T456 - Đoàn công tác truy quét “quặng tặc”

Thứ Hai, 04/08/2008, 19:41
Trong vòng một tuần đầu khi "đoàn công tác đặc biệt" xuất hiện ở Quỳ Hợp (Nghệ An), mỗi ngày có hàng chục chiếc xe chật ních người lần lượt về xuôi. Chỉ riêng những đối tượng "chân dài" lên đây phục vụ dân "quặng tặc" phải tìm đường tháo lui nghe đâu gần đầy 1 xe ôtô khách.
>> "Quặng tặc" náo động một vùng xứ Nghệ

Tạm trú và hành động 

Câu chuyện về sự ra đời của "đoàn công tác đặc biệt" này bắt đầu từ sự quan tâm chỉ đạo của Thiếu tướng Võ Trọng Thanh, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

Trước đó, do sự bức xúc của dư luận về tình trạng khai thác quặng trái phép lan rộng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an tỉnh nhanh chóng lập lại trật tự tại khu vực này.

Gần 30 CBCS được lựa chọn từ 5 đơn vị nghiệp vụ do Thượng tá Nguyễn Viết Nhi - Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường làm Trưởng đoàn, đã có mặt tại thị trấn Quỳ Hợp.

Ém quân ngay tại thị trấn Quỳ Hợp nhưng tất cả CBCS được quán triệt phải ăn, uống, ngủ, nghỉ tập trung và hạn chế tiếp xúc với bên ngoài. Tất cả vũ khí, quân trang, lều bạt luôn trong tư thế sẵn sàng để vào các điểm nóng.

Vừa tranh thủ lau chùi vũ khí, Đại uý Trương Xuân Giang cho biết: Những ngày đầu tiên tiến hành khảo sát, anh em trinh sát hết sức vất vả. Để có phương án hiệu quả thì phải nắm được tình hình ở các mỏ. Có những điểm phải đi cả ngày đường mà phần lớn là cắt rừng đi bộ.

Có được đầy đủ thông tin từ cơ sở, đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, UBND và lãnh đạo các xã được coi là nhức nhối nhất. Ngay sau đó 3 mũi thực hiện được triển khai tiến hành kiểm tra, đẩy đuổi các hoạt động khai thác trái phép; kiểm tra các doanh nghiệp, tổ hợp và kiểm tra chốt chặn trên các tuyến giao thông thuỷ bộ về tình trạng vận chuyển khoáng sản trái phép.

Lực lượng làm nhiệm vụ đã tuyên truyền vận động, yêu cầu các chủ mỏ khai thác trái phép phải đưa toàn bộ người lao động, phương tiện ra khỏi khu vực, hoàn trả lại mỏ trong vòng 10 ngày. Đồng thời vận động, thuyết phục người dân từ bỏ việc làm bất hợp pháp. Trong 5 ngày tiến hành tổng hợp các biện pháp vận động, hàng ngàn người làm thuê đã lần lượt rời mỏ.

Một người dân ở thị trấn Quỳ Hợp cho chúng tôi biết: Trong vòng một tuần đầu khi "đoàn công tác đặc biệt" xuất hiện, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe chật ních người lần lượt về xuôi. Chỉ riêng những đối tượng "chân dài" lên đây phục vụ dân "quặng tặc" phải tìm đường tháo lui nghe đâu gần đầy 1 xe ôtô khách.

Kết quả đấu tranh ban đầu của Công an tỉnh Nghệ An

Khi lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra nguồn đầu vào quặng thiếc ở 3 công ty TNHH: Chính Nghĩa, Hồng Lương, Ngoan Cường đã phát hiện: trong 6 tháng đầu năm, 3 doanh nghiệp này đã thu mua trái phép 1.200 tấn quặng thiếc, trị giá ước tính hàng trăm tỷ đồng; bắt giữ và lập biên bản 31 trường hợp vi phạm về hoạt động khoáng sản, tạm giữ 32,268 tấn quặng thiếc các loại trị giá gần 20 tỷ đồng (trong đó có gần 30 tấn thiếc thành phẩm xuất khẩu và hơn 2 tấn quặng thiếc thô và đá nhiễm quặng); tạm giữ 26 loại phương tiện máy móc trái phép gồm: máy nén hơi, máy đào, máy xúc, bơm nước, thiết bị điện… tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng.

Thông báo giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp, tổ hợp dỡ bỏ 42 lán trại dựng trái phép; đưa ra khỏi khu vực mỏ 60 máy đào, máy xúc, máy nghiền...

Tại chốt kiểm soát giao thông ở các cửa rừng, tuyến giao thông chính và đường liên bản đã phát hiện và lập biên bản 51 trường hợp xe vận chuyển khoáng sản quá tải, chuyển cho Công an huyện Quỳ Hợp và Phòng CSGT xử lý.

Đặc biệt ngày 15/7, lực lượng kiểm soát đã phát hiện bắt giữ xe ôtô 20K - 9054 do Đào Mạnh Duy, trú tại TP Thái Nguyên điều khiển, trên xe vận chuyển hơn 20 tấn thiếc thỏi, trị giá khoảng 17 tỷ đồng. Được biết số thiếc nói trên là của Công ty TNHH Hồng Lương mua khoáng sản thô có nguồn gốc trái phép.

Tiếp tục kiểm tra nơi sản xuất, lực lượng làm nhiệm vụ đã thu thêm 8,5 tấn thiếc sỏi chưa kịp tiêu thụ. Hiện tại toàn bộ tang vật nói trên đã được chuyển về Công an tỉnh Nghệ An. Sự ra quân quyết liệt đã làm tình trạng xe chở quá tải trên các tuyến đường đã giảm xuống rõ rệt.

Bằng hoạt động nghiệp vụ, đoàn công tác đã phát hiện và bắt quả tang 2 tàu cuốc đang hoạt động khai thác vàng sa khoáng trái phép trên sông Hiếu, thuộc địa phận xã Châu Hạnh và Châu Hội ở huyện Quỳ Châu. Sau vụ bắt giữ hai chiếc tàu trên, hàng loạt chủ tàu khác đã phải tìm cách lên bờ. Nhiều phương tiện đã lặng lẽ rút lui, có những chủ tàu gọi người đến để bán phương tiện…

Thượng tá Nhi cho biết: Sau những ngày đầu triển khai lực lượng, lập lại trật tự trên địa bàn, nhiều người dân địa phương từ chỗ nghi ngờ, xa lánh nay đã tìm cách ủng hộ anh em. Đặc biệt sau khi đẩy đuổi được hàng ngàn người khai thác trái phép, các dòng suối bắt đầu trong xanh trở lại, người dân đã đặt niềm tin vào lực lượng Công an.

Ông Đảm, ở Châu Tiến là một cựu chiến binh tuy rất nghèo nhưng thấy anh em vất vả đã khảng khái "nhà tôi nghèo lâu dài thì khó nhưng cũng sẵn sàng xin nuôi các anh 3-4 ngày để quét bằng được "quặng tặc".

Anh Nhi kể lại: có một lần khi tiến hành truy quét tại một điểm nóng nằm sâu trong núi, các đối tượng bỏ chạy để lại 4 bao gạo khoảng trên 40kg và nhiều vật dụng khác. Đưa lên xe chở về thì không thể được, tiêu huỷ thì không đành. Trưởng đoàn công tác đã mời Bí thư Chi bộ và Trưởng bản đến đề nghị cung cấp danh sách các hộ gia đình nghèo nhất trong bả, sau đó mời những hộ dân này đến và trao tặng lại bà con toàn bộ số gạo nói trên. Những chiến sỹ tham gia vụ truy quét kể với chúng tôi: Hôm chia gạo cho bà con, nhiều người dân rất cảm động.

Quá trưa, khi chúng tôi có mặt tại một mỏ khai thác ở Bản Thắm, xã Châu Cường, những CBCS Công an đang chốt chặn tại đây được lệnh lui xuống lán trại chân núi để ăn cơm. Nhác thấy bóng anh em rút xuống, hàng chục người dân nhặt quặng rơi vãi, từ trong các lùm cây lần lượt xuất hiện. Trưởng đoàn công tác lại phải yêu cầu anh em quay lại đẩy đuổi.

Ngân Văn Toàn, nhân viên bảo vệ mỏ thuộc Công ty Thanh An đang làm nhiệm vụ tại đây cho biết: lực lượng bảo vệ của mỏ chỉ có 2 người, nên chẳng dám ho he trước hàng chục người tay xà beng, tay búa. Tất cả chỉ nhờ vào lực lượng Công an làm nhiệm vụ.

Khi quay ra cửa rừng, đúng lúc chúng tôi được chứng kiến lực lượng tại chốt giao thông đang chặn một chiếc xe cứu thương loại cũ kỹ, mang biển số 37H-8871. Do không có bằng lái xe, khi bị chặn giữ, người lái xe đã bỏ trốn. Tuy nhiên trước khi đi đối tượng này đã kéo đứt toàn bộ hệ thống dây điện trong xe. Lực lượng làm nhiệm vụ đã dùng xe Uoát và dây thừng "điệu cổ" chiếc xe này về được trụ sở. "Đây là xe chuyên làm nhiệm vụ "tiếp phẩm" cho các đối tượng quặng tặc đấy các anh ạ"

Xuân Luận - Hữu Huỳnh
.
.
.