TP HCM: “Bà hỏa” rình rập ở nhiều cửa hàng xăng dầu

Thứ Năm, 30/07/2009, 12:38

Trong số hơn 500 cây xăng trên địa bàn TP HCM, vẫn còn đến 60 cây xăng không có họng nhập kín; trên 60 cửa hàng không lắp đặt van thở gây nguy cơ mất an toàn phòng chống cháy nổ và ô nhiễm môi trường; với hơn 450 cây xăng được xây dựng sau năm 1975, chỉ có 49% số cây xăng có thiết bị điện phòng nổ và khoảng 45% có hệ thống tiếp địa…

Vụ cháy cây xăng của doanh nghiệp tư nhân tại số 101 Trường Chinh, quận 12, TP Hồ Chí Minh xảy ra ngày 9/7 vừa qua thiêu rụi 3 trụ bơm xăng và 2 xe gắn máy. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người và đám cháy được dập tắt kịp thời nên còn một lượng xăng dầu rất lớn chứa trong bồn của cây xăng này đã không phát nổ… chỉ vì một nguyên nhân hết sức đơn giản: Khách hàng đổ xăng nhưng quên tắt máy xe khiến hơi xăng bốc ra gặp tia lửa điện của bugi đã bắt lửa, bốc cháy!

Vi phạm cả về phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường

Một trong những điều kiện tiên quyết để duy trì hoạt động bán lẻ xăng dầu tại các cây xăng là vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ. Nhưng phải mất một thời gian khá dài, sau khi một công ty dầu khí công bố kết quả khảo sát: Chỉ có 22% trong số 409 cây xăng được khảo sát là có điều kiện hoạt động tốt hoặc tạm được… thì các cơ quan chuyên ngành của thành phố mới vào cuộc, tiến hành khảo sát, lập quy hoạch phát triển cho hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Cũng từ kết quả khảo sát này đã phát hiện ra rằng: Trong số hơn 500 cây xăng trên địa bàn, vẫn còn đến 60 cây xăng không có họng nhập kín; trên 60 cửa hàng không lắp đặt van thở gây nguy cơ mất an toàn phòng chống cháy nổ và ô nhiễm môi trường; với hơn 450 cây xăng được xây dựng sau năm 1975, chỉ có 49% số cây xăng có thiết bị điện phòng nổ và khoảng 45% có hệ thống tiếp địa…

Trước nguy cơ mất an toàn phòng chống cháy nổ trong hoạt động bán lẻ xăng dầu cao như vậy, chính quyền thành phố đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC khẩn trương vào cuộc, hệ thống phòng chống cháy nổ tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sau đó mới từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trong hệ thống bán lẻ xăng dầu tại thành phố ngoài những cây xăng không được phép hoạt động vẫn đang tồn tại, thì ở khu vực nội thành, nhiều cây xăng nằm sát vách nhà dân hoặc nằm lọt thỏm trong các khu dân cư; những cây xăng nằm sát giao lộ hoặc dưới đường điện cao thế… đang tiềm ẩn nguy cơ rất cao về cháy nổ.  

Một cây xăng sau khi bị "bà hỏa" thiêu rụi

Về vấn đề vệ sinh môi trường tại các cây xăng, kết quả khảo sát cũng đưa ra những con số đáng giật mình: Vẫn còn đến 57% trong số 450 cây xăng được xây dựng trong vòng 30 năm trở lại đây chưa có hệ thống thoát nước nhiễm bẩn xăng dầu; 22% cây xăng chưa có hệ thống thoát nước mưa; 18% thiếu hố gạn xăng dầu và 22 cửa hàng đang đặt tại những khu vực ngập nước… và từ đó cho tới nay, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện nhiều do mặt bằng kinh doanh tại nhiều cây xăng, nhất là trong khu vực nội thành vốn đã quá chật hẹp và vấn đề vệ sinh môi trường tại các cây xăng cũng ít được nhắc tới.

Vì sao quy hoạch bán lẻ xăng dầu thực hiện chậm?

Trước thực trạng nhiều cây xăng không đảm bảo các yếu tố cần thiết để hoạt động, chính quyền thành phố đã tiến hành phân loại, trong đó cho phép 113 cây xăng được tạm thời hoạt động đến hết năm 2010; 338 cây xăng được tồn tại sau năm 2010 nhưng phải tiến hành sửa chữa, cải tạo nâng cấp và chỉ có 45 cây xăng tồn tại sau năm 2010 có điều kiện mở rộng kinh doanh. Vậy nhưng đến nay, theo số liệu của Phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương thì còn đến 15 cây xăng, cả trong số được hoạt động tạm và được phép tồn tại sau năm 2010 vẫn chưa được cấp đổi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Để phục vụ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng 10%/năm, song song với việc buộc ngưng hoạt động đối với những cây xăng không nằm trong quy hoạch; không đủ các điều kiện cần thiết… giai đoạn 2006-2010, thành phố cũng cho phép xây dựng cây xăng mới tại 196 địa điểm nhưng sau 3 năm mới chỉ có 5 cây xăng được xây dựng. Lý do khiến việc phát triển mới cây xăng tại thành phố chậm, theo Sở Công thương thì nguyên nhân chính là do "vướng" điều kiện về diện tích đất.

Cụ thể, muốn mở mới cây xăng loại 1 phải có diện tích từ 6.000m2 đất trở lên với chiều rộng là 80m; cây xăng loại 2 là 2.400m2 với chiều rộng 60m và cây xăng loại 3 nhỏ nhất cũng phải có diện tích 600m2, chiều rộng tối thiểu 30m. Với quy định này, để có đất mở được cây xăng loại 1, ít ra cũng phải đầu tư cả chục tỷ đồng. Ở những vị trí đẹp, chi phí mua đất phải tốn cả trăm tỷ đồng bởi mở cây xăng là phải "bám" mặt đường.

Mở cây xăng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, lợi nhuận lại chỉ trông chờ vào mức hoa hồng thấp… chính là nguyên nhân khiến một số chủ cây xăng luôn toan tính việc gian lận bằng cách mua xăng dầu trôi nổi với giá rẻ về pha trộn để bán kiếm lời

Đức Thắng
.
.
.