới cho xe tải vào chở gỗ nên ông bó tay(?!). Rồi ngay trong đêm ấy, ông Thanh cùng số công nhân khai thác gỗ chạy 3 xe tải ra ChàVàl. Công ty TNHH Nam Giang đã được giao nhiệm vụ khai thác gỗ tận thu, song "bỏ của chạy lấy người" như thế sẽ dẫn đến hậu quả lãng phí hàng trăm m3 gỗ đã đốn hạ, ai sẽ chịu trách nhiệm? Hay việc tháo chạy vội vã vì muốn lảng tránh việc phá rừng bừa bãi trên tuyến đường tuần tra biên giới mà chúng tôi đã ghi nhận?

Long Vân
.
.
.