TP HCM: Phiền toái vì cách đặt tên đường, cấp số nhà

Thứ Hai, 20/12/2010, 15:30

Dù vấn đề chỉnh trang tên đường, số nhà đã được TP Hồ Chí Minh cho áp dụng từ cách đây hơn 10 năm, nhưng cho tới thời điểm này, việc đặt tên đường, số nhà trên địa bàn vẫn hết sức rối và khó hiểu. Đặc biệt là tình trạng "số hóa" tên đường tại nhiều quận ven những năm gần đây đã gây không ít phiền toái tới cuộc sống của người dân.

Phải "số hóa" do thiếu tên đường

Theo quy định về tiêu chuẩn đặt tên đường, một đoạn đường có chiều dài tối thiểu 200m và lộ giới ít nhất 12m là đã phải đặt tên thì hiện trên địa bàn TP HCM có tới hàng ngàn con đường mới được mở, chủ yếu từ đường chính vào các khu dân cư hoặc đường nội bộ trong các dự án cần đặt tên. Tuy nhiên, chỉ tới khi quỹ tên đường của thành phố đã cạn, còn lại con số ít ỏi khoảng100 tên, Hội đồng đặt tên đường thành phố mới quyết định chọn ra hơn 200 tên đường nữa để thẩm định về mặt khoa học, mỹ thuật rồi bổ sung vào quỹ tên đường.

Thực trạng kho tên đường thiếu trầm trọng như vậy đã khiến các quận, huyện phải "số hóa" hàng loạt các tuyến đường, kể cả những tuyến phụ nối ngang ra các trục đường chính. Mặt khác, những năm gần đây việc duyệt quy hoạch chi tiết các khu dân cư được thành phố giao về cho các quận, huyện lập đồ án quy hoạch nên mỗi quận có một ký hiệu riêng về thửa đất và sau đó thường "bê nguyên xi" vào việc cấp số nhà. Thực trạng này càng khiến số nhà ở các địa phương thêm rối.

Ghi thêm cả số cũ trên biển số nhà để tránh nhầm lẫn.

Chị Trang, một người dân tỉnh khác mới chuyển vào sinh sống tại TP HCM kể, một lần tôi được gia đình ở quê nhờ liên lạc với người quen cũ ở một địa chỉ trên đường Hoàng Hoa Thám nhưng người cho địa chỉ lại không nhớ rõ ở quận nào. Cứ nghĩ sẽ dễ tìm, tôi hỏi được anh xe ôm chỉ xuống đường Hoàng Hoa Thám ở khu vực quận Tân Bình. Chạy tới chạy lui tìm không ra, điện thoại không biết số, hỏi tiếp thì được người đi đường cho biết ở quận Bình Thạnh cũng có đường Hoàng Hoa Thám, tất tả chạy ngược lên quận Bình Thạnh, tìm đúng địa chỉ cần tìm thì đã hết buổi sáng.

Còn ông Bảy, một người dân ở quận Gò Vấp phản ánh: Trên các loại giấy tờ liên quan đến thửa đất, căn nhà của gia đình tôi như giấy phép xây dựng, bản vẽ hoàn công… đều ghi rành rành là đường Lê Đức Thọ. Từ trước tới nay người dân ở khu vực này cũng quen gọi khu vực mình ở là đường Lê Đức Thọ, nhưng đùng một cái, tới khi xin cấp số nhà, UBND quận Gò Vấp đổi thành "Đường số 58". Việc này báo hại chút xíu nữa tôi phải quay về Công an nơi thường trú cũ làm lại phiếu chuyển hộ khẩu về quận Gò Vấp. Bởi trên phiếu chuyển ghi theo địa chỉ cũ là đường Lê Đức Thọ chứ không phải "Đường số 58". May mà tôi được cán bộ hướng dẫn nhận hồ sơ với yêu cầu viết lại bản khai nhân khẩu, chỉ thêm dòng chữ "Nay là đường số 58" phía sau tên đường cũ.

Phiền toái từ số nhà mặt tiền có "xiệc"

Dù đơn thuần chỉ là cái tên đường, số nhà, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Một điều thường thấy tại những khu vực, tuyến đường đã được điều chỉnh số nhà, tên đường, người dân thường để thêm câu "số cũ…; đường cũ…" phía dưới biển số nhà để tránh nhầm lẫn. Nhưng thực trạng cấp số nhà lung tung chưa được chỉnh sửa đã nảy sinh không ít phiền toái.

Ông Phước, một người dân ở đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp phản ánh, 2 tuyến đường chạy gần song song với nhau, một bên là Lê Đức Thọ, bên kia là Nguyễn Văn Thọ nên nhiều bạn hàng của tôi đã nhầm lẫn 2 tuyến này. Từ đường Lê Đức Thọ, một tuyến giao thông chính liên quận, vào tới nhà ông Bảy chỉ chừng 700 - 800m, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, số nhà của ông dù là mặt tiền đường nội bộ trong một dự án khu dân cư mới phát triển đã có tới 3 cái "xiệc". Trong đó, số đầu tiên ghi trên bảng số nhà đã có 4 chữ số và tổng cộng, dãy số trên biển số nhà của ông Bảy có tới 9 con số, ấy là chưa kể 3 ký tự gạch sổ nghiêng để phân định từng "xiệc" sau mỗi lần cua quẹo vào hẻm.

Tên một tuyến đường đã được "số hóa".

Anh Hiền, nhân viên giao hàng cho một cửa hàng bán mỹ phẩm ở Quận 1 kể lại "tai nạn" khiến anh vừa bị chủ đuổi việc cũng từ chuyện cái số nhà mà mặt buồn rười rượi: Lãnh trách nhiệm giao quà cho khách hàng tại một địa chỉ có số nhà "xiệc" trên đường Quang Trung. Cứ nghĩ đơn giản là nhà một "xiệc" thì số đầu phải là số hẻm, số sau mới là số nhà nên tôi "dông" thẳng vào đúng con hẻm có số nhà như vậy để giao hàng. Chủ nhà đi vắng, dù chỉ có người giúp việc ra nhận gói quà nhưng tôi vẫn yên tâm trao rồi ra về vì quà đã tới địa chỉ cần tới. Nào ngờ ngày hôm sau ông khách mua quà bữa trước để tặng sinh nhật bạn nhưng quà không tới tay đúng ngày sinh nhật quay lại cửa hàng "quậy tưng" rồi bỏ đi. Báo hại tôi bị bà chủ chửi cho một chặp rồi cho nghỉ việc… Cuối câu chuyện anh Hiền thú thực với chúng tôi, dù ở thành phố gần cả năm nay, đường sá đi lại với anh vẫn rối như mạng nhện, không thể nhớ được nhiều.

Nhằm giúp người dân hiểu hơn về tên nhân vật, sự kiện được mang đặt cho các tuyến đường phố chính, cách đây chưa lâu, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã cho treo hàng ngàn băng rôn có phần trích giới thiệu sơ lược về nhân vật, sự kiện đó. Qua việc này cũng giúp người dân, nhất là người dân nhập cư nhớ tên đường hơn. Cho tới nay, khi dân số thành phố đã tăng gấp cả chục lần so với những năm đầu thế kỷ XX, cách giao lộ vài chục mét đã khó có thể nhìn rõ tên đường do bị người, phương tiện lù lù phía trước che khuất. Nhưng hiện tại, những tấm biển chỉ dẫn tên đường vẫn chỉ được làm theo quy cách nhỏ xíu cách đây cả trăm năm thì dù có theo quy chuẩn quốc gia hay quốc tế cũng đã trở nên quá lạc hậu.

Đức Thắng
.
.
.