TP HCM tăng cường hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp

Thứ Hai, 02/07/2012, 15:48
Nhằm hỗ trợ lực lượng lao động thất nghiệp gia tăng, TP Hồ Chí Minh đã dành 650,5 tỷ đồng để cho vay ưu đãi và vay tín dụng nhỏ cho 48.117 hộ dân có con em đang là học sinh sinh viên vay phục vụ cho nhu cầu học tập; vay xuất khẩu lao động là 2,5 tỷ đồng. Để tăng cường đào tạo nghề cho người lao động, thành phố cũng đã cấp hơn 88 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị trang bị cho 4 trường nghề.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, số người lao động đăng ký thất nghiệp từ đầu năm đến nay đã lên tới con số 70.397 người, tăng 22.009 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 53.026 người đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 18.610 người và đã có 49.322 người được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 18.977 người so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động mất việc làm tăng chủ yếu do số lượng các doanh nghiệp giải thể tăng cao. DN gặp khó khăn, 6 tháng đầu năm trên địa bàn cũng đã xảy ra 56 vụ đình công với sự tham gia của 31.551 người, trong đó có 30 vụ đình công ở DN FDI.

Dù lượng công nhân thất nghiệp tăng cao, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi), thị trường vẫn cần nhiều lao động nhưng là các đối tượng lao động có trình độ, tay nghề cao. Lao động phổ thông, nhất là các ngành dệt may, da giày được tuyển dụng rất ít.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Falmi, trong 6 tháng cuối năm nay nhu cầu lao động trên địa bàn tiếp tục cần tuyển mới và tuyển dụng để thay thế khoảng 135 ngàn người. Tuy nhiên, đối tượng lao động phổ thông sẽ chỉ có 40%, các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng chỉ cần khoảng 30 ngàn lao động còn lại là lao động có tay nghề từ trung cấp trở lên. Ngay trong tháng 7 và 8 này, mỗi tháng trên địa bàn sẽ cần khoảng 20 ngàn lao động. Ngoài có thêm lực lượng lao động mới là sinh viên vừa ra trường bổ sung cho thị trường cung ứng lao động. Nhu cầu tuyển dụng vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào các nhóm đối tượng thuộc các lĩnh vực như kế toán, quản lý hành chính văn phòng, nhân viên kinh doanh - marketing…

Và như vậy, ông Tuấn cho rằng từ nay đến cuối năm tình hình cung cầu trên thị trường lao động của thành phố vẫn sẽ mất cân đối. Tuyển dụng lao động đòi hỏi nhiều về trình độ trong khi nhu cầu của người tìm việc, lao động thất nghiệp lại không đáp ứng. 

Nhằm hỗ trợ lực lượng lao động thất nghiệp gia tăng, TP Hồ Chí Minh đã dành 650,5 tỷ đồng để cho vay ưu đãi và vay tín dụng nhỏ cho 48.117 hộ dân có con em đang là học sinh sinh viên vay phục vụ cho nhu cầu học tập; vay xuất khẩu lao động là 2,5 tỷ đồng.

Để tăng cường đào tạo nghề cho người lao động, thành phố cũng đã cấp hơn 88 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị trang bị cho 4 trường nghề; nâng cấp Trường Trung học Công nghiệp thành Trường Cao đẳng nghề; thành lập 2 phân hiệu trường trung cấp nghề; 3 Trung tâm dạy nghề tư thục. Đồng thời cấp phép đăng ký mới 30 cơ sở dạy nghề trình độ sơ cấp và quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề, nhằm phát huy năng lực đào tạo theo hướng tập trung các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Trong đó, 5 trường thuộc thành phố và 6 trường thuộc các bộ ngành đóng tại thành phố được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn đưa vào Dự án đầu tư nghề trọng điểm đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới

Đ.T.
.
.
.