TP HCM: Xuất hiện hàng loạt lớp bán trú “vệ tinh”

Thứ Bảy, 19/02/2011, 11:32
11h ngày 17/2/2011, tại cổng Trường Tiểu học An Hội (phường 8, Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp) có 2 - 3 nhóm học sinh lớp 1, 2 đang đứng tập trung thành từng tốp nhỏ để chờ các cô bảo mẫu dắt về lớp bán trú. Theo lời các phụ huynh, tại khu vực này có khá nhiều cơ sở “trông trẻ kiêm dạy học” xuất hiện khoảng 1 năm.

Tìm hiểu của PV Báo CAND cho biết, hầu hết các cơ sở ra đời đã đáp ứng được nhu cầu cho các phụ huynh gửi con 2 buổi để đi làm. Song chất lượng vệ sinh là điều rất lo ngại bởi chưa được thẩm định. Các phòng giáo dục quận, huyện có tình trạng trên đều thừa nhận các cơ sở bán trú “vệ tinh” này ra đời hoạt động tự phát, không có giấy phép.

Tự phát

Theo chỉ dẫn của các phụ huynh (PH) đứng đợi con trước cổng Trường An Hội, chúng tôi tìm tới một điểm bán trú được treo bảng hiệu “Nhóm trẻ gia đình” nằm trong một con hẻm cách trường này khoảng 100m. Ở đó, các em được ăn trưa, ngủ và ôn bài rồi chờ cha mẹ đến đón vào 17h chiều. Cá biệt có học sinh học yếu kém thì được phụ đạo tới 19h cha mẹ tới rước. Với mức học phí từ 600.000 – 650.000đ. Có PH chấp nhận gửi con với học phí từ 730.000đ tới 800.000đ/tháng bao gồm cả tiền ăn, tiền học thêm, tiền phụ đạo và gửi cả ngày thứ 7.

Anh Trần Văn Sang, làm nghề lái xe ôm ngay trước cổng Trường Tiểu học An Hội Gò Vấp có con gửi ở một điểm bán trú như trên cho biết: “Vì hoàn cảnh vợ làm may ở xí nghiệp bận rộn làm ca kíp. Nghề chạy xe ôm giờ giấc cũng “bất tử” nên nghe nói có hình thức trường tư thục nhận giữ trẻ tiểu học như vậy là mừng lắm! Vì hết giờ học con về nhà không có người trông nom thì làm sao yên tâm đi làm?”.

Anh Sang cho biết “lịch” hoạt động gửi con, đưa rước tại các lớp bán trú “vệ tinh” này như sau: 6h30 sáng đưa con tới lớp tại Trường An Hội bình thường. Trưa trường sẽ cho xe tới rước về cho các cháu ăn, học, nghỉ ngơi tại đây với 5 bảo mẫu và 1 cô giáo dạy kiến thức. Kết thúc lúc 18h chiều. Các cháu sẽ được giáo viên phụ trách hướng dẫn làm bài tập về nhà.

Theo lời anh Sang: Các cô ở trường tư thục cho biết, chương trình học ở đây đảm bảo là chương trình “xịn” vì đều do phối hợp với giáo viên từ trong trường công chính thống nên các PH không lo ngại. Và vì thế mà có khá nhiều PH đã hoàn toàn “phó mặc” gửi con vào học tiểu học tại các cơ sở này từ sáng tới tối luôn.

Học sinh bán trú “vệ tinh” được xe đưa rước về cơ sở sau giờ học buổi sáng (ảnh chụp trước cổng Trường Tiểu học An Hội - Gò Vấp trưa 17/2).

Theo lời chỉ dẫn của anh Sang, chúng tôi tìm được địa chỉ số 61/4B đường Phạm Văn Chiêu – Gò Vấp mà theo “quảng bá” là một “nhóm trẻ gia đình” khá tốt. Bảng hiệu ngoài cửa cho biết nhận giữ trẻ từ 4 tới 10 tuổi. Trong khuôn viên khá chật chội có chừng 10 cháu học sinh trong độ tuổi từ  6 – 8 tuổi đang ngồi ăn cơm trưa bên trong sân nhà. Số còn lại đang nằm ngủ ở các dãy phòng kế bên, để chờ đến 13h các cô sẽ rước đến trường. Ông Đức – chủ nhóm trẻ này thành thực: Cơ sở ra đời khi Trường Tiểu học An Hội không còn tổ chức bán trú nữa. Nhu cầu được gửi con bán trú của phụ huynh quá đông nên tôi cùng 1 cô giáo đã về hưu mở ra để giúp phụ huynh thôi!

Không giấy phép!

Tìm hiểu thêm được biết, các điểm bán trú như trên đã xuất hiện chừng 1 năm tại các địa bàn quận Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú. Và ngày càng nhiều hơn khi đầu năm 2011 do số chỗ học bán trú cấp tiểu học, mầm non thuộc nhiều khu vực không đáp ứng đủ. Sau khi nhiều trường “xoá” bán trú, các PH có nhu cầu gửi con học 2 buổi tá hỏa tìm nơi gửi con. Hy vọng sau khi trẻ tan trường về tới các địa điểm này đã được phục vụ cơm nước. Buổi tối rước con về sẽ an tâm vì toàn bộ bài tập trên lớp đã được chuẩn bị xong. Tuy nhiên cũng có không ít PH khi được chúng tôi “gợi mở” thêm đã thành thực: Công nhận rằng về cơ sở vật chất là chật chội và chắc chắn vấn đề ăn uống, vệ sinh khó có thể đảm bảo nhưng “bí quá, để có điều kiện đi làm được hàng ngày phải chấp nhận gửi con thôi”.

Tham quan tại nhiều cơ sở bán trú này cho thấy hầu hết để đảm bảo được hoạt động, thường các cô phải sắp xếp những HS buổi sáng cũng chuẩn bị đến trường phải nhường chỗ cho lớp buổi chiều ngủ. Bếp núc đều trong “qui mô” gia đình. Nguy cơ mất ATVSTP, cháy nổ  là rất lớn. Học phí của mỗi em tại các cơ sở bán trú “vệ tinh” như trên tuỳ theo điều kiện CSVC, theo “thỏa thuận” và nhu cầu giờ gửi của PH.

Được biết từ 2004 tới nay, việc xây dựng trường lớp mới ở quận Gò Vấp rất chậm. 5 năm mới xây thêm được 6 trường. Trong 5 năm qua sĩ số bình quân một lớp tiểu học ở Gò Vấp từ 43,3 học sinh đã lên đến 45,6 học sinh. Thậm chí sĩ số bình quân ở mức trên 50 học sinh như Tiểu học An Hội.

Trao đổi với bà Đỗ Thị Hoa, Phó Phòng Giáo dục Gò Vấp cho hay: Tiểu học An Hội phải “xóa” bán trú do học sinh quá đông. Tình trạng lớp bán trú “vệ tinh” xuất hiện Phòng Giáo dục biết. Nhưng để xử lý thì đều lúng túng vì “lục tung” các văn bản của Bộ GD&ĐT cũng như của Sở GD&ĐT không có thông tư hướng dẫn nào về việc quản lý cũng như các điều lệ dành cho các lớp bán trú ngoài trường học…

Sáng 6/2, Phòng Giáo dục quận đã cử đoàn chuyên viên xuống kiểm tra mới điều tra được vài cơ sở cho thấy chất lượng vệ sinh không thể đảm bảo. Tất cả là hoạt động không phép. Tự quảng cáo có hợp tác với giáo viên trong trường công. Chúng tôi đã đề đạt lên UBND quận và sẽ tổ chức họp về vấn đề này trong tuần điều tra chính xác số các cơ sở và cùng UBND quận phối hợp đưa ra giải pháp tốt nhất.

Huyền Nga
.
.
.