Quốc hội thảo luận dự án Luật TDTT:

Tạm gác cá cược bóng đá ngoài luật

Thứ Sáu, 20/10/2006, 08:25

Việc cho phép cá cược bóng đá hợp pháp rốt cuộc không được đưa vào dự thảo Luật Thể dục thể thao (TDTT). Mặc dù vậy, tại phiên thảo luận hôm qua (19/10), vấn đề này cũng được một số đại biểu nhắc đến và đề nghị: Không cấm đoán cá cược bóng đá nhưng phải quản lý tốt.

Đề án cho phép cá cược bóng đá hợp pháp được Ủy ban TDTT chủ trì soạn thảo ngay từ đầu năm 2006 và nay đang tiếp tục hoàn thiện. Ngay khi đề án được soạn thảo, lập tức dư luận đã mổ xẻ dưới nhiều khía cạnh, gút lại vẫn có hai chiều ý kiến: ủng hộ việc thực hiện cá cược bóng đá hợp pháp hoặc phản đối.

Chính ý kiến đa chiều này nên Ủy ban TDTT cũng có lúc lúng túng, giải thích không rõ, đặc biệt nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: Vì sao đã soạn thảo đề án nhưng lại không đưa cá cược bóng đá vào luật? Vậy sau khi luật này thi hành cũng là lúc đề án cá cược bóng đá hoàn tất thì việc áp dụng đề án lại không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật?

Trước đó, theo giải thích của ông Nguyễn Danh Thái, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, vì đề án trong giai đoạn sơ khai, chưa có độ chín nên cần phải nghiên cứu, triển khai, sau một thời gian áp dụng, tổng kết thực tiễn mới có thể đưa vào luật. Đây là vấn đề rất mới, nhạy cảm, chưa có thực tiễn, trong khi đưa vào luật phải là những vấn đề đã được thẩm định kỹ.

Các đại biểu thì phân tích, việc cá cược bóng đá thực ra từ lâu đã tồn tại ở nước ta dưới nhiều hình thức, quy mô cũng khác nhau. Từ trước tới nay chúng ta vẫn cấm cá cược song thực tế cho thấy việc cấm là không xuể, chỉ đạt kết quả tương đối. Trên thực tế, nhiều nước vẫn cho phép cá cược và họ thu thuế lớn từ nguồn cá cược này, đưa vào luật điều chỉnh nên có hành lang pháp lý cụ thể.

Đối với nước ta, hiện xu hướng phát triển cho thấy nhiều người, nhiều tổ chức cũng tiến hành cá cược với các quy mô khác nhau và họ tìm cách lách luật. Nếu quản lý tốt, chúng ta có thể cho phép cá cược ở mức độ nhất định, quy mô nhất định và theo đối tượng cụ thể (gọi là hợp pháp), vừa đảm bảo nhu cầu xã hội, vừa thu được nguồn thuế to lớn. Tuy nhiên, khi nói cá cược hợp pháp cũng đồng nghĩa còn mảng phía sau: cá cược không hợp pháp, vấn đề là phải quản lý thế nào cho tốt.

Như vậy, trong xu thế mới, không cứng nhắc cấm hoàn toàn cá cược mà cần có quy chế lỏng hơn. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là khi có cá cược hợp pháp thì quản lý thế nào để không bị lạm dụng, không làm nẩy sinh tội phạm, tệ nạn ăn theo cá cược. Lợi nhuận là cần nhưng chỉ mục đích phụ, vấn đề quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo yêu cầu giữ vững trật tự xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước và cá nhân, tổ chức.

Nhà ở cho VĐV thành tích cao: Địa phương có quyền chủ động

Dự luật lần trước có đề cập: Vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích xuất sắc trong các giải thể thao quốc tế được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở. Tuy nhiên, quy định này không được đại biểu Quốc hội tán thành do thiếu tính khả thi, vì vậy lần này dự luật "gạt" chính sách ưu đãi này ra ngoài. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc ưu tiên chính sách nhà ở trên lý thuyết là rất tốt, không những đối với vận động viên thể thao đạt thành tích cao mà còn nhiều đối tượng khác trong xã hội.

Tuy nhiên, quy định phải gắn với điều kiện thực hiện, nay quỹ nhà ở của Nhà nước ít, rất khó để giải quyết nhu cầu nhà ở khi vận động viên đạt thành tích cao (giải quốc tế). Đồng thời, nếu giải quyết cho vận động viên thì những đối tượng khác có thành tích quốc tế cũng phải đối xử công bằng, không thể "bên trọng, bên khinh" và đó là điều rất khó đáp ứng.

Do đó, chỉ cần quy định được hưởng các chế độ ưu đãi khác trừ... nhà ở (như ưu đãi y tế, giáo dục, tiền thưởng)! Đặc biệt, khuyến khích các địa phương phát huy chủ động, không hạn chế địa phương có điều kiện thực hiện. Do đó, "tuỳ từng trường hợp cụ thể vẫn có thể có những chính sách khác, kể cả việc cấp đất hoặc bố trí nhà ở cho vận động viên, huấn luyện viên có thành tích cao".

Trong phiên thảo luận chiều qua, các đại biểu phần lớn đề nghị tiếp tục thể hiện xu hướng xã hội hoá hoạt động thể thao trong luật. Theo đó, phải thể hiện trách nhiệm Nhà nước đối với việc phát triển sự nghiệp TDTT, nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc cho con người. Đáng lưu ý, việc hoạch định chính sách TDTT phải dành quỹ đất, ngân sách tương xứng, nhất là thể thao thành tích cao. Chú trọng đầu tư một số môn thể thao đạt trình độ quốc tế, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia phát triển sự nghiệp thể thao và có chính sách đào tạo năng khiếu thể thao...

Trường - Tuấn
.
.
.