TP HCM: Nhiều băn khoăn về việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa

Thứ Tư, 05/01/2011, 14:45
Những người có thân nhân được an táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa mà chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ sự đồng tình với quyết định giải tỏa, di dời nghĩa trang của thành phố. Điều mà bà con mong muốn là các cơ quan chức năng cần sớm có lộ trình di dời, giải tỏa cũng như đưa ra mức hỗ trợ di dời cụ thể, địa điểm an táng mới… để bà con chủ động di dời mộ phần.

"Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, việc bỏ ra mấy triệu đồng để bốc cốt cụ thân sinh là số tiền lớn. Thế nên khi hay tin thành phố có lệnh giải tỏa nghĩa trang, tôi liền tới Ban quản lý hỏi thăm chế độ, chính sách hỗ trợ việc di dời mộ và nhận được cú lắc đầu từ người phụ trách. Nếu biết được cụ thể chính sách hỗ trợ di dời, tôi sẽ sớm cải táng mộ trả đất cho Nhà nước. Đằng này do thông tin mập mờ nên tôi chẳng biết phải tính sao và phải chờ đến bao giờ!".

Đây là tâm tình và cũng là mong mỏi của bà Hồ Thị Sáu, hiện ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12.

Bà Sáu cho biết, khoảng tháng 6/2008, vì hoàn cảnh gia đình nên bà quyết định rời TP HCM về sinh sống với người con trai duy nhất ở tỉnh Gia Lai. "Thời điểm ấy qua báo đài, tivi, tôi biết được thông tin UBND thành phố lệnh cho các cơ quan, ban, ngành lên phương án di dời toàn bộ mồ mả tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa" - bà Sáu kể chuyện trong tiếng thở dài: "Lúc ấy tôi lo lắm bởi ông nhà tôi đang nằm tại Nghĩa trang Thanh Hóa (một trong nhiều nghĩa trang nhỏ hợp thành Nghĩa trang Bình Hưng Hòa). Sợ rằng khi về ở Gia Lai sẽ không nắm rõ thông tin nên biết đâu mộ ông nhà sẽ bị bốc cốt đưa đi đâu không rõ nên tôi nán lại TP HCM, quyết sẽ bốc cốt ổng đưa đi cùng".

Do không đủ điều kiện bỏ mấy triệu đồng thuê người ta bốc mộ nên bà Sáu tìm đến Văn phòng Ban quản lý nghĩa trang Bình Hưng Hòa hỏi thăm chế độ hỗ trợ việc di dời mộ. Tại đây người của Ban quản lý cho biết chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể nên chưa thể trả lời.

"Đang lúc tiến thoái lưỡng nan thì tôi nhận được thông tin thành phố tạm hoãn việc giải tỏa nên an tâm về Gia Lai sinh sống với con. Ai dè mới đây biết nghĩa trang sắp được giải tỏa, tôi lo quá liền khăn gói lên thành phố tìm đến Ban quản lý hỏi thăm thì nhận câu trả lời tương tự 2 năm trước". Dứt lời, bà Sáu chép miệng thở dài: "Hổng biết lần này lệnh di dời có thiệt hay không. Chứ kéo dài theo kiểu nay ban lệnh giải tỏa, mai cho ngưng vầy tôi ngán quá".

Bà Sáu mong được hỗ trợ kinh phí để bốc hài cốt người thân.

Tâm tình của bà Sáu cũng là trăn trở, băn khoăn của nhiều người có thân nhân được an táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Trước văn phòng Ban quản lý Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, bà Hồ Thị Nga, ngụ phường 14, quận 8, cho biết bà chờ cái ngày được hỗ trợ bốc cốt cho 4 người thân đang được an nghỉ tại đây đặng dời về nghĩa trang họ tộc ở Long An hơn 5 năm qua nhưng "chờ dài cổ" vẫn chưa biết khi nào được ý toại.

"Từ năm 2005, trước nạn ô nhiễm không khí lẫn nguồn nước do nghĩa trang quá tải nên thành phố có chủ trương đóng cửa, tiến tới di dời nghĩa trang nhưng sau đó vì nhiều lý do, kế hoạch di dời tạm hoãn. Đến năm 2008, lệnh di dời nghĩa trang được ban ra và lại tạm hoãn. Mới đây chủ trương di dời được thông báo rộng rãi nhưng khi tôi đến Văn phòng Ban quản lý hỏi việc hỗ trợ di dời, ông Trưởng ban Quản lý tên Hồng chỉ biết lắc đầu". Bà Nga ngao ngán cho biết: "Quá chán nản, gia đình tôi đang tính chuyện tự mình lo cho mình. Chứ cứ nấn ná, chờ đợi hoài người chết không yên mà người sống cũng quá mệt mỏi".

Nhìn chung những người có thân nhân được an táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa mà chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ sự đồng tình với quyết định giải tỏa, di dời nghĩa trang của thành phố. Điều mà bà con mong muốn là các cơ quan chức năng cần sớm có lộ trình di dời, giải tỏa cũng như đưa ra mức hỗ trợ di dời cụ thể, địa điểm an táng mới… để bà con chủ động di dời mộ phần.

"Lần nào vào nghĩa trang thăm cụ thân sinh được an táng tại đây tôi cũng rùng mìh bởi nạn con nghiện, kim tiêm lởn vởn quanh nghĩa trang. Thế nên khi biết thành phố có ý giải tỏa, biến khu nghĩa địa rộng khoảng 60ha này thành công viên, khu dân cư mới, tôi rất tán thành. Gia đình tôi sẽ sớm cải táng mộ phần trả đất cho Nhà nước nếu được hỗ trợ việc bốc cốt" - ông Từ Văn Cho, ngụ quận 12, bày tỏ.

"Tôi kiến nghị thành phố cần thông cáo cho bà con rõ địa chỉ, số điện thoại, tên cán bộ, đơn vị phụ trách việc hướng dẫn, hỗ trợ chi phí di dời để bà con tiện liên lạc. Chứ như hiện nay chúng tôi không biết đường nào mà lần. Đọc báo, nghe đài, xem tivi nghe nói rần trời chuyện di dời nghĩa trang nhưng khi đến Ban quản lý hỏi thăm thì chỉ nhận được những cú lắc đầu từ họ" - bà Trương Thị Lan, ngụ quận Phú Nhuận, đề nghị. 

Mong mỏi, đề nghị trên của người dân hoàn toàn chính đáng. Mong rằng các cơ quan chức năng được UBND thành phố giao trách nhiệm di dời, giải tỏa Nghĩa trang Bình Hưng Hòa sớm có thông tin cụ thể để bà con đến tham vấn, hỏi thăm, tránh gây mất thời gian, công sức, tiền bạc cho người dân.

Thực tế cho thấy, do thông tin di dời nghĩa trang không rõ ràng nên phát sinh thực trạng nhức nhối. Không ít đối tượng chuyên kinh doanh mồ mả đã vịn vào cớ "chưa chắc nghĩa trang di dời" đã phịa ra nhiều thông tin vô thực đặng làm "cò", ngang nhiên rao bán đất chôn cất trái luật định.          

Chưa thể trả lời!

Đem những phản ánh trên của những người có thân nhân được an táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa trao đổi với ông Trần Văn Hồng, Trưởng ban Quản lý nghĩa trang, chúng tôi được biết, chủ trương di dời nghĩa trang ông có biết nhưng kế hoạch ra sao, hỗ trợ di dời như thế nào thì ông chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể nên không thể trả lời được. Đại diện UBND quận Bình Tân, nơi "tọa lạc" Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, đơn vị được UBND TP Hồ Chí Minh giao phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Tư pháp phối hợp xây dựng dự thảo quyết định ngưng chôn cất tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, cũng có câu trả lời tương tự với lý do dự thảo đang trong quá trình xây dựng.

N.Thành Dũng
.
.
.