TP HCM: Kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm

Thứ Sáu, 20/02/2009, 16:00
Để thu hút đầu tư, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, TP HCM thực hiện thí điểm một số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng đối với dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp theo Nghị quyết 33/20008/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, thí điểm đơn giản hóa một số thủ tục như báo cáo đánh giá tác động môi trường đưa vào nội dung trong dự án đầu tư, bãi bỏ giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công nghiệp trong nước, chủ đầu tư không phải làm thủ tục xin thỏa thuận chiều cao cho từng công trình…

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Tín, TP sẽ ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư một số dự án trọng điểm về giao thông công chính của TP giai đoạn 2008-2010. Từ nay đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh cần hơn 15 tỷ USD để phát triển các dự án hạ tầng giao thông như làm đường mới.

Có nhiều dự án mang tính cấp thiết nhưng không có vốn để xây dựng và cần kêu gọi các nhà đầu tư tham gia như: Dự án đường song hành Hà Huy Giáp (dài 4km, vốn đầu tư 65 triệu USD), dự án nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 15 (dài 40km, vốn đầu tư 171,25 triệu USD), dự án đường Vườn Lài và cầu Vàm Thuật (48 triệu USD)…

TP cũng đang kêu gọi đầu tư vào các dự án cần vốn đầu tư lớn như đường vành đai 3, đường trên cao số 3, năm nút giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), các tuyến xe điện ngầm số 4, 5, 6. TP cũng cần có 9 nhà máy xử lý nước thải cùng 2 dự án quan trọng cần vốn để triển khai. Trong đó dự án tiêu thoát nước kênh Tham Lương - Bến Cát cần khoảng 800 triệu USD và hơn 500 triệu USD nữa cho việc thu gom xử lý nước thải kênh Tân Hóa - Lò Gốm…

Về cấp nước, ông Lý Chung Dân - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp thoát nước Sài Gòn cho biết, 6 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 5.850 tỷ đồng đang cần thu hút vốn để đầu tư gấp gồm: Hệ thống cấp nước sông Sài Gòn giai đoạn 2 (Nhà máy Nước Tân Hiệp 2, 1.000 tỉ đồng); mở rộng Nhà máy Nước Thủ Đức giai đoạn IV (1.650 tỉ đồng). Khu xử lý bùn Nhà máy Nước Thủ Đức (200 tỉ đồng). Sửa chữa tuyến ống nước sạch D2000 hiện hữu (200 tỉ đồng); xây dựng hệ thống chuyển tải và mạng cấp 1 giai đoạn 2010-2020 (2.820 tỉ đồng). Trong đó, các dự án xử lý bùn nhà máy nước Thủ Đức, sửa chữa tuyến cống nước sạch hiện hữu, xây dựng hệ thống chuyển tải...

Hiện TP Hồ Chí Minh đang phải nỗ lực tập trung phát triển cơ sở hạ tầng trong khi đó nguồn vốn đầu tư ngân sách rất hạn chế. Vì vậy, việc kêu gọi đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng đang là một yêu cầu cấp bách. Thành phố cũng đã cam kết là sẽ dành nhiều ưu đãi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án này.

Ông Nguyễn Viết Sê - Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Dự báo kinh tế xã hội quốc gia tại TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của TP Hồ Chí Minh hiện nay là tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư giải ngân số vốn đã cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong năm 2008, FDI cam kết vào Việt Nam lên tới trên 60 tỉ USD và TP Hồ Chí Minh lên đến trên 8 tỷ USD. Làm sao để số tiền cam kết đó được đưa vào sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và tại TP Hồ Chí Minh càng nhiều thì những tác động tích cực sẽ càng lớn thêm. Việc thành phố tạo điều kiện tốt cho giải ngân như giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thủ tục triển khai các dự án cũng sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn FDI của TP và của cả nước

K.Ngân- T.An
.
.
.