Tạm dừng tăng giá thuốc

Thứ Sáu, 04/04/2008, 18:39

Bộ Y tế yêu cầu, từ nay đến hết 30/6/2008, các cơ sở sản, xuất kinh doanh dược phẩm tạm dừng việc đề nghị điều chỉnh tăng giá thuốc và hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh tăng giá thuốc bán ra trong trường hợp giá bán ra này đang thấp hơn giá đã kê khai.

Hiện nay, giá cả của nhiều mặt hàng tăng giá đột biến, trong đó có cả dược phẩm.

Theo kết quả khảo sát của Cục Quản lý Dược Việt Nam trong tháng qua cho thấy, thuốc sản xuất trong nước có 0,33% mặt hàng trong tổng số 3.000 mặt hàng được khảo sát tăng giá với mức trung bình 5,04% và 0,31%; mặt hàng giảm giá trung bình 5,45%. Thuốc nhập khẩu cũng tăng giá, với mức trung bình là 3,81%.

Đã vậy, từ đầu tháng 1/2008 đến nay, Cục Quản lý Dược đã nhận được hồ sơ đề nghị điều chỉnh giá thuốc của 15 doanh nghiệp đối với 108 mặt hàng, chiếm 0,6% tổng số mặt hàng lưu hành trên thị trường. Trong đó, 104 mặt hàng của 11 doanh nghiệp được các Sở Y tế xem xét tính hợp lý của việc xin điều chỉnh giá thuốc lần này.

Ví dụ, Cinarigin 25mg và Vitamin B1 của Công ty Traphaco được Sở Y tế Hà Nội cho phép tăng 20%;  3 mặt hàng của công ty Sao Thái Dương cũng được tăng giá như: dầu gió gừng Thái Dương, thuốc cốm Sugin; thuốc Suncurmin... Như vậy, từ nay đến tháng 5/2008 dự báo, giá dược phẩm sẽ biến động theo chiều hướng tăng.

Cùng với các biện pháp hạn chế tăng giá dược phẩm của Bộ Y tế, ngày 3/4 Cục Quản lý Dược đã gửi Công văn thượng khẩn tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm.

Công văn mang nội dung: Từ nay đến hết 30/6/2008, các cơ sở sản, xuất kinh doanh dược phẩm tạm dừng việc đề nghị điều chỉnh tăng giá thuốc và hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh tăng giá thuốc bán ra trong trường hợp giá bán ra này đang thấp hơn giá đã kê khai.

Công văn cũng yêu cầu các cơ sở đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu các mặt hàng thuốc được phép lưu hành tại thị trường Việt Nam để tăng nguồn cung ứng bảo đảm cân đối cung cầu thị trường dược phẩm trong nước. Đồng thời nghiêm cấm hiện tượng đầu cơ tích trữ độc quyền hoặc liên kết độc quyền gây khan hiếm giả tạo đối với mặt hàng thuốc để đẩy giá lên cao nhằm trục lợi”.

Ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng ngày, cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Y tế tạm ngừng xem xét việc kê khai điều chỉnh tăng giá thuốc của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm theo phạm vi phân cấp thẩm quyền của địa phương; đẩy mạnh việc theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình biến động giá thuốc trong phạm vi địa bàn quản lý; có các biện pháp thích hợp nhằm bình ổn thị trường dược phẩm trên địa bàn; tổ chức liên ngành tại địa phương thanh tra, kiểm tra ngăn chặn hiện tượng tăng giá thuốc bất hợp lý...

Tú Anh
.
.
.