TP Hồ Chí Minh: Những gợi ý cho năm văn minh đô thị

Thứ Hai, 14/01/2008, 10:32
Theo nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh, năm 2008 này được chọn là năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị (NSVMĐT).

Mà đã nói là văn minh thì môi trường sống phải thật sự lành mạnh, mọi người phải đối xử với nhau một cách có văn hóa cũng như có ý thức xây dựng xã hội, cộng đồng dân cư ngày một tiến bộ…

Mà để đạt được mục tiêu ấy không thể thực hiện trong một vài năm mà đòi hỏi phải có một thời gian dài hằng thập kỷ. Có lẽ chính vì vậy mà bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng trong năm 2008 này chỉ tập trung thực hiện ở 3 lĩnh vực: ý thức chấp hành Luật Giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường và cải thiện văn hóa ứng xử nơi công sở.

"Văn hóa nhường nhau"

Ở TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 3,6 triệu xe các loại, trong đó ôtô chiếm khoảng 330 ngàn chiếc, còn lại là xe gắn máy. Cứ bình quân mỗi ngày TP có thêm trên dưới 200 xe ôtô và 2.500 xe gắn máy đăng ký mới. Trong khi đó, đường sá thì làm ì ạch, các công trình giao thông trọng điểm hoàn thành chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Về lực lượng CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ trên đường hiện đang còn thiếu khoảng 4.000 người; việc phân luồng, phân tuyến nhiều đoạn đường không hợp lý dẫn đến có đường vắng hoe, có đường kẹt cứng…

Tất cả những nguyên nhân trên đã dẫn đến tình trạng kẹt xe nhưng theo bà Phạm Phương Thảo thì nguyên nhân chính vẫn là ý thức chấp hành Luật Giao thông của người điều khiển phương tiện. Trong đó cái "văn hóa nhường nhau" gần như không thể tìm thấy trên mọi tuyến đường, ngõ ngách.

Đối tượng điển hình chẳng biết nhường nhịn ai chính là "anh" xe buýt, vì được quá xem trọng và ưu ái trong giai đoạn TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng. Đối tượng thứ hai cũng chưa thể hiện được văn hóa nhường nhau là người điều khiển xe gắn máy.

Có thể do áp lực công việc, do sợ bị kẹt xe nên mỗi khi bị ùn là y rằng mọi người lại chen nhau vượt qua phần đường bên trái và tất nhiên bị tắc nghẽn giao thông. Giá như lúc đó, mọi người ai cũng có ý thức đi ở phần đường bên mình thì có lẽ giao thông sẽ bị ùn thôi chứ không tắc. Về lâu dài, để ý thức trở thành một nếp sống cần có sự giáo dục từ gia đình, nhà trường, các công ty, xí nghiệp…

Vệ sinh môi trường: tập trung xóa hình ảnh xấu!

Con số 6/15 khu công nghiệp - khu chế xuất, 69/105 bệnh viện - trung tâm y tế và 300 trạm y tế xã, phường… chưa có hệ thống xử lý nước thải. Vì vậy mà mỗi ngày TP phải xử lý hơn 6.000 tấn chất thải rắn, 17.000m3 nước thải y tế, 150.000m2 nước thải công nghiệp trong khi chỉ có duy nhất 1 bãi chôn lấp thuộc khu liên hiệp xử lý chất thải rắn ở Củ Chi có công suất 3.000 tấn/ ngày. Con số này đã nói lên rằng, ô nhiễm môi trường ở TP Hồ Chí Minh đã đến mức báo động. Báo động trước hết là ở các con sông, kênh, rạch khi chứa nước thải chưa qua xử lý và bị lấp đầy rác từ sinh hoạt gia đình.

Giải quyết thực trạng này rất nan giải vì chỉ nội chuyện di dời các cơ sở ô nhiễm thôi mà đến nay TP Hồ Chí Minh vẫn còn 141 cơ sở chưa di dời dù đã quá hạn quy định. Vậy năm 2008 ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sẽ được cải thiện như thế nào?

Theo chúng tôi, trước mắt là buộc những cơ sở sản xuất mới thành lập phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi đi vào hoạt động. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần kiểm tra các cơ sở đang gây ô nhiễm và buộc họ phải có một lộ trình để khắc phục.

Ở khu vực nội thành, nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân TP cho rằng NSVMĐT họa chăng chỉ có ở khu vực trung tâm quận 1 vì ở đó đường sá thông thoáng, sạch sẽ, người dân ít nhiều đã có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Còn ở những nơi khác, bạn chỉ cần dạo xe một vòng sẽ chứng kiến hình ảnh chị bán cơm xả rác đầy ở lề đường, anh xe ôm tiểu ngay ở cột điện, bà nội trợ đổ rác trong nhà xuống cống…

Tệ hại hơn, đang đi trên đường không khéo có ai đó phun nước bọt vào mặt bạn… Tất cả những hình ảnh phi văn minh đó, TP Hồ Chí Minh muốn cải thiện được không thể trông chờ vào những khẩu hiệu suông mà có phải quy định và thực hiện nghiêm túc hẳn hoi: chị xả rác phạt bao nhiêu, anh tiểu bậy phạt cỡ nào... thì họ mới có thể chừa được thói quen xấu đó.

Nên nhớ sở dĩ người dân thực hiện tốt (gần 100%) việc đội mũ bảo hiểm là nhờ ở yếu tố này.

Văn hóa ứng xử nơi công sở: trông chờ ngài thủ trưởng

Mới đây, Thái Lan tổ chức khóa học cười cho 300 Cảnh sát giao thông, Trung Quốc tổ chức huấn luyện cho nhân viên để phục vụ Olympic 2008, trong đó khâu quan trọng là kỹ năng cười. Vì cười không chỉ thể hiện sự thân thiện, hòa nhã mà còn có lợi cho… cơ bụng!

Thế nhưng, đi đến các công sở ở TP Hồ Chí Minh để tìm một nụ cười quả là không đơn giản. Mà đã không cười thì ứng xử nghe cũng rất trái tai. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để nơi công sở ứng xử có văn hóa tùy thuộc rất nhiều vào người thủ trưởng của đơn vị.

Anh có cởi mở, nhã nhặn khi tiếp khách, tiếp dân thì CB - CNV sẽ lấy đó mà làm gương, đó là chưa nói đến chuyện lãnh đạo đưa ra những yêu cầu, quy định hay bắt buộc để công tác ứng xử được tốt hơn

M.T.Phong
.
.
.