Tái định cư thủy điện - Hành trình đằng đẵng tìm “an cư”:

Bài 4: Tái định cư có phải bài toán không lời giải?

Thứ Hai, 29/12/2014, 09:53
Trong khi nhiều địa phương đang mắc kẹt với tái định cư (TĐC), không tìm ra phương kế nào giúp người dân ổn định cuộc sống, thì cũng có những địa phương tự tin khẳng định đã không mấy khó khăn tìm ra lời giải. Người dân khốn khó cũng bởi thiếu đất canh tác. Giải quyết tốt được vấn đề này thì bài toán TĐC thủy điện không phải không có lời giải. Tuy nhiên lời giải này lại phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, từ: công tác quy hoạch, điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán địa phương và cả cái tâm, cái tầm của cán bộ…
>> Lãnh quả đắng từ việc lựa chọn sai quy hoạch

Khó trăm bề cũng bởi vì “khát” đất

Tại miền Trung, PV CAND trở lại thuỷ điện A Lin và A Roàng (huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế). Dù là dự án có quy mô vừa và nhỏ nhưng thủy điện A Lin đã và đang làm cho 242 hộ dân ở các thôn A Năm, Ta Lo, A Hố và Ka Cú 2 thuộc xã Hồng Vân rơi vào cảnh mất đất sản xuất, khi đã thu hồi 400ha (phần lớn là đất nông nghiệp) của người dân.

Với chủ trương “đất đổi đất”, đáng lẽ chủ dự án phải bàn giao một diện tích tương đương cho người dân; nhưng đã 5 năm trôi qua, mỗi hộ dân chỉ nhận được vỏn vẹn 500m2 đất ở và 1.500m2 đất vườn. Điều tréo ngoe nữa là sau khi thu hồi đất, từ đầu năm 2012 đến nay, chủ dự án này đã “bỏ của chạy lấy người” vì thiếu vốn, bỏ hoang hoá diện tích đất đã nuôi sống người dân trước đây.

Ông Nguyễn Văn Tôn, cán bộ địa chính xã Hồng Vân cho biết, bất cập và khó khăn mà người dân Hồng Vân gánh chịu do dự án thủy điện A Lin gây ra là không kể hết khi đất sản xuất bị thu hồi quá lớn, ngược lại diện tích “đất đổi đất”... thì quá ít.

Để chứng minh, ông Tôn cùng một số lãnh đạo xã Hồng Vân dẫn chúng tôi đến khu TĐC A Năm được Công ty CP Trường Phú xây dựng cho gần 35 hộ dân thuộc diện di dời, chỉ cách đường Hồ Chí Minh khoảng 1 cây số. Khu TĐC trị giá 13 tỷ hoang hoá, tiêu điều, do không có hộ dân nào đến ở.

Ông Lê Văn Cắt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hồng Vân cho hay: “Sau quá trình khảo sát, 25 hộ dân ở thôn A Năm, 6 hộ dân ở thôn Ta Lo và 3 hộ dân ở thôn Ka Cú 2 nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện A Lin buộc phải di dời lên. Nếu chiếu theo quy định “nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”, thì quả thực nơi đây không đạt tiêu chuẩn. Bởi lẽ, đất đai ở chỗ TĐC được chủ dự án phân chia quá ít và cằn cỗi, trong khi đó nhà cửa vừa xây dựng nhưng đã xuống cấp, nứt nẻ. Đó là chưa kể đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở phía sau khu TĐC...”.

Theo ông Nguyễn Quốc Thạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện A Lưới, với mong muốn người dân có đất sản xuất, tránh đói nghèo, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định đền bù bằng 50% tiền và 50% đất. Đến nay, số tiền đền bù 20,2 tỷ đồng đã được người dân nhận đủ; nhưng còn 400ha đất mà dự án thủy điện A Lưới “nợ” dân thì huyện không biết lấy đâu ra để cấp, vì quỹ đất của huyện đã cạn kiệt.

Đối với TĐC thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), 2 xã Trà Đốc và Trà Bui là bị ảnh hưởng đáng kể, với gần 3.000ha đất bị thu hồi. Thiếu đất sản xuất, tỉ lệ hộ nghèo tăng nhanh; nhất là hộ dân trong các khu TĐC của thủy điện (tỉ lệ hộ nghèo chiếm 87%).
Tham vọng chuyển đổi nghề cho người dân thị xã Mường Lay sang phi nông nghiệp và dịch vụ dường như đã phá sản.

UBND huyện Bắc Trà My nhìn nhận: Phần lớn các hộ dân hiện nay đang thiếu đất sản xuất, nhất là diện tích ruộng lúa nước trên 200ha và diện tích đất sản xuất các loại trên 1.500ha bị ngập trong lòng hồ thủy điện. Lo dân đói đã đành một nhẽ, không đành lòng nhìn dân sống bất an trong khu TĐC do chủ đầu tư xây dựng, thậm chí UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) còn phải bỏ tiền xây mới 2 khu TĐC khác để 115 hộ dân TĐC lên ở (hỗ trợ cho mỗi hộ xây dựng một ngôi nhà mới trị giá hơn 100 triệu đồng, đồng thời khai hoang hơn 7ha đất để người dân canh tác)…

Bài học kinh nghiệm từ TĐC thủy điện Lai Châu

Thế nhưng trái với những cảnh tiêu điều, đầy lo lắng của khu vực miền Trung, đến với khu TĐC thủy điện Lai Châu, có thể thấy một không khí hoàn toàn khác. Với lợi thế “sinh sau đẻ muộn”, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm từ các công trình khác, lại có hẳn Ban chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đứng đầu, việc thực hiện TĐC tại Lai Châu bài bản hơn rất nhiều.

Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tự tin khẳng định: “TĐC không phải là bài toán không lời giải”. Lời giải chính là đất. “Chúng tôi có cách làm khác đối với thủy điện Lai Châu, đó là cố gắng để người dân được TĐC tại chỗ. Lòng hồ ngập thấp, người dân chỉ mất tí đất ở, vài khe rạch, còn đất sản xuất trên cao hầu như còn nguyên, rừng cũng vẫn còn ở đấy, nếp sống, phong tục… không có gì thay đổi cả. Cơ bản người dân chỉ nhổ nhà cũ lên cắm ở một nơi mới với nền đất tốt hơn, hạ tầng tốt hơn, có đường bêtông vào từng nhà, điện, đường, trường, trạm đầy đủ. Với số đất còn lại 90%, chỉ cần tác động thêm một chút nữa, đầu tư hạ tầng thủy lợi để người dân thâm canh, thì giá trị thu về gấp 2-3 lần nếp canh tác cũ. Cả 36.000 hộ TĐC thuỷ điện Sơn La và 2.100 hộ TĐC thuỷ điện Lai Châu, cuộc sống đều ổn”.

Trong cuộc họp mới đây vào tháng 11 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, Ban chỉ đạo Nhà nước về thủy điện Sơn La, Lai Châu cũng nhận định việc giao đất nông nghiệp đã đạt trên số yêu cầu, đời sống người dân cơ bản ổn định. Đối với thủy điện Sơn La, công tác di chuyển dân TĐC được hoàn thành trước 2 năm, việc chi trả tiền cho dân đã hoàn thành 100%, 100% hộ dân TĐC thủy điện được sử dụng nước hợp vệ sinh và điện lưới quốc gia, tạo điều kiện nâng cao đời sống… Khó khăn còn nhiều, vẫn còn những công trình xuống cấp, còn người dân chưa ổn định được sản xuất, nhưng ít nhất, người dân không thiếu đất để làm kế sinh nhai.

Ông Quảng cũng cho biết, đối với thủy điện Sơn La, đến năm thứ 2 đã quy gạo hỗ trợ ra thành tiền để người dân tự đi mua gạo, bởi “nếu cứ  chia gạo thì vì lý do nọ lý do kia, đến tay người dân, một hạt gạo cõng thêm bao nhiêu chi phí, ngay cả phẩm chất hạt gạo cũng không còn nguyên vẹn”.

Không nuôi “ảo vọng” về hồ thủy  điện trong việc làm du lịch cũng như phát triển nuôi trồng thủy sản, bởi ngoài thời gian từ tháng 9 đến tháng 2 có nước, thời gian còn lại, lòng hồ là một vệt sỏi đá, mà muốn tận dụng được, phải tính đến xử lý “sa mạc lòng hồ”, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã nghĩ ngay đến tận dụng đất bán ngập. Khi nước rút, trên cao thì người dân gieo trồng cây dài ngày như ngô, dưới thấp trồng khoai lang, lạc ngắn ngày. Cứ đến mùa nước rút là vùng lòng hồ phủ xanh hết, người dân lại được thu thêm một vụ. Vì vậy, ở Lai Châu không có câu chuyện đói.

“Bản chất vấn đề là môi trường sống. Không có đất đai, không có sản xuất hàng hoá, thì có hỗ trợ 50 triệu bà con cũng chẳng làm gì được, đừng nói đến hỗ trợ 5 triệu đồng chuyển đổi nghề” – ông Quảng nhận định.

Đề nghị Quốc hội giám sát chuyên đề về đời sống người dân tái định cư

Báo cáo giám sát về thuỷ điện của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 mới đây cho biết: Công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, TĐC các dự án, công trình thuỷ điện chưa được đánh giá thực sự đầy đủ, toàn diện; còn những khó khăn, tồn tại cần giải quyết như: giải quyết đủ đất sản xuất, nước cho sản xuất và sinh hoạt, quản lý, duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng đã được bàn giao, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp... Ủy ban đã đề nghị Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về đời sống của người dân tại các khu TĐC.

Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu:

“Khi làm quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng nên TĐC phi nông nghiệp. Người bảo phải phi nông nghiệp, nhưng cứ “trắng phớ” mà nói rằng có mà phi… vào chảo! Ngoài đất ở phải bố trí được đất để dân có thể sản xuất được. Nếu xác định làm du lịch, dịch vụ thì phải tính ra cụ thể dịch vụ là gì, phải có người bán người mua, có hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho ai… Những câu hỏi đó mà chưa trả lời được, thì làm sao có chuyện tạo ra công ăn việc làm, chưa nói đến thời gian để người dân thích nghi, thay đổi tập tục sản xuất...”.

Nhóm PVKTXH và VP miền Trung
.
.
.