Tạm trú 2 năm, có chỗ ở hợp pháp được nhập khẩu ở nội thành

Thứ Tư, 04/06/2014, 08:09
Việc đăng ký tạm trú, thường trú quy định trong Nghị định 31/2014/NĐ-CP khá cụ thể, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Với những người dân đang sống tại các thành phố trực thuộc TW thì Nghị định quy định cụ thể về việc đăng ký thường trú. Theo đó, công dân đang tạm trú cần có đủ các điều kiện: Có chỗ ở hợp pháp; có thời gian tạm trú liên tục từ một năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã; từ hai năm trở lên đối với trường hợp đăng ký vào quận; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi tạm trú.

Ngày 15/6 tới đây Nghị định 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Cư trú có hiệu lực thi hành. Đáng chú ý, trong Nghị định này có quy định cụ thể về điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc TW. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để người dân đang sống, học tập, làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có cơ hội nhập khẩu.

Luật Cư trú có hiệu lực pháp luật đã tạo điều kiện cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước về dân cư thực hiện việc đăng ký tạm trú, thường trú. Sau khoảng một năm có hiệu lực thi hành, căn cứ vào tình hình thực tiễn, ngày 18/4/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 31/2014/NĐ-CP.

Bên cạnh việc đưa ra những tiêu chí cụ thể về đăng ký tạm trú, thường trú, Nghị định này còn quy định nghiêm cấm các hành vi lợi dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân như: ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác; đưa các quy định về hộ khẩu làm điều kiện; giải quyết trái quy định của pháp luật về cư trú hoặc từ chối giải quyết các yêu cầu về hộ khẩu của công dân; ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để nhập khẩu. Nghị định cũng quy định rõ về chỗ ở hợp pháp, trong đó có cả tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của gia đình. Những giấy tờ pháp lý để chứng minh chỗ ở hợp pháp cũng được quy định chi tiết. Đáng lưu ý là giấy tờ thuê nhà, cho mượn nhà cũng được coi là giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Việc đăng ký tạm trú, thường trú theo Nghị định mới sẽ đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Ảnh: Thiện Hoàng.

Với trường hợp đăng ký thường trú, những giấy tờ này phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. Còn khi đăng ký tạm trú, thì những giấy tờ này chỉ cần viết tay.

Như vậy, việc đăng ký tạm trú, thường trú quy định trong Nghị định 31/2014/NĐ-CP khá cụ thể, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Với những người dân đang sống tại các thành phố trực thuộc TW thì Nghị định quy định cụ thể về việc đăng ký thường trú. Theo đó, công dân đang tạm trú cần có đủ các điều kiện: Có chỗ ở hợp pháp; có thời gian tạm trú liên tục từ một năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã; từ hai năm trở lên đối với trường hợp đăng ký vào quận; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi tạm trú.

Đối với công dân đăng ký thường trú tại Hà Nội, Nghị định 31/2014/NĐ-CP còn yêu cầu phải thực hiện theo khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô, khoản 2, 3 và 4. Theo Luật Thủ đô, việc đăng ký thường trú vào Hà Nội còn phải thực hiện theo Điều 20 Luật Cư trú.

Cụ thể: Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương: Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản; được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột; người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại; Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản; trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. 

Trao đổi với Đại tá Đỗ Đức Quang, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Hà Nội, chúng tôi được biết cơ quan này đang thực hiện việc đăng ký thường trú, tạm trú theo quy định hiện hành. Tới đây, khi Nghị định 31/2014/NĐ-CP có hiệu lực, công tác đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu sẽ được thực hiện theo quy định. Chúng tôi cũng được biết, Bộ Công an đang có dự thảo Thông tư hướng dẫn liên quan đến Nghị định này.

Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp

Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp là tài sản thuộc sở hữu của công dân gồm: giấy tờ nhà đất, giấy phép xây dựng, hợp đồng mua bán và hợp đồng giao nhà, giấy tờ trao tặng nhà tình nghĩa…; giấy tờ chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ; giấy tờ của cơ quan, tổ chức… chứng minh việc được cấp, được sử dụng nhà đất…

(Theo Nghị định 31/2014/NĐ-CP)

Cao Hồng
.
.
.