TP HCM: Bó tay trong việc thu hồi nhà đất công

Thứ Bảy, 15/01/2011, 17:30

Sau nhiều lần TP HCM cho tiến hành rà soát việc sử dụng trụ sở văn phòng làm việc, kho bãi… của các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn, cho tới nay, ngoài tình trạng kho bãi bỏ hoang hóa chậm được thu hồi, bán đấu giá tạo nguồn thu; hiện tượng nhiều cơ quan, đơn vị đem một phần trụ sở cho thuê làm nơi kinh doanh cũng chưa được xử lý triệt để.

Điều này cho thấy việc quản lý công sản tại TP HCM chưa thực sự hiệu quả cho dù chính quyền thành phố đã kịp phê duyệt phương án sử dụng nhà đất cho 8.319 cơ sở trong tổng số 10.787 địa chỉ được kê khai trên địa bàn.     

Vẫn "cắt" một phần diện tích để cho thuê

Vòng quanh khu vực hồ Con Rùa, vị trí đắc địa trung tâm thành phố nằm giáp ranh giữa quận 1 với quận 3, một phần của quán cá phê G.B nằm chắn chình ình trước mặt Công ty CP Dược phẩm 3/2, phần sân của doanh nghiệp này từ lâu cũng đã nghiễm nhiên trở thành bãi giữ xe của quán, nhưng đây cũng chỉ là chuyện cũ chưa được xử lý dứt điểm.

Thời gian gần đây, phần diện tích của Công ty Công viên cây xanh rộng cỡ 40m2 cũng vừa được cắt ra để mọc lên một quán cà phê có tên Win. Ngay trên góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng, một phần diện tích bên hông của công ty tem cũng đã có quán cà phê ăn sáng hiện diện. Phía bên kia đường, tòa nhà của Công ty CP Khách sạn hàng không sau nhiều năm bị bỏ hoang, nay được "cắt" phần phía trước ra làm trung tâm điện máy có tên "Wonder Buy".

Về tới đường Mạc Đĩnh Chi, ngay trong khuôn viên khu liên hợp cơ quan của Bộ NN&PTNT, xen với các kiốt bán giới thiệu sản phẩm thuốc thú y, thủy sản, giống cây trồng… một showroom ôtô cũng đã kịp đặt ở đây. Theo tìm hiểu của chúng tôi, với giá thuê mặt bằng tại khu vực trung tâm thành phố hiện nay, việc "cắt" bớt một phần diện tích ra cho thuê, các đơn vị sở hữu sẽ kiếm được một vài ngàn USD/tháng là chuyện không có gì phải bàn cãi.

Hiện tượng trên cho thấy, sau thời gian bị công luận đồng loạt lên tiếng phản ánh, tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị tại TP HCM đang sở hữu trụ sở làm việc tại các vị trí đắc địa tại mặt đường cắt một phần diện tích ra để cho thuê mặt bằng kinh doanh tạm lắng xuống.

Nhưng hiện nay, hiện tượng này đang có dấu hiệu tái diễn trở lại. Điều này tiếp tục phản ánh một nghịch lý là trong lúc nhiều trụ sở làm việc của các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính cho người dân như UBND cấp phường, Kho bạc Nhà nước… quá chật hẹp, cán bộ công chức hằng ngày phải làm việc trong điều kiện chật chội; người dân phải loay hoay tìm chỗ gửi xe từ ngoài cổng rồi chen chân tìm chỗ đứng chờ tới lượt làm thủ tục...

Ngược lại, những cơ quan đơn vị đã may mắn được sở hữu trụ sở tại những vị trí đắc địa, lại còn có dư thừa diện tích để "cắt" ra đem cho thuê. Nhắc tới tình trạng này trong lúc đang phải chen chân chờ làm thủ tục cấp phép kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư, một cựu chiến binh ở quận Bình Thạnh đã nói với chúng tôi: Chính quyền TP HCM cần tiếp tục có những biện pháp để kiên quyết thu hồi bớt diện tích với những cơ quan, đơn vị dư thừa đem cho thuê.

Hoặc buộc hoán đổi trụ sở theo hướng tổ chức, đơn vị nào có trụ sở ở những vị trí thuận tiện phải đổi cho những cơ quan hằng ngày có đông người tới làm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân khi có việc phải đến những cơ quan công quyền.

Nhà đất công vẫn khó thu hồi

Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố ngày 6/1 vừa qua, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tới nay thành phố đã có phương án xử lý tổng thể nhà đất công để tạo vốn cho các quận, huyện.

Tuy nhiên, theo bà Hương Lan, trong số 949 cơ sở nhà đất công được dự kiến đưa ra bán đấu giá, thì hết 9 tháng đầu năm 2010 mới chỉ bán được chừng 7% trong số này. Dù mới triển khai bán đấu giá bất động sản công được ít như vậy, nhưng số tiền thu về cho ngân sách đã đạt con số 16.469 tỷ đồng.

Kho bãi bị bỏ hoang nhưng khó thu hồi.

Báo cáo mới đây của Sở Tài chính cũng cho thấy, trong số 10.535 cơ sở nhà đất công có tổng điện tích 232 triệu m2 đang nằm trong tay các đơn vị Trung ương và TP HCM, UBND thành phố đã ra quyết định thu hồi với 207 cơ sở, tổng diện tích thu hồi đạt hơn 623.000m2. Song cho tới nay cũng mới chỉ có khoảng 140 cơ sở được thu hồi, đạt hơn một nửa diện tích đã ra quyết định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn quận 8, sau khi rà soát địa phương này đã phát hiện ra một nửa trong số 77 kho bãi được đơn vị chủ quản đem cho thuê lại hoặc bỏ trống. Sau thời gian dài được phép của thành phố cho thu hồi lấy mặt bằng xây dựng nhà tái định cư cho hàng ngàn hộ dân ven và trên kênh rạch phải giải tỏa; xây dựng công viên, trường học hoặc bán đấu giá để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng.

Quá trình thu hồi kho bãi ở vùng ven đã khó khăn vậy, ở khu vực trung tâm việc này còn khó khăn gấp bội. Danh sách được Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố báo cáo với lãnh đạo UBND cuối năm 2010 cho thấy, hàng loạt khu đất "vàng" tại quận 1 như khu đất ở địa chỉ số 8 - 12 Lê Duẩn chủ sở hữu chây ì chẳng thèm đóng tiền thuê đất; khu đất tại địa chỉ số 28 Mạc Đĩnh Chi do Công ty CP Vinacam thuê nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng lại còn cắt một phần ra để cho thuê lại; khu đất số 9 Lý Chính Thắng do Công ty Phát triển kỹ thuật thành phố thuê sử dụng, đã không nộp tiền thuê còn tự ý bố trí cho người vào ở.

Ngoài ra còn hàng loạt các địa chỉ công sản "vàng" khác như khu đất "vàng" ở số 29 Tôn Đức Thắng, do Công ty CP Điện máy thuê; khu đất số 6 Thái Văn Lung do Hãng Phim truyện Việt Nam thuê… tới nay dù đã có quyết định nhưng cũng chưa thể đòi. Rõ ràng, kỷ cương đang bị xem thường và không lẽ chính quyền thành phố cứ mãi bó tay trước tình trạng này?              

Nhưng trong nhiều văn bản gửi thành phố, ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND quận 8 đều phải báo cáo rằng quá trình thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là các kho bãi cần thu hồi đều thuộc các cơ quan, đơn vị cấp Trung ương. Muốn thu hồi, phải có ý kiến của Bộ Tài chính và bộ chủ quản của đơn vị đang sở hữu kho bãi!

Đức Thắng
.
.
.