Suýt mất mạng vì thuốc nam chữa ho

Chủ Nhật, 15/04/2007, 14:17
Chị Nh. có triệu chứng ho giống như cảm cúm, được bà lang ở Xuân Trường - Nam Định bốc thuốc cho uống. Sau 8 ngày dùng thuốc chị Nh. phải đi bệnh viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chị bị ngộ độc nặng và suy thận.

Sau một thời gian đi lao động xuất khẩu tại Đài Loan, chị Trần Thị Tuyết Nh., 30 tuổi, ngụ tại Kim Đồng - Giáp Bát - Hà Nội quyết định về thăm nhà vào dịp tháng 1.

Lâu ngày mới về Việt Nam, khí hậu thất thường, chị Nh. có triệu chứng ho giống như cảm cúm. Bố chị Nh. vội tới bà lang ở Xuân Trường - Nam Định bốc thuốc cho con gái.

Thuốc trị ho là dạng viên thuốc tễ màu hồng hơi vàng. Chị Nh. đã thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bà lang: ngày đầu 16 viên, ngày 2 là 18 viên rồi tăng dần lên 22, 24 viên/ngày… Cho tới ngày thứ 8, lượng thuốc vào cơ thể chị Nh là 172 viên.

Tưởng rằng bệnh sẽ thuyên giảm, nhưng liền 4 ngày sau đó chị Nh. rơi vào tình trạng luôn mệt mỏi, ăn vào là ói, toàn thân đau nhừ như có ai đánh và không thể bài tiết được. Chị cầu cứu bác sỹ phòng khám tư, tới Bệnh viện Bưu điện và cả Việt - Đức làm các xét nghiệm, siêu âm ổ bụng… nhưng vẫn không thấy bệnh.

Khi tình trạng đã trở nên quá nặng, ngày 20/1, gia đình đưa chị tới Khoa Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Lúc này bệnh nhân đã rơi vào tình trạng người khô, da và mắt vàng ệch.

Qua các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã bị viêm gan rất nặng, có triệu chứng hoại tử tế bào gan, ứ mật. Triệu chứng điển hình của ngộ độc nặng và suy thận.

Qua chụp X-quang ổ bụng phát hiện khu đại tràng bị bít tắc, ổ bụng chứa đầy hơi, các quai ruột giãn và không rõ mức nước… Nếu không được cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong.

Suốt 8 ngày chị Nh. đã phải trải qua nhiều lần thực hiện thủ thuật rửa ruột, đặt solde dạ dày và được truyền nước liên tục. Nhưng để lấy hết lượng chì độc hại trong ruột bệnh nhân, các bác sỹ còn phải rất vất vả vừa soi đại tràng kết hợp gắp thuốc lúc này đã đóng thành vẩy trong đại tràng.

Qua phân tích loại thuốc mà bệnh nhân uống dùng để chữa ho được bào chế từ mỡ dê, bồ kết và hoàng đơn. Trong đó hoàng đơn là vị có chứa chì. Thông tin trên được Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Thị Dụ - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại Hội nghị khoa học hồi sức cấp cứu và chống độc toàn quốc lần thứ 6 tại TP Hồ Chí Minh ngày 12/4.

Theo bác sỹ Dụ thì đây là một trường hợp ngộ độc chì rất nặng do uống thuốc nam, được cứu sống nhờ được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Qua trường hợp trên cho thấy công tác quản lý, kiểm soát việc bào chế, kinh doanh Đông dược hiện còn đang bị buông lỏng

H.Nga
.
.
.