TP HCM: Vì sao sà lan dễ đội cầu Bình Lợi?

Thứ Năm, 29/04/2010, 11:14
Ba cây cầu Bình Lợi 1, 2, 3 đang trong quá trình khởi công tại ngay khu vực cầu Bình Lợi cũ. Trong đó, cầu Bình Lợi 3 được thiết kế dùng cho đường sắt Bắc - Nam thay thế cho cây cầu đường sắt Bình Lợi có trên 100 năm tuổi và trong thời gian qua liên tục bị sà lan "đội" gây ảnh hưởng đến tuyến đường sắt huyết mạch qua cầu.

Trong khi chờ cầu mới, cầu đường sắt Bình Lợi cũ vẫn phải "oằn mình" gồng gánh hàng chục lượt tàu Bắc - Nam mỗi ngày nhưng nguy cơ bị sà lan đội vẫn chưa chấm dứt. Đâu là nguyên nhân?

Ông Nguyễn Văn Chúc, người trông coi số phao phân luồng trên sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Bình Triệu về cầu Bình Lợi) gắn bó với cây cầu hơn 30 năm nay cho biết, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ sà lan đội cầu trong thời gian gần đây. Điều quan trọng nhất là khoang thông thuyền của cầu không còn phù hợp với tình hình giao thông hiện nay. Vài chục năm trước, các phương tiện qua lại gầm cầu chỉ là loại phương tiện nhỏ vài chục đến 100 tấn thì nay, lượng tàu, ghe, sà lan "chui" qua gầm cầu có chiếc lên đến hơn 1.000 tấn và lưu thông liên tục.

Mặt khác, do biến đổi khí hậu, triều cường mỗi năm một cao, nên khoang thông thuyền cầu Bình Lợi ngày càng bị co hẹp về chiều cao. Sông Sài Gòn (đổ từ thượng nguồn về hạ nguồn) sau khi qua cầu Sài Gòn bị "chẻ" làm đôi bởi bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) sau đó quy tụ lại tạo thành một nguồn nước xoáy ngầm ngay khu vực cầu Bình Lợi.

Nhiều phương tiện thủy mà tài công chỉ một vài lần lưu thông qua khu vực cầu này sẽ không nắm bắt được dòng chảy nên dễ dàng bị dội ngược lại sau khi cố gắng vượt qua gầm cầu khi triều cường dâng.

"Nhiều phương tiện phải chờ khi nước rút mới dám qua cầu, có một số tài công dù biết nước đang lên vẫn cố "lì" đưa tàu vượt qua, thế là kẹt lại cầu. Nhiều tài công gặp sự cố, hoảng hốt cố nổ máy cho tàu, xà lan chạy qua nhưng càng "tăng ga" càng kẹt nghiêm trọng" - ông Chúc giải thích.

Độ tĩnh không của cầu Bình Lợi thấp nhất so với các cây cầu trên địa bàn TP HCM nên thường xuyên bị sà lan "đội".

Theo Đại tá Trần Văn Xinh - Trưởng phòng CSGT đường thủy - CATP cho biết, những vụ sà lan đội cầu Bình Lợi thời gian qua cho thấy, mặc dù Sở GTVT đã đặt nhiều biển báo độ tĩnh không của các cây cầu nhưng người điều khiển phương tiện khi lưu thông qua cầu vẫn không quan sát biển báo độ tĩnh không của cầu, hoặc có quan sát nhưng chủ quan không tính được độ chính xác khi cho sà lan chạy qua.

Trong khi đó, cầu Bình Lợi là cây cầu có độ tĩnh không thấp nhất trong tất cả cây cầu trên địa bàn TP HCM. Tại cầu Bình Lợi, thủy triều lên rất nhanh nên các tài công thiếu kinh nghiệm sẽ khó xoay xở trước tình huống này. Về phía CSGT đường thủy, đầu năm 2009 đã gửi văn bản kiến nghị lên Ban ATGT thành phố yêu cầu Công ty Đường sắt Sài Gòn (đơn vị quản lý đường sắt cầu Bình Lợi) thành lập đội cứu hộ cầu Bình Lợi nhưng cho đến nay vẫn chưa thành lập.

Trong khi chờ các cây cầu Bình Lợi mới thay thế, cầu đường sắt Bình Lợi vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị sà lan, tàu thuyền lưu thông trên tuyến sông Sài Gòn gây nguy hại… Đặc biệt là những sự cố sà lan "đội cầu" như nước triều dâng

Minh Đức
.
.
.