Lăng kính nhà văn:

Tản mạn sau một kỳ thi

Chủ Nhật, 26/06/2011, 08:47
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua gây choáng váng cho không ít người. Không phải thất vọng vì chất lượng học tập của học sinh kém mà thất vọng vì tỷ lệ tốt nghiệp cao một cách đột ngột đến mức khó tin.

Mặc dù biết sẽ phiền bạn đọc, nhưng mách phải có chứng, xin nêu ra đây thống kê của báo Tuổi trẻ TPHCM: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, có tới hơn 50 tỉnh, thành phố tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trên 90% trong đó có 37 tỉnh tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trên 95%. Khó tin hơn, có 12 tỉnh tỷ lệ này đạt trên 99% trong khi vừa năm ngoái, một vài tỉnh, thành phố trên còn chật vật trong cuộc chiến…"trụ hạng".

Các tỉnh miền núi phía Bắc năm nay tỷ lệ học sinh THPT tốt nghiệp thay đổi chóng mặt, đều từ 91% trở lên. Ở ĐBSCL, tỷ lệ tốt nghiệp THPT cũng không khác bao nhiêu. 10/12 tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp trên 90%. Những tỉnh cuối bảng của vùng cũng ở mức xấp xỉ 85%. Có những chuyên gia về giáo dục, những người tâm huyết với ngành, sau khi xem kết quả tổng hợp kỳ thi năm nay và được biết 11 tỉnh ĐBSCL thống nhất nới lỏng việc chấm thi đã phải thốt lên: Thi như thế thì thi để làm gì, thà bỏ thi cho đỡ tốn kém (trung bình mỗi tỉnh, thành phố phải chi khoảng 10 tỷ đồng cho kỳ thi tốt nghiệp này, chưa kể chi phí về phía thí sinh và gia đình).

Ngược theo thời gian, trước tình hình bệnh thành tích tràn lan, năm 2007, ngành giáo dục đã phát động phong trào nói không với bệnh thành tích trong giáo dục và nói không với những tiêu cực trong thi cử. Phong trào (gọi tắt là 2 không) như mội lời tuyên chiến với tình trạng giáo dục thời đó, nó thổi luồng gió lành không chỉ trong ngành mà còn với xã hội. Người ta chờ đợi trận "đột phá khẩu" này sẽ mở đầu cho nhiều trận đánh khác ác liệt hơn nhưng cũng căn bản hơn, từ đó vực nền giáo dục nước nhà đi lên.

Ngay năm đầu tiên, tỷ lệ tốt nghiệp đang từ trên 90% cả nước tụt xuống còn 66.72%. Người ta thở phào nhẹ nhõm. Chủ trương 2 không đã đi vào cuộc sống, bước đầu đã làm lộ ra thực chất thê thảm của chất lượng giáo dục. Cứ đà này, mọi chuyện sẽ rõ dần. Một cuộc hội nghị tổng kết được đánh giá là có chất lượng. Trong hội nghị này, đã xuất hiện nhiều tiếng nói trung thực, đi vào thực chất những vấn đề cần tháo gỡ. Nhưng cũng từ sau hội nghị này, một cuộc phản công âm thầm, nhưng quyết liệt và không ít sức mạnh đã hình thành. Nó cố kết những thế lực bảo thủ, trì trệ, sống dựa vào nếp tiêu cực bấy nay. Và họ đã thắng. Sau cái đáy gần 67% ấy, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT cứ nhích dần lên. Năm 2008, 75,96%. Năm 2009, 83,8% và năm nay 92,57%. Thế là hoà cả làng.

Xin nhắc lại rằng từ lâu lắm rồi, việc dạy và học ở nước ta đã được xã hội hóa, nghĩa là chỉ có trường lớp tư thục do các thầy đồ đảm nhiệm, cuộc sống của các thầy đồ và gia đình thầy do bố mẹ học sinh đóng góp. Thường cứ 3 năm một lần, Nhà nước mở khoa thi để chọn người ra làm quan. Trước mỗi kỳ thi, các thôn xã xét chọn người thi, chủ yếu là lý lịch. Việc xét chọn khá rộng rãi nên mỗi kỳ thi, thường đến cả vạn người nhưng vẫn bảo đảm sự nghiêm minh, công bằng.

Còn bây giờ thì sao? Thi cử là nơi bộc lộ sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức một cách rõ nét nhất. Thi là thế, chấm thi thì như năm nay, họp hội nghị để bàn cách nâng điểm cho học sinh.

Một thực trạng như vậy, suy cho cùng là sự suy vi nền tảng đạo đức của xã hội, nó không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá mà phải từ gốc rễ, bắt đầu từ triết lý giáo dục để làm gì, mục tiêu của giáo dục là gì; phải kiên quyết xã hội hóa giáo dục và chống lại thị trường hóa việc dạy dỗ con người. Với một thực trạng giáo dục như hiện nay, trước mắt các em học sinh là nạn nhân nhưng trong tương lai, các em sẽ là thủ phạm của một nền giáo dục khập khiễng.

Dù chưa thể đồng tình về một số bài báo trong tuần cho rằng, cuộc vận động hay chủ trương "2 không" của Bộ GD-ĐT sau kỳ thi tốt nghiệp THPT này đã trở về con số 0. Nhưng có thể nói "trận đánh mở màn" thất bại cho ta một kinh nghiệm sống còn: Tuyên chiến với những bất cập, tiêu cực trong hoạt động giáo dục không dễ, đó là một cuộc chiến đấu gay go, cần sự chuẩn bị kỹ càng, không thể chủ quan khinh thường "đối phương". Từ đây, cũng đặt ra 2 lựa chọn. Một là đầu hàng, hai là, chấp nhận thất bại vừa qua nhưng để bắt đầu những hiệp đấu mới với dũng khí dám tin vào chiến thắng cuối cùng. Và chỉ khi đã chắc thắng, lúc ấy hãy làm

Duy Vũ
.
.
.