Những ngày xuân trong “Ngục lửa”

Chủ Nhật, 03/02/2019, 10:19
Có lẽ, không đâu trên thế giới này, có một giai đoạn lịch sử ghi lại sự hy sinh máu xương đến hào hùng như vậy! Từ thuở vua Hùng dựng nước, trải qua hàng ngàn năm để giành và giữ độc lập, để có được hai tiếng tự do cho dân tộc, các thế hệ người yêu nước Việt Nam đã dùng máu của chính mình để viết nên những trang sử bi hùng và được lưu truyền như một chứng tích cho khát vọng hòa bình mãnh liệt ấy. Một trong số những minh chứng về tinh thần bất diệt đó chính là Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).


Ai đã từng một lần đặt chân tới nơi “Ngục lửa Hỏa Lò” chắc hẳn đều cảm nhận sự hà khắc, đọa đày nơi đây. Nhưng, ít ai hiểu được, phía sau lớp xù xì của cánh cổng sắt , nơi tưởng chừng chỉ có “khổ đau và hy sinh đó”, những tù nhân chính trị lại vui vẻ, tràn đầy lạc quan! Tết đến, xa nhà, xa gia đình vì trái tim đã gửi trọn cho cách mạng, họ vẫn tràn đầy hào sảng, làm thơ, bình văn, diễn kịch, tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần đầy sáng tạo với nhiều hình thức phong phú, sinh động. 

Lá cờ - Tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò tự tạo dùng trong đêm giao thừa, Tết Nhâm Thìn, năm 1952.

Khi Tết đến, tù nhân thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để đón Xuân và nhà tù lại trở thành nơi sáng tạo, để những tâm hồn nghệ sỹ của tù nhân bay bổng. Thật khó để nghĩ rằng, giữa “hầm tối”, bất chấp sinh hoạt đọa đầy, thiếu thốn, chế độ giam giữ hà khắc, những tù nhân chính trị lại động viên nhau học tập, làm thơ, tổ chức ngâm thơ, thi thơ. 

Năm 1933, đồng chí Trần Cung đã đạt giải Nhất với bài thơ “Tết nhà pha” trong cuộc thi thơ của Nhà tù Hỏa Lò. Bài thơ mang chất trào phúng và thể hiện thái độ khảng khái của người cộng sản:

Năm mới sang rồi, năm cũ qua,

Đời tù mới, cũ khéo phôi pha.

Nghinh tân lễ mễ khiêng ty nét,

Bái tuế lom khom bế lập là.

Mặt trái đời kia toàn mặt quỷ,

Trò chơi xuân đó thiếu trò ma.

Mùi đời nếm trải ai sành sỏi?

Có biết mùi này... mặn nhạt a?

Cụ Phạm Khắc Hòe (nhà văn, người từng giữ chức Đổng lý Ngự tiền văn phòng triều vua Bảo Đại) trong thời gian bị giam tại Hỏa Lò, đã mỉa mai chế độ nhà tù bằng những vần thơ trong bài “Ăn Tết Hỏa Lò” năm 1946:

Phú quý phong lưu nếm đủ rồi

Năm nay ăn Tết Hỏa Lò chơi

...Bạn mới bốn anh nằm bốn góc

Lính hầu hai cửa đứng hai người...

Không chỉ trở thành những “thi nhân”, tù nhân Hỏa Lò còn trở thành những “diễn viên” với nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú. Ban Văn nghệ của nhà tù thường tổ chức hát chèo, diễn kịch, thi thơ, bình thơ, dạy hát cho anh chị em tù nhân. Các vở kịch như: “Anh hà tiện”; “Tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái”; “Táo quân lên thiên đình”... thường dựa theo các câu chuyện lịch sử hoặc do các anh, chị em tù nhân tự biên soạn với nội dung tiến bộ, châm biếm những thói hư, tật xấu trong xã hội. 

Tranh vẽ: Tù chính trị  diễn kịch “Táo quân lên thiên đình” trong phòng giam Nhà tù Hỏa Lò.

Nhiều vở kịch được tù nhân dàn dựng và trình diễn ngay trong các phòng giam của nhà tù với nội dung ca ngợi cách mạng, tình yêu đất nước và ý chí chiến đấu. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi của tù nhân đã giáng một đòn mạnh về tinh thần đối với chính quyền thực dân. 

Tết năm 1944, chị em phụ nữ trong Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức diễn vở kịch thơ: “Táo quân lên thiên đình”. Để chuẩn bị cho buổi diễn, các chị đã nhờ người nhà gửi vào những vật dụng cần thiết: giấy màu các loại, giấy trang kim, hồ dán, ống giang... những thứ đó, chị em phải giấu như giấu tài liệu. Ban ngày, các chị phải lấy chăn, quần áo đè lên tránh bị lính canh phát hiện. Buổi tối, các chị em phân công nhau làm thành áo dài, mũ Táo quân và tập các đoạn thoại, đoạn thơ đọc trong vở diễn. 

Khẩu hiệu - Tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò tự tạo dùng trong đêm giao thừa, Tết Nhâm Thìn, năm 1952.

Vào tối Giao thừa, các chị em tập trung ở phòng giam lớn, số lượng đông nên nhiều chị em phải ngồi cả dưới gầm sàn, một số chị em khác phải đứng tập trung che kín ra cửa ra vào để tránh bị đầm gác phát hiện. Vở kịch với nội dung đả kích chế độ nhà tù khắc nghiệt, mượn các đoạn thơ, đoạn hội thoại để châm biếm toàn quyền Đờ-cu, vua Bảo Đại... Buổi diễn kịch đã tạo không khí vui vẻ, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho các nữ chiến sỹ cách mạng.   

Không gian của Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò các mùa trong năm luôn đặc biệt bởi màu sắc của những chiếc lá bàng, quả bàng hay hàng nghìn cánh hoa nhỏ li ti, trắng tinh và thanh khiết. Chẳng biết từ bao giờ, Bàng đã trở thành loài cây biểu tượng của nơi đây, mang trong mình những câu chuyện thấm đẫm máu và nước mắt của những người tù chính trị năm xưa.

Qua thời gian, Bàng vẫn tỏa bóng để chứng kiến những bước chuyển mình của Di tích Hỏa Lò trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Hơn một thế kỷ đã trôi qua Bàng vẫn xanh tươi, đều đặn trổ hoa, thay lá, đậu trái. Mùa hè xanh mướt, mùa thu vàng rực, mùa đông đỏ ối, mùa xuân mơn mởn. Hằng ngày, gió vẫn xào xạc trên từng vòm lá như minh chứng cho câu chuyện về tình bạn tri kỷ giữa cây bàng và những tù chính trị Hỏa Lò.

Mỗi lần Tết đến, trong ký ức của người cựu tù Hỏa Lò Tạ Quốc Bảo lại ùa về nhiều xúc cảm. Với ông, cây Bàng đã trở thành người bạn tri kỷ, chứng kiến bao kỷ niệm của ông và đồng đội. Dưới gốc Bàng, Tết năm 1944, ông và đồng đội cùng tập trung hát đồng dao, chào mừng Xuân mới và khéo léo cùng nhau cắt giấy đỏ, dán thành những bông hoa đào để gắn lên cây, để cảm thấy có không khí Tết.

Ký ức Xuân về còn ghi dấu trong những hoạt động sinh hoạt tập thể của tù nhân. Đêm Giao thừa năm Nhâm Thìn (1952), tù nhân tự làm lá cờ Tổ quốc từ chiếc chăn chiên được cấp phát khi vào tù và xé, dán một khẩu hiệu bằng vải đỏ với dòng chữ: “Mạnh khỏe, tin tưởng, chiến thắng” để tổ chức chào cờ, đón Tết. 

Ông Phan Thành Đông (cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò) đã thuật lại trong hồi ký của mình: “Vào giờ phút giao thừa trang trọng năm Nhâm Thìn đó, những người tù nhân trong nhà tù lại quây quần bên nhau bất chấp tuổi tác, trình độ, giai cấp... cùng nhau trò truyện, làm thơ, hát vang những bài ca cách mạng để vơi đi nỗi nhớ gia đình và những khó khăn, cực khổ của cuộc sống nơi chốn lao tù”.

Mỗi ngày qua đi, tích góp thành miền ký ức, và dường như mỗi lần nhắc tới, mỗi lần khẽ chạm lại là cả một miền ký ức lại ùa về. Tết đến, Xuân về, ai cũng muốn có những phút giây sum họp, đầm ấm nhưng cũng là khoảnh khắc để khi lật giở trang báo, đọc câu chuyện đón Tết của những người tù chính trị Hỏa Lò năm xưa để nhắc nhớ mỗi người: Hãy một lần nhìn lại quá khứ, nhất là quá khứ hào hùng dựng nước và giữ nước của bao thế hệ đi trước để hiểu, trân trọng và ý thức hơn về giá trị của hai tiếng “Tự do”.

Phạm Hoàng My
.
.
.