“Ðánh thức” tiềm năng du lịch của Cao Bằng hùng vĩ…

Thứ Ba, 21/01/2020, 09:27
Nằm trên địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, thác Bản Giốc được vinh danh là thác nước lớn và đẹp thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia. Ðây còn là thác nước tự nhiên lớn nhất Ðông Nam Á, được Fox News (Anh), Sputnik (Nga) bình chọn là một trong số các thác nước hùng vĩ nhất, đẹp nhất thế giới. 


Thác Bản Giốc cùng với nhiều danh thắng lân cận, trong đó có động Ngườm Ngao đang là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của du lịch Cao Bằng nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung, nhưng để đánh thức tiềm năng của vùng đất là hành trình không dễ.

Hành trình vào “xứ sở thần tiên”

Năm 2019, khách du lịch quan tâm đến vùng đất Cao Bằng bởi vùng đất này sẽ cho họ những trải nghiệm văn hóa bản địa ở “xứ sở thần tiên”. Thực ra, đây là tuyến du lịch khám phá khu vực phía Ðông của tỉnh Cao Bằng, qua 4 huyện gồm Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang. Trong đó, thác Bản Giốc là một trong những điểm nhấn chính của tuyến du lịch này.

Nếu xuất phát từ Thủ đô Hà Nội, muốn đến thác Bản Giốc, du khách phải ngồi xe ít nhất gần 6 giờ  đồng hồ, vượt qua gần 300km mới đến được thành phố Cao Bằng. Từ thành phố đến thác Bản Giốc, quãng đường chỉ dài gần bằng 1/4 so với đường đi từ Hà Nội đến TP Cao Bằng, nhưng vì đường núi nên thời gian di chuyển khá lâu. 

Ðổi lại, du khách có thể vừa chạy xe vừa thả hồn với non xanh, nước biếc, ngắm những bản làng lúp xúp bên núi, sau những thửa ruộng nhỏ xinh… Những tuyệt tác của thiên nhiên được tạo hóa đặc biệt ban tặng vùng đất này một thứ men say đặc biệt, khiến những con đường xa ngái như bớt gập ghềnh hơn. Không chỉ thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao là một trong những điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình khám phá này.

Ðộng Ngườm Ngao phát hiện vào năm 1921, đưa vào khai thác du lịch năm 1996 và được công nhận là danh thắng quốc gia năm 1998. Theo khảo sát của Hội Hang động Hoàng gia Anh, phần động của hang dài 2.144m với 3 cửa chính là Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Các cửa hang của động nằm ở độ cao khoảng 420m đến 507m so với mực nước biển. Ðộng được xác định phát triển trong đá vôi chứa nhiều hóa thạch san hô, huệ biển, được tạo  thành từ vùng biển cổ cách ngày nay khoảng 400 triệu năm. 

Cùng với vô số buồng, tầng, bậc hang, hành lang nhiều kích cỡ,  một dòng suối ngầm tích tụ cuội sỏi cao đến hàng mét, thoát ra sông Quây Sơn. Theo hướng dẫn viên của danh thắng này, tương truyền, vì tiếng nước chảy rì rầm ngày đêm của con suối vang vọng và vách hang nghe như tiếng hổ gầm nên động mới được người dân địa phương đặt tên là Ngườm Ngao. Theo tiếng Tày, Ngườm Ngao có nghĩa là động Hổ. 

Thời điểm nước dâng cao, nhiều đoạn trong lòng hang tràn nước. Nước rút đi, dưới nền hang giống như những mô hình ruộng bậc thang thu nhỏ bằng đá. Bên trên là các nhũ, mặng, cột, rèm, riềm đá… đủ mọi hình dáng giúp khách tham quan thỏa sức tưởng tượng. Nhưng có lẽ, ít ai biết rằng, để có một vài centimet nhũ đá như trong hang, tạo hóa phải kiên trì bồi đắp hàng trăm năm. Hiện nay, Ban Quản lý động cũng mới chỉ đưa vào khai thác du lịch một đoạn hang dài gần 946m với 2 cửa hang chính.

Cần tận dụng thế mạnh, xây dựng sản phẩm đặc trưng

Nghe chúng tôi chia sẻ những trải nghiệm thú vị, Phó trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng, anh Phạm Văn Khoa cho biết, trong Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Khu du lịch thác Bản Giốc nằm trong danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia. 

Tại Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định du lịch là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, với mục tiêu phấn đấu Khu du lịch thác Bản Giốc được công nhận là Khu du lịch quốc gia vào năm 2020. Việc ký kết Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Ðức Thiên (Trung Quốc) giữa Chính phủ hai nước Việt Nam, Trung Quốc là khung pháp lý để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong khu vực thác Bản Giốc. 

Vì vậy, từ năm 2017, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức gặp gỡ, tọa đàm với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm triển khai hiệu quả Hiệp định. Hai bên đã và đang tiến hành xây dựng hàng rào theo đường biên giới, trạm kiểm soát thuận tiện cho khách du lịch, lựa chọn mô hình bán vé và những vấn đề liên quan, đồng thời thống nhất thí điểm cho du khách qua lại trong khu cảnh quan chung. Ðây sẽ là mô hình hợp tác đầu tiên giữa hai quốc gia, phấn đấu xây dựng trở thành khu hợp tác kiểu mẫu trong khu vực và trên thế giới.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ Trẻ cho rằng, bằng kinh nghiệm gần 20 năm làm du lịch, gắn bó với thác Bản Giốc, ông nhận thấy hoạt động du lịch nơi đây còn nhiều vấn đề phải bàn. Cụ thể, muốn đến thác Bản Giốc, du khách phải trải qua một chặng đường dài. Các điểm đến của du lịch Cao Bằng nói chung, điểm đến trong tuyến du lịch khám phá phía Ðông của tỉnh nói riêng còn khá dàn trải, dễ tạo cảm giác mệt mỏi cho du khách. 

Tuyến du lịch phía Ðông của tỉnh, trong đó có Khu du lịch thác Bản Giốc là thế mạnh của địa phương, nhưng thắng cảnh cũng giống như một bức tranh đẹp, phải có chủ đề, điểm nhấn. Ðịa phương cần biết tận dụng các thế mạnh, xây dựng sản phẩm, điểm đến đặc trưng để nhắc đến Cao Bằng là du khách phải nhớ đến ngay. Ví dụ, trên đường đến thác Bản Giốc có đèo Mã Phục. 

Ðây là một trong những cung đường được mệnh danh là đẹp nhất vùng Tây Bắc, được bao phủ bởi không ít những lớp màu huyền hoặc từ truyền thuyết, những câu chuyện kể truyền miệng trong dân gian. Trong những buổi chiều tà, khi khách đã chơi thác thỏa thuê, trên đường trở về, qua cung đường này, được nghe chuyện kể, được ngắm nước non kỳ vĩ sẽ vô cùng hấp dẫn. Nhưng như thế, địa phương phải tính tới yếu tố an toàn cho du khách. 

Ngắm cảnh đường đèo như hiện nay còn nguy hiểm, khi điểm dừng chân còn rất sơ sài… Mặt trái của phát triển du lịch cũng là vấn đề địa phương cần quan tâm triệt để, có những giải pháp lâu dài và căn cơ. Ngay tại thác Bản Giốc, nhiều năm trước, những ruộng lúa xanh rờn hay chín vàng bên dòng sông Quây Sơn dưới khu vực chân thác là một trong những cảnh đẹp có sức quyến rũ. Nhưng hiện nay, ruộng lúa ngay gần chân thác đã biến mất, nhường đất cho du lịch, cho bãi đỗ xe. Các hàng quán lưu niệm còn tạm bợ và khá lộn xộn.

Về vấn đề này, ông Ðàm Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh thừa nhận, mặc dù quy hoạch xây dựng chung cũng như quy hoạch chi tiết khu trung tâm lịch thác Bản Giốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2017 và huyện cũng đã nỗ lực kêu gọi đầu tư nhưng khai thác du lịch tại đây còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng tại địa phương không dễ giải quyết tức thời. 

Trong phạm vi của khu du lịch hiện nay có 6 cơ sở lưu trú, 94 phòng nghỉ, 5 nhà hàng phục vụ ăn uống, 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, trên 200 gian hàng bán đồ lưu niệm, tạp hóa, tạo việc làm cho hơn 400 lao động. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh dịch vụ tại đây chưa được sắp xếp một cách trật tự vì còn vướng mắc nhiều quy định pháp luật liên quan. 

Ðịa phương cũng đã có những nỗ lực nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch  song còn khó khăn về nguồn kinh phí đào tạo. Trong khi đó, nhận thức của một số hộ dân về hoạt động du lịch còn hạn chế, kinh doanh còn mang tính tự phát. Khu du lịch thác Bản Giốc lại năm sát đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc nên mọi hoạt động liên quan đến xây dựng hạ tầng kỹ thuật đều phải trao đổi thống nhất giữa hai bên khiến quá trình đầu tư khai thác vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn…  

Muốn du lịch thác Bản Giốc nói riêng, du lịch tại địa phương nói chung thực sự phát triển mạnh mẽ, cần có sự tham gia tích cực, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ từ nhiều cấp, ngành. Nếu chỉ có sự nỗ lực của địa phương, chắc chắn, điều này khó thành hiện thực trong tương lai gần.

Hoa Nguyễn
.
.
.