TP HCM: Tràn lan hoá chất độc hại

Thứ Bảy, 09/09/2006, 08:32

Trong tháng 8, QLTT TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 27 tấn hoá chất không có hoá đơn chứng từ; 17 tấn và 90 chai hoá chất ngoại nhập không kèm nhãn phụ tiếng Việt; 160kg hoá chất dạng vảy, dạng bột và 25 lít hoá chất dạng lỏng không nhãn hiệu; 90 bao hoá chất Anhy Drous, Soddium Denon đã hết hạn sử dụng…

Ngày 2/8, Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hồ Chí Minh kiểm tra tại Công ty TNHH TM Duy Liêm  (chi nhánh tại 31 Vạn Tượng, phường 13, quận 5), phát hiện tại đây có chứa 32 gói đường hiệu JangJing, 25 chai Ammonia Water (500ml/chai) do Trung Quốc sản xuất, 17 bao hoá chất dạng bột (không hiệu, không xuất xứ), 27 chai Amoni Amonium Thiocyannate (loại 500gr/chai), 10 cây hoá chất dạng vẩy, 6 cây dạng bột và 25 lít hoá chất dạng lỏng không có nhãn hiệu và không có xuất xứ.

Tại kho hàng của công ty (số 128  Gò Công, phường 13, quận 5) chứa 50 mặt hàng, trong đó có 13 mặt hàng không có chứng từ tổng cộng 5.010kg; Cũng tại cửa hàng của công ty (số145 Gò Công, phường 13, quận 5) có 145 mặt hàng hoá chất các loại, trong đó có 84 mặt hàng không có hoá đơn chứng từ với số lượng 22.545kg; ngoài ra, còn có một số chất phụ gia thực phẩm không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Theo đoàn kiểm tra, qua kiểm tra ban đầu thì trong số đó có nhiều loại hoá chất có nồng độ mạnh dễ gây cháy nổ, nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Ngày 15/8, QLTT TP Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra, phát hiện một "hệ thống" kho chứa hoá chất có số lượng rất lớn tại số 481, Ba Đình, phường 9, quận 8, của nhiều công ty như Công ty Lê Thanh 55.353kg, Đắc Lợi 33.464kg và 32 lít dầu bóng, Đông Bắc 24.865kg, Tân Thiên Tường 14.610kg, Hoàng Hưng Long 4.245kg… Các loại hoá chất trên là hàng ngoại nhập và vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hoá.

Loạn thị trường hóa chất...

Trong khi nhiều kho chứa hoá chất đã bị cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện sai phạm thì ngoài thị trường, các loại hoá chất vẫn được bày bán tràn lan, có cả những loại cực độc nằm trong danh mục cấm.

Hiện nay, nhiều điểm kinh doanh cà phê đã sử dụng chất tạo bọt xà bông dùng để làm chất tạo bọt cho cà phê. Theo các chuyên gia y tế, chất tạo bọt mà một số cửa hàng tẩm vào cà phê là Lauryl Sunfate, chất này không được sử dụng trong thực phẩm. Nếu sử dụng lâu dài thì người sử dụng sẽ bị mắc một số bệnh gây tổn hại đường ruột, gan và có thể gây ung thư.

Thực tế cho thấy, trên thị trường không chỉ có chất tạo bọt cho cà phê, mà còn nhan nhản các loại hương tẩm độc hại như: cà phê Pháp, cà phê Đức, cà phê chồn, cà phê Môka... Kể cả các loại thực phẩm, thức uống, các loại hoá mỹ phẩm... những loại nào có mặt trên thị trường thì đều có các loại bột màu, hương liệu… tương ứng phụ trợ như: hương bạc hà, hương xá xị, hương đào, hương dâu, táo, nho, lê... Những loại này có bán ở các tiệm tạp hoá, cửa hàng đến các chợ hoá chất rất đa dạng.

Nhưng trên thực tế, các loại hoá chất kinh doanh phần lớn vi phạm rất nghiêm trọng, nhất là vi phạm về quy chế ghi nhãn hàng hoá và không đảm bảo vấn đề vệ sinh. Trong khi đây là mặt hàng nếu sử dụng không cẩn thận sẽ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Trước thực trạng hoá chất độc hại đang tàng trữ và bày bán tràn lan như vậy, để quản lý mặt hàng hoá chất, UBND TP chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức các đợt kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh hoá chất, cơ sở sản xuất và sử dụng hoá chất…

Kết quả kiểm tra trong thời gian qua cho thấy, tình trạng vi phạm và lạm dụng hoá chất trong kinh doanh, chế biến các loại thực phẩm, đồ uống… vẫn còn khá phổ biến. Vì vậy, các ngành chức năng cần xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để ngăn chặn tình trạng tái phạm

T.H.
.
.
.