TNGT tăng do lái xe qúa tải

Thứ Sáu, 20/03/2009, 09:21

Những vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người hầu hết là do phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, lái xe say rượu, ngủ gật và một điều không thể không nói đến, đó là sự quá tải của nhiều lái xe thuộc các công ty dịch vụ vận tải, nhất là vận tải khách du lịch khi  phải chịu sức ép quá lớn theo tua, tuyến và thời gian.

Bùng phát các tua du lịch ngắn ngày trong và ngoài nước

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2008 trên địa bàn toàn quốc đã xảy ra 11.522 vụ TNGT, làm chết 10.397 người, bị thương 7.413 người. Trong đó TNGT trên quốc lộ chiếm 46,5%, TNGT do người điều khiển ôtô chiếm 24% số vụ tai nạn. Ngay trong những tháng đầu năm 2009, ở nhiều địa phương cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Những vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người hầu hết là do phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, lái xe say rượu, ngủ gật và một điều không thể không nói đến, đó là sự quá tải của nhiều lái xe thuộc các công ty dịch vụ vận tải, nhất là vận tải khách du lịch khi  phải chịu sức ép quá lớn theo tua, tuyến và thời gian.

Sự mở rộng các hình thức và đa dạng hóa các tua du lịch là tất yếu của cuộc sống hiện đại, khẳng định sự phát triển của đời sống xã hội. Tuy nhiên, anh Nguyễn Xuân Hà, một khách hàng tham gia một tua du lịch đi Thái Lan của một công ty du lịch ở miền Trung cho biết: "Tua du lịch bằng ôtô với hành trình 5 ngày, 4 đêm đi qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) đến Thái Lan bằng đường bộ xuyên qua nước bạn Lào. Xe chạy cả đêm, hết 2 đêm hành khách phải ngủ trên xe, và như vậy chi phí cho chuyến đi tính trên mỗi hành khách là thấp nhất". Điều đó đã đẩy các công ty du lịch tận dụng tối đa sức lao động của lái xe nên đã vô tình vì lợi nhuận mà xem thường tính mạng của khách du lịch.

Chỉ cần kích chuột vào cửa sổ tìm kiếm của google trên mạng Internet dòng chữ "Du lịch bằng ôtô", ngay lập tức hàng loạt website của các công ty du lịch giới thiệu các tua du lịch trong và ngoài nước... với giá cả cạnh tranh. Nhưng không ít khách hàng, cũng có thể do túi tiền của mình đã chọn những tua du lịch giá rẻ mà không biết rằng mình không được hưởng những sự đảm bảo cần thiết kể cả sự an toàn về tính mạng.

Sự cạnh tranh khốc liệt đã buộc các công ty du lịch tối thiểu hóa mọi chi phí như: Xe chạy suốt đêm để giảm chi phí khách sạn, chạy quá tốc độ hoặc chạy gắng, chạy khoán để đến được điểm nghỉ, điểm ăn uống đã được quy định hay đặt trước. Điều đó gây ra sự mệt mỏi cho cả hành khách và quá tải của lái xe.

Cần giảm tải cho lái xe

Luật Giao thông đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, theo đó sẽ có 48 văn bản hướng dẫn thi hành (trong đó có 10 nghị định, 32 thông tư và 6 văn bản khác). Luật cũng đã quy định lái xe không được làm việc quá 10 giờ mỗi ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ đồng hồ. Để kiểm tra việc chấp hành quy định này cần phải có hệ thống "hộp đen" gắn trên mỗi xe. Điều này sẽ góp phần đáng kể hạn chế TNGT. Tuy nhiên, trước hết là ý thức, trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh vận tải, không vì chạy theo cái lợi trước mắt mà bỏ qua sự an toàn đối với khách hàng.

Cần phải có các chế tài xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm các quy định về vận tải hành khách nói chung, dịch vụ du lịch nói riêng. Nên chăng phải quy định bắt buộc đối với những xe vận tải hành khách có hành trình từ 500km trở lên thì phải có 2 lái xe.

Đối với việc đào tạo lái xe kinh doanh vận tải hành khách, cần nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, về thời lượng đào tạo và quy trình, thang điểm sát hạch. Người lái xe phải luôn ý thức được rằng, tính mạng của bao nhiêu hành khách đang phụ thuộc vào sự tỉnh táo, chấp hành các quy định về ATGT của chính bản thân mình.

Các doanh nghiệp cũng cần thấy rõ một vụ tai nạn xảy ra không những gây đau đớn cho bao nhiêu người, gây thiệt hại về tài sản mà còn làm mất uy tín, thương hiệu của chính doanh nghiệp. Rất nhiều trường hợp khi tai nạn xảy ra, lái xe đã bôi đen hoặc tháo biển số, xóa tên công ty, đơn vị kinh doanh trên xe để tránh mất uy tín của doanh nghiệp. Tại sao những đơn vị kinh doanh vận tải đó lại không dám thẳng thắn nhận trách nhiệm, để rút kinh nghiệm, để nhận được sự cảm thông, chia xẻ rủi ro của khách hàng.

Về phía các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực giao thông, cần khẩn trương rà soát, thống kê các điểm đen về TNGT để có đề xuất phương án giải quyết. Đối với những "cung đường đen", cần khẩn trương lắp đặt các hệ thống báo hiệu, nâng cấp, chỉnh nắn đường. Thậm chí, có thể quy định giới hạn thời gian không được lưu hành ở những cung đường quá nguy hiểm, cơ sở hạ tầng, hệ thống báo hiệu giao thông chưa đảm bảo và xa khu dân cư. Điều đó cần có sự chung tay góp sức của mọi cấp, mọi ngành và tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng như mọi người dân

Hồng Quân
.
.
.