TP HCM: Gia tăng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm

Thứ Sáu, 11/09/2009, 18:17
Cùng với số trường hợp được xác định mắc cúm A/H1N1 tiếp tục tăng lên từng ngày tại TP HCM, các loại bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH), thủy đậu… đã có diễn biến phức tạp, trong đó nguyên nhân do công tác phòng chống tại nhiều nơi còn lơ là, chủ quan.

"Nếu không có các giải pháp phòng chống mang tính căn cơ rất có thể không chỉ có dịch cúm A/H1N1 mà hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm khác sẽ bùng phát", ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM nhận định như trên trong buổi làm việc với các cơ sở y tế dự phòng (YTDP) ngày 9/9.

Tử vong do sốt xuất huyết tăng 100%

Bác sỹ (BS) Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP TP HCM cho biết, trong tháng 8/2009, toàn thành phố có 1.549 ca mắc SXH. Nếu tính tổng số ca mắc SXH 8 tháng đầu năm 2009 là 7.815 ca, tăng 39% so với cùng thời kỳ 2008 (với 7.519 ca). TP HCM đã có 8 ca tử vong vì SXH từ đầu năm tới nay. Tăng 100% so với cùng thời điểm năm 2008. Số ca mắc SXH cao nhất tại các quận như: quận 1, 5, 7, 8, Bình Thạnh, Tân Bình, Củ Chi và Bình Chánh.

Trong khi đó, từ đầu năm tới nay, trong toàn thành phố cũng đã có 2.080 ca mắc bệnh TCM phải nhập viện điều trị so với năm 2008 là 2.520 ca. Riêng trong tháng 8 tuy chưa tới đỉnh dịch nhưng ghi nhận đã có 364 ca mắc bệnh phải nhập các BV Nhi đồng 1 và 2. Đã có 5 ca tử vong do bệnh TCM.

Theo ông Thọ, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do công tác chống dịch tại một số nơi chưa tốt.

Ông Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định, thông thường đỉnh dịch các bệnh truyền nhiễm diễn tiến vào mùa mưa (từ tháng 9 tới tháng 11) nhưng công tác dự phòng các địa phương qua kiểm tra còn quá chủ quan, mải lo chống dịch cúm A/H1N1 mà… quên những dịch bệnh nguy hiểm trên. Số ca mắc SXH trong TP hiện là 300 ca/tuần nhưng nếu không kiểm soát tốt dịch SXH sẽ tiếp tục tăng. Khác với trước đây, SXH chỉ xuất hiện ở trẻ em, nay số ca mắc chủ yếu trên người lớn với đặc điểm di chuyển, giao lưu thường xuyên sẽ đẩy nhanh nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Ghi nhận thực tế số ca mắc SXH đang xảy ra rầm rộ tại nhiều nơi phía Bắc.

Bỏ ngỏ công tác giám sát, không chỉ cúm A/H1N1 mà còn có thể bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Kinh nghiệm những mùa dịch trước, ông Giang cho rằng, phải kiểm soát cho được chỉ số lăng quăng tại các khu nhà trọ, khu công cộng (trường học, cơ quan, xí nghiệp…); Công tác tuyên truyền vừa phải giáo dục, thuyết phục kể cả xử phạt những trường hợp gây nên tình trạng mất vệ sinh có lăng quăng tại nơi ở, sản xuất, kinh doanh. Buộc phải làm cam kết không còn để tình trạng trên, thậm chí phê bình công bố những trường hợp vi phạm tại tổ dân phố nếu tái vi phạm nhiều lần và kèm theo xử phạt.

Giám sát "chùm ca bệnh" cúm A/H1N1: nhiều nơi còn bỏ ngỏ

Theo Sở Y tế TP HCM, dịch cúm A/H1N1 tiếp tục diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2009, trên địa bàn TP HCM đã có 916 trường hợp được xác định dương tính với cúm A/H1N1, đã có gần 1.900 ca dương tính cúm A/H1N1 tại TP HCM. Đã xuất hiện 37 "ổ dịch" tại các trường học nằm rải rác ở tất cả các quận với 417 học sinh mắc cúm A/H1N1.

Đặc biệt hiện nay tại KTX các trường ĐH sau mùa tuyển sinh, sinh viên bắt đầu nhập học và các trường phổ thông có tổ chức học nội trú. Nhưng qua kiểm tra của Sở Y tế vừa qua cho thấy các công ty, xí nghiệp, trường học còn rất lúng túng trong công tác phòng chống dịch. Trong đó lực lượng Y tế tại địa phương còn chưa nắm được các phương pháp hướng dẫn cho các cơ sở. Thậm chí còn "bỏ sót" chưa giám sát được số ca mắc tại ổ dịch.

Tại 1 xí nghiệp sản xuất hộp quẹt gas tại quận 8 có ổ dịch cúm A/H1N1 vừa qua có 500 công nhân hoạt động tại 3 phân xưởng, đa số công nhân ở nhà trọ. Nhưng khi "ổ dịch" được phát hiện, lực lượng y tế địa phương chỉ nắm được danh sách 5 ca mắc bệnh, trong khi thực tế còn 94 công nhân khác xin nghỉ vắng mặt không lý do. Theo ông Thọ, đây chính là một trong nguyên nhân dẫn tới nguy cơ lây lan dịch rất lớn trong cộng đồng.

Trong phòng chống cúm A/H1N1 tại các công ty, quan trọng là phải phát hiện sớm các ca bệnh ngay trong giờ lao động, hướng dẫn công nhân biết triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, chỉ định các trường hợp có thể tự cách ly ở nhà hoặc đi bệnh viện. Tại nơi có ổ dịch phải hướng dẫn kỹ càng việc khử khuẩn. Kiểm tra tại các công ty, xí nghiệp vừa qua rất nhiều cơ sở, công nhân thiếu cả kệ xà bông rửa tay, chưa tổ chức phòng cách ly, Cloramin B có nhưng hầu hết… chưa biết cách pha chế...

Bên cạnh đó, theo ông Lê Trường Giang, các cơ sở y tế 24 quận, huyện: "Không vì tập trung cho việc phòng chống cúm A/H1N1 mà chủ quan với 2 dịch bệnh SXH và TCM. Từ tháng 9 đến tháng 11/2009 là giai đoạn đỉnh dịch sẽ bùng phát số ca mắc. Tử vong do TCM không cao nhưng rất nguy hiểm nếu để bệnh dẫn đến biến chứng thì chỉ trong vòng 12 giờ là bệnh nhân có thể bị tử vong". Việc làm tốt các công tác vệ sinh và khử khuẩn không chỉ giúp ích cho việc phòng chống bệnh TCM, SXH mà còn có thể góp phần phòng chống đối với cúm A/H1N1, Rubella…

H.Nga
.
.
.