TP HCM: Sự thật về nhóm người giả mạo phóng viên truyền hình

Thứ Hai, 13/03/2006, 06:47
Sau khi tiến hành làm việc với Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh và đối chiếu với tài liệu điều tra xác minh, cơ quan điều tra Công an quận 1 đã đi đến kết luận: Không đủ cơ sở để kết luận nhóm "nhà báo" này vi phạm Luật Hình sự. Vì thế, Công an quận 1 đã đề nghị xử lý về mặt hành chính (phạt tiền) đối với nhóm "nhà báo" này.

Chiều 9/3, từ nguồn tin của Công ty Bảo vệ Thăng Long, Công an quận 1, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành tạm giữ 3 người, nghi là giả danh phóng viên, biên tập viên Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV), khi nhóm người này đang chuẩn bị thực hiện một số cảnh quay quảng cáo cho Công ty Bảo vệ Thăng Long. Cơ quan điều tra cũng tiến hành khám xét một số địa điểm là nơi ở và nơi làm việc của nhóm "nhà báo" này và tạm giữ một số phương tiện như máy quay phim, xe ôtô và nhiều tài liệu khác dùng để hành nghề.

Tuy nhiên, sau khi mở rộng điều tra và làm việc với 12 thành viên trong nhóm "nhà báo" này do Nguyễn Thị Phương Dung, 24 tuổi, quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam và Nguyễn Trọng Phương (30 tuổi) làm trưởng nhóm cùng các thành viên khác như Nguyễn Ngọc Tuấn, Trương Lê Thanh Châu, Trần Văn Tùng, Trần Công Thành… thì hầu hết những người này đều cho rằng họ bị oan.

Sau khi tiến hành làm việc với Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh và đối chiếu với tài liệu điều tra xác minh, cơ quan điều tra Công an quận 1 đã đi đến kết luận: Không đủ cơ sở để kết luận nhóm "nhà báo" này vi phạm Luật Hình sự. Vì thế, Công an quận 1 đã đề nghị xử lý về mặt hành chính (phạt tiền) đối với nhóm "nhà báo" này.

Chiều 13/3, trao đổi với Ban chỉ huy Công an quận 1, các đồng chí cho biết, lý do để ra quyết định trên là: Thời gian qua, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh có một số chương trình quảng cáo miễn phí cho các doanh nghiệp. Để có nội dung phát sóng, ngoài việc các doanh nghiệp tự thực hiện nội dung rồi gửi tới đài truyền hình thì nguồn thứ hai là biên tập viên tự lo liệu tìm nguồn để phát sóng.

Vì thế, nhóm "nhà báo" dởm này có đất để "sống". Một lý do khác là những đơn vị mà nhóm "nhà báo" này hợp đồng quay quảng cáo thì phần lớn đều đã được thực hiện và phát sóng trên truyền hình đúng theo hợp đồng. Về tiền thù lao hai bên cũng thỏa thuận, không có dấu hiệu ép buộc… Một lý do duy nhất để xử lý nhóm "nhà báo" này về mặt hành chính là vì hình thức "kinh doanh trái phép". Nghĩa là nhóm "nhà báo" này không có giấy phép hành nghề.

Vẫn còn đất cho những nhà báo dởm?

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tối 10/3, trên kênh truyền hình HTV9, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh đã đưa tin, đây là một nhóm mạo danh nhà báo nhằm lừa đảo các công ty. Còn phóng viên và biên tập viên Đài truyền hình TP.HCM khi đi làm việc đều có thẻ nhà báo và giấy giới thiệu, các trường hợp khác đều là giả mạo. Như vậy thì rõ ràng nhóm "nhà báo" này là dởm 100%. Tuy nhiên, theo những gì đã xảy ra thì các đài truyền hình vẫn còn một kẽ hở để các biên tập viên sử dụng cộng tác viên theo kiểu những "nhà báo" nói trên.

Theo chúng tôi được biết, thì nhóm "nhà báo" này đã lợi dụng kẽ hở của một số đài truyền hình để đi "ép" nhiều đơn vị, doanh nghiệp thực hiện hợp đồng quảng cáo. Nhóm "nhà báo" này đã từng đến Công ty TNHH Tôgi ở quận Phú Nhuận để thực hiện quay quảng cáo, nhưng vừa đến nơi đã bị nghi ngờ là nhà báo dởm nên họ đã tìm cách chuồn êm và sau đó không dám quay lại thực hiện hợp đồng. Nhóm "nhà báo" này còn nhiều lần gọi điện thoại đến Công ty TNHH Tân Hoàng Tuấn tự xưng là Ban chuyên đề Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh và "ép" đơn vị này thực hiện hợp đồng quay phim đưa tin giới thiệu về công ty.

Sau khi thực hiện xong, nhóm "nhà báo" này tiếp tục đề nghị công ty ký hợp đồng làm phim tư liệu giới thiệu về công ty. Sau khi ứng một số tiền thì không thấy nhóm "nhà báo" này tới thực hiện. Gần đây, hay tin một hợp tác xã bốc xếp ở quận 2, TP.HCM đón Huân chương Lao động, nhóm "nhà báo" này đã cho người xuống xưng là phóng viên Đài truyền hình tỉnh Bình Dương xin được đưa tin. Sau khi được sự đồng ý của đơn vị, nhóm đã cử người đến quay cảnh công nhân lao động bốc xếp tại hiện trường. Hôm sau đơn vị làm lễ đón nhận Huân chương thì chẳng thấy phóng viên truyền hình tới. Đến khi liên hoan, nhóm "nhà báo" này mới xuất hiện và… đòi tiền bồi dưỡng.

Ngoài ra, một số công ty khác như Công ty Cổ phần Đầu tư  xây dựng Tân Bình, Công ty May Phương Đông, Công ty Trà Tiến Đạt, Công ty Sơn Duy Hoàng cũng bị nhóm "nhà báo" này đến đặt vấn đề quay phim và ứng tiền bồi dưỡng… Cũng theo chúng tôi được biết, thì nhiều hợp đồng của nhóm này đã được các đài truyền hình phát sóng, vì thế chúng càng có bảo bối để đi lòe các doanh nghiệp rằng, chúng là phóng viên, biên tập viên ở đài này đài nọ "ép" các đơn vị này để chúng thực hiện việc quay phim quảng cáo thu lợi. Rõ ràng họ là những nhà báo dởm, nhưng rất tiếc, lời nói hù dọa hoặc quảng cáo miệng này chỉ thể hiện trên điện thoại nên cơ quan điều tra không thể lấy đó làm chứng cứ để khởi tố về mặt hình sự nhóm "nhà báo" dởm này

Thanh Hải - Ngọc Tỷ
.
.
.