Sức sống mới trên vùng căn cứ địa cách mạng

Thứ Tư, 30/04/2014, 00:20
Thôn Nghi Giang, xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên -Huế) là nơi thực dân Pháp đã thực hiện một cuộc thảm sát đầy máu và nước mắt. Sau chiến tranh, với ý chí kiên cường và tinh thần lao động cần cù, người dân đất này đã chung tay xoa dịu vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới...

Trong không khí hào hùng giữa những ngày tháng 4 lịch sử của đất nước, chúng tôi về thôn Nghi Giang - một trong những địa danh lịch sử, cách mạng gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khi trong thời gian từ năm 1942-1945, Người thường xuyên về hoạt động cách mạng và chỉ đạo cấp cơ sở tại đây. Bên trong ngôi nhà cấp 4 nằm giữa cánh rừng tràm dường như biệt lập với khu dân cư ở xóm Phường, thôn Nghi Giang, cụ ông Phan Mịch (73 tuổi), nguyên là du kích địa phương và hiện là thương binh hạng 3/4 rót trà mời khách, rồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện lịch sử đầy đau thương và hào hùng trên vùng căn cứ cách mạng năm xưa.

“Nghe cha tui kể lại, tháng 6/1942, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương giao nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên. Để mở rộng hoạt động cách mạng, Đại tướng đã chọn ngôi miếu Mệ Môn nằm cách nhà tui không xa để làm nơi trú ẩn và họp bàn công việc. Nhờ sự dạy bảo ân cần của Đại tướng mà sau đó không lâu, nhiều thanh niên trai tráng trong thôn... được giác ngộ và đi theo cách mạng”, cụ Mịch hồi tưởng lại chuyện xưa.

Cụ Phan Mịch bên nhà bia tưởng niệm 39 người bị thực dân Pháp thảm sát vào ngày 5/1/1950 ở thôn Nghi Giang.

Theo lời cụ Mịch, vào thời điểm đó, chỉ tính riêng xóm Phường có 25 gia đình thì có đến 70 người tham gia hoạt động cách mạng với 8 đồng chí là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Riêng gia đình cụ Mịch có 8/8 người tham gia cách mạng, trong đó có 3 người hy sinh được công nhận là Anh hùng liệt sĩ...

Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Nghi Giang khi cơ quan đầu não Huyện ủy và Tỉnh ủy đều được thành lập tại đây, trong đó có cả Đội tự vệ Việt Minh nên giặc Pháp rất hoang mang. Chúng nhiều lần tổ chức càn quét, bắt bớ dân lành vô tội để tra khảo với mục đích truy tìm ra căn cứ cách mạng và “người cầm đầu”. Sau nhiều lần thất bại, sáng sớm ngày 5/1/1950, giặc Pháp điên cuồng thực hiện một vụ tàn sát đẫm máu nhất trên đất Nghi Giang lúc bấy giờ.

Nhớ lại sáng sớm định mệnh hôm ấy, cụ ông Trần Văn Phú (90 tuổi), nguyên cán bộ lão thành cách mạng ở thôn Nghi Giang rưng rưng kể: “Chỉ mới hơn 6 giờ sáng, quân Pháp đã cho xe tăng chạy ầm ầm càn quét khắp nơi, đốt phá nhiều nhà cửa, vườn tược. Sau đó chúng bắt 39 người dân của làng, trong đó có một số là cán bộ ở 2 xã Vinh Hiền, Vinh Hải (huyện Phú Lộc) trói chặt vào thân cây để xả súng giết chết, xong chôn vào một cái hố tập thể. Hành động tàn ác của kẻ địch sau bị dân làng phản kháng kịch liệt...”.

Sau vụ thảm sát năm ấy, dân làng Nghi Giang đã lập một ngôi mộ lớn trên vùng đất máu để tưởng nhớ những người đã anh dũng hy sinh và họ không quên căn dặn con cháu rằng: “Hãy sống kiên cường như những người đã ngã xuống!”. Năm 2012, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ 300 triệu đồng để giúp dân làng nơi đây xây dựng một nhà bia tưởng niệm cho những người bị thảm sát.

Chiến tranh qua đi, người dân Nghi Giang nén lại nỗi đau thương, mất mát để quyết tâm xây dựng quê hương. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ tận tình của các cấp, ban, ngành nên đến hôm nay, bộ mặt thôn quê ở vùng căn cứ cách mạng nơi đây đã có nhiều sự đổi thay đến bất ngờ.

Dẫn chúng tôi đi thăm những hộ gia đình là gương làm kinh tế giỏi trên địa bàn, bà Lê Thị Én, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Giang không giấu được sự phấn khởi: “Hiện Nghi Giang có 560 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy sản và làm nông. Trong số ấy, nhiều người đã trở thành triệu phú với thu nhập mỗi năm đạt từ 100 đến 120 triệu đồng, điển hình như hộ ông Huỳnh Tròn, Võ Đức Thống...”. “Những năm trước, toàn xã có 210 héc ta diện tích mặt nước đầm phá để nuôi tôm sú nhưng do nguồn nước ô nhiễm nên tôm chết hết, bà con bị mất trắng toàn bộ. Giờ thì khác rồi chú à, người dân nay đã biết nuôi “xen canh” tôm, cua, cá nên thu lợi cao lắm. Nhiều hộ đã thoát được nghèo vươn lên làm giàu, thậm chí cho con em học đến đại học nữa. Trung bình mỗi năm, ở Nghi Giang có trên 10 em thi đỗ vào các trường đại học lớn”, bà Én tự hào. Đặc biệt, với sự “dám nghĩ, dám làm”, nhiều nông dân ở Nghi Giang còn mạnh dạn vay vốn hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng để mở rộng diện tích trồng cây Thanh long ruột đỏ. Ông Đỗ Năm (50 tuổi), người tiên phong trong việc nghiên cứu và mở hướng phát triển loại cây có giá trị kinh tế cao trên vùng đất căn cứ địa này cho biết thêm: “Đầu năm 2013, gia đình tui trồng thử giống Thanh long ruột đỏ trên 2 sào đất. Thấy cây sinh trưởng tốt, hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nên tui quyết định đầu tư, mở rộng lên gần 1 héc-ta. Tui tin chắc rằng, đây là hướng đi thoát nghèo bền vững nhất...”.

Trời dần về chiều, trước lúc rời Nghi Giang, cụ Mịch không quên dẫn chúng tôi ra nhà bia tưởng niệm nằm ở cuối thôn để vái vọng anh linh những người không may bị thực dân Pháp sát hại năm xưa. Cụ nói: “Nhờ sự đoàn kết một lòng và quyết tâm xây dựng quê hương sau ngày giải phóng mà vùng đất căn cứ địa này giờ không những hồi sinh mà còn phát triển từng ngày. Có như thế mới không hổ thẹn với những người đã ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc hôm nay!”

Lê Anh
.
.
.