TP HCM: Nhiều DN tăng giá cước vận tải

Thứ Năm, 26/11/2009, 14:45
Giá xăng dầu đồng loạt tăng thêm 1 ngàn đồng/lít lần này đã vượt quá sức chịu đựng với mức cước cũ của doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, chỉ một vài ngày sau khi xăng dầu tăng giá, nhiều doanh nghiệp vận tải tại TP HCM đã phải xem xét, tính toán tới phương án tăng giá cước vận tải.

Theo ông Phan Thái Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Taxi thành phố, đến ngày 25/11 đã có khoảng 10 doanh nghiệp taxi thành viên hiệp hội triển khai phương án tăng giá cước lên mức trên dưới 500 đồng/km; nhiều doanh nghiệp còn lại cũng đang xem xét, tính toán việc tăng mức cước.

Nhưng điều mà nhiều doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Taxi lo lắng là giá thiết bị, vật tư khác phục vụ hoạt động vận tải khách công cộng bằng taxi cũng tăng theo giá xăng dầu. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe miền Đông cũng cho biết: 7 - 8 năm về trước, khi giá xăng dầu chỉ 4 - 5 ngàn đồng/lít; giá phụ tùng xe chỉ bằng 1/4 hiện nay thì giá vé xe khách liên tỉnh của nhiều tuyến cũng không thay đổi là mấy so với hiện tại.

Như vậy, lần tăng giá xăng dầu này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận tải khách liên tỉnh. Song do đang là mùa thấp điểm, khách ít; xe khách chủ yếu chạy dầu và giá dầu vẫn còn thấp hơn giá xăng 1 ngàn đồng/lít nên để cạnh tranh các doanh nghiệp vận tải khách tại bến cũng đang phải nghe ngóng, thăm dò lẫn nhau trong việc tăng giá vé.

Sau ngày xăng dầu tăng giá, khách đi xe luôn quan tâm, theo dõi giá vé. Ảnh: Đ.T..

Trong lĩnh vực vận tải hàng hoá đường bộ, ông Thái Văn Chung - Hiệp hội vận tải hàng hóa cho biết: "Trước tình hình giá xăng dầu biến động nhiều lần những tháng gần đây, để giảm rủi ro, khi ký kết hợp đồng vận tải dài hạn, các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng thường chọn điều kiện "mở" bằng quy định: Xăng dầu tăng, giảm bao nhiêu phần trăm thì giá cước vận tải cũng sẽ tăng, giảm một mức tương ứng mà 2 bên đã thỏa thuận".

Theo Giám đốc một hãng xe container thì doanh nghiệp của ông đã phải cắt giảm nhiều khoản chi phí để bù đắp cho những lần tăng giá dầu trước, hiện đang phải tính toán nâng giá cước để bù đắp chi phí. Bởi với giá dầu tăng lần này, cứ chạy 100km, doanh nghiệp phải chi phí thêm từ 30 - 50 ngàn đồng tiền dầu. Xe container, xe tải nặng chủ yếu hoạt động vận chuyển đường dài

Mỗi chuyến đi và về trên quãng đường từ 500 - 1.000km, doanh nghiệp phải chi phí thêm 300 - 500 ngàn đồng/đầu xe cho khoản nhiên liệu cũng là một chi phí đáng kể, cần phải tính toán.

Tăng giá cước vận tải sẽ khó lôi kéo khách hàng, nhưng doanh nghiệp sẽ sử dụng chất lượng phục vụ, giá trị dịch vụ tăng thêm để cạnh tranh. Điều khiến các doanh nghiệp nhỏ lo ngại nhất trong những lần xăng dầu tăng giá là việc các doanh nghiệp vận tải lớn, trường vốn dùng "chiêu" không tăng giá cước, thậm chí còn bằng hình thức này khác giảm giá cước vận chuyển để "đè" doanh nghiệp nhỏ theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé".

Vì vậy, thời điểm giá xăng dầu đã tăng quá cao như hiện nay, các hiệp hội vận tải cần thể hiện được vai trò trung gian, điều phối của mình. Làm sao vừa không để xảy ra tình trạng tăng giá cước vận tải quá mức gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, vừa bảo vệ được doanh nghiệp vận tải nhỏ

Đức Thắng
.
.
.