TP HCM: Game online vẫn náo nhiệt về đêm

Thứ Sáu, 29/10/2010, 10:08
Tối 27/10, tại 2 đại lý Internet K.G.A, Internet 15… nằm trên đường Sư Vạn Hạnh (phường 10, quận 10), đã 12h đêm nhưng hàng chục game thủ vẫn say sưa trong thế giới ảo. Nhiều game còn mặc hẳn bộ đồng phục học sinh cấp II, say sưa "cuồng sát" trong thế giới ảo. Các nhu cầu ăn uống, được chủ quán phục vụ tận tình.

Mặc dù, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã có văn bản quy định các doanh nghiệp, công ty cung cấp các loại trò chơi trực tuyến (game online) ngừng cung cấp từ 22h đến 8h sáng hôm sau. Nhưng trên thực thế, nhiều đại lý Internet, địa điểm chơi game online vẫn "lách luật" phục vụ các game thủ "thâu đêm suốt sáng".

Em Đ.T.Q.T. (15 tuổi, ngụ quận 9, học sinh Trường THPT N.H),  người đờ đẫn, nằm trên giường với đôi mắt ngây dại. Cha T buồn rầu kể lại: Cách đây mấy ngày, T. đi chơi game với bạn gần 3 giờ đồng hồ thì bị nhức đầu, choáng váng nhờ bạn chở về nhà. Sau đó, T. được người nhà đưa đi cấp cứu. T bị xuất huyết bán cầu tiểu não và được đưa về điều trị tại nhà.

Được biết, từ nhỏ T. học rất giỏi, lên cấp II học cũng khá. Từ khi biết con mê chơi game, sức khỏe, việc học của T. sa sút. Gia đình có la mắng nhưng T. vẫn không bỏ được, thường trốn nhà đi chơi game. Theo cha T., con ông xuất huyết não một phần cũng do chơi game.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tối 27/10, tại 2 đại lý Internet K.G.A, Internet 15… nằm trên đường Sư Vạn Hạnh (phường 10, quận 10), đã 12h đêm nhưng hàng chục game thủ vẫn say sưa trong thế giới ảo. Nhiều game còn mặc hẳn bộ đồng phục học sinh cấp II, say sưa "cuồng sát" trong thế giới ảo. Các nhu cầu ăn uống, được chủ quán phục vụ tận tình.

Khi chúng tôi hỏi đi chơi về khuya không sợ ba mẹ mắng sao?, Văn "lậu", một game thủ (học sinh lớp 8) cho biết: "Em xin ba mẹ qua nhà bạn làm bài, ổng bả lo làm ăn lắm nên cũng hông có để ý, mà anh hỏi làm gì?". Quá 1h sáng, nhưng các "game nhí" vẫn chưa có dấu hiệu dừng trò chơi. Mắt vẫn gí sát vào màn hình máy tính.

Rời quán game K.G.A, chúng tôi chạy thẳng ra Thủ Đức, 2h sáng nhưng dạo quanh các con đường quanh làng đại học thì còn rất nhiều quán Internet "đóng hờ" cửa để phục vụ các game thủ. Tại hội quán V.L (phường Linh Trung, quận Thủ Đức), gần 40 game thủ (chủ yếu là sinh viên) vẫn say sưa ôm máy tính.

Sau "trận chiến" ác liệt, H.L. (một game thủ) bật chương trình cho nhân vật chơi tự động. Rồi ngồi gục xuống bàn chợp mắt để lấy sức. Thỉnh thoảng, L. lại bật dậy canh chừng nhân vật của mình và nằm vật vờ xuống bàn phím máy tính. Theo H.L. thì: "Quy định đóng cửa server sau 22h thì kéo anh em qua server global (thế giới) chơi. Nên vẫn chơi thâu đêm suốt sáng được. Có ai bắt bẻ mình đâu (?)".

Dạo quanh các quán game trên địa bàn Thủ Đức, trời đã gần sáng, nhiều tiệm Internet vẫn còn mở cửa hoạt động. Chúng tôi tiếp tục ghé vào một quán game T.T (đối diện Trường ĐH KHTN - ĐHQG TP HCM), không khí vẫn đang náo nhiệt, các game thủ vẫn đang miệt mài chinh phục giấc mộng bá vương trong "thế giới ảo". Chơi game không xấu, nhưng điều đó phụ thuộc nhiều vào ý thức của từng người. Nhiều game mang tính chất giải trí đơn thuần, giảm stress khi căng thẳng nhưng vẫn không "kéo" được người chơi. Đa phần các trò chơi trực tuyến thu hút người chơi đều mang tính bạo lực "cuồng sát, hiếu chiến" có tính kích thích mạnh đối với giới trẻ.

Tác hại của game online không những làm hại sức khỏe, mất thời gian, tốn tiền mà còn là hệ quả của một lối sống "lệch lạc" đối với một bộ phận giới trẻ. Trong khi đó, rất nhiều game thủ vẫn còn mặc đồng phục học sinh, hằng đêm vẫn say sưa trong thế giới ảo

Văn Vĩnh
.
.
.