Sửa chữa cầu Bính: Địa phương bức xúc, Bộ bảo... chờ

Thứ Sáu, 24/09/2010, 14:51
Việc khai thác tạm thời cầu Bính, tới thời điểm này vẫn chưa được triển khai. Công tác sửa chữa cầu Bính để đưa vào sử dụng như hiện trạng ban đầu còn là… chuyện dài hơi bởi liên quan đến nguồn kinh phí lớn, lựa chọn nhà thầu… Trong khi vẫn còn phải đợi các cấp, ngành… chờ nghiên cứu thì các xe ôtô ở Hải Phòng vẫn hằng ngày phải đi thêm một đường vòng 20km qua cầu Kiền để sang huyện Thủy Nguyên.
>> Những bài học sau sự cố cầu Bính

Đã 2 tháng qua kể từ khi cầu Bính gặp sự cố trong cơn bão số 1. Từ đó tới nay, các phương tiện ôtô bị cấm đi qua cây cầu này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình giao thông của người dân Hải Phòng và tuyến giao thông huyết mạch Quảng Ninh - Hải Phòng. Căn cứ kết quả tư vấn của Công ty Tư vấn triển khai công nghệ và Xây dựng giao thông (Trường Đại học GTVT), UBND TP Hải Phòng có công văn ngày 20/8 đề nghị Bộ GTVT cho phép khai thác tạm thời cầu Bính với tải trọng 12 chỗ ngồi và xe tải dưới 2 tấn. Tuy nhiên, tới nay, việc cho phép khai thác tạm thời cầu Bính vẫn phải chờ nghiên cứu và chưa biết đến bao giờ cầu Bính mới được sửa chữa để đưa vào sử dụng lại.

Trước nhu cầu bức thiết về việc lưu thông qua cầu Bính, trong 2 ngày 17 và 20/8, UBND TP Hải Phòng liên tiếp có 2 công văn gửi Bộ GTVT. Công văn ngày 17/8 đề nghị các bước: khai thác tạm thời cầu Bính; tiến hành khảo sát, nghiên cứu, thiết kế và thi công sửa chữa khôi phục khả năng chịu tải của công trình như thiết kế ban đầu. UBND TP Hải Phòng sẽ là chủ đầu tư sửa chữa, khôi phục cầu Bính theo hồ sơ khảo sát, thiết kế và dự toán được Bộ GTVT thẩm tra. Về vốn để sửa chữa khôi phục cầu Bính, UBND thành phố đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương hỗ trợ từ nguồn vốn của JICA và nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để khắc phục hậu quả thiên tai.

Tiếp đó, ngày 20/8, UBND TP Hải Phòng có công văn gửi Bộ trưởng Bộ GTVT. Công văn nêu rõ: Để giải quyết nhanh trong giai đoạn xử lý khẩn cấp, Ban Quản lý các dự án cầu Hải Phòng (đơn vị được giao quản lý cầu Bính) hợp đồng với Công ty Tư vấn triển khai công nghệ và Xây dựng giao thông (Trường Đại học GTVT) tiến hành khảo sát, đánh giá nguyên nhân, xác định mức độ hư hỏng nhằm xác định xe ôtô có thể qua cầu hay không. Căn cứ các kiến nghị của tư vấn trong báo cáo nhanh, UBND TP Hải Phòng đề nghị Bộ GTVT cho phép khai thác tạm thời cầu Bính, với tải trọng ôtô con dưới 12 chỗ ngồi và xe tải nhẹ có trọng lượng lớn nhất cho phép (bao gồm trọng lượng xe và hàng) không quá 2 tấn.

Ngày 27/8, tổ công tác khắc phục sự cố cầu Bính (Tổ công tác được thành lập ngày 18/8/2010 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT) có cuộc họp với các thành viên và đại diện một số Vụ, Cục, Tổng công ty của Bộ GTVT, đại diện Tư vấn Chodai-JOC (Nhật Bản) - đơn vị tư vấn, thiết kế cầu Bính; nhà thầu IHI (Nhật Bản) - đơn vị thi công cầu Bính.

Cầu Bính gặp sự cố trong cơn bão số 1.

Trong thông báo kết quả cuộc họp này, Bộ GTVT kết luận: Để khai thác tạm thời cầu Bính theo đề nghị của UBND TP Hải Phòng, cần thực hiện đầy đủ các nội dung, cụ thể là cần tiến hành "kiểm định, đánh giá lại năng lực chịu tải của cầu, nghiên cứu khả năng khắc phục tạm thời để có thể cho xe ôtô nhỏ dưới 1,5 tấn qua cầu"… Chỉ định Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) chủ trì, phối hợp với nhóm kỹ sư của tư vấn Cho dai-JOC (Nhật Bản) có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ các thông số kỹ thuật và năng lực chịu tải của cầu dưới tải trọng và tác động, lập phương án xử lý, khắc phục sự cố tạm thời. Về các báo cáo nhanh (lần 1 và lần 2) ngày 16/8/2010 của Công ty Tư vấn triển khai công nghệ và Xây dựng giao thông - Trường Đại học GTVT (các báo cáo mà UBND TP Hải Phòng lấy làm căn cứ đề nghị Bộ GTVT cho phép khai thác tạm thời cầu Bính).

Bộ GTVT có ý kiến: Đây là các căn cứ được dùng làm cơ sở khoa học phục vụ cho đánh giá mức độ hư hỏng và năng lực chịu tải của công trình sau sự cố, cần phải nghiên cứu thêm về tác động của sự cố để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cây cầu. Như vậy, đề xuất của UBND TP Hải Phòng về việc đề nghị cho phép khai thác tạm thời cầu Bính không được chấp nhận. Bộ GTVT giao cho TEDI chủ trì, phối hợp với một số đơn vị nghiên cứu, hoàn thiện đề cương chi tiết cho công tác kiểm định, đánh giá năng lực chịu tải, đề xuất giải pháp tạm thời khắc phục sự cố bảo đảm khai thác tạm thời trước mắt.

Thời gian, tiến độ thực hiện nêu rõ "Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) khẩn trương hoàn thiện đề cương nêu trên để trình Ban Quản lý các dự án cầu Hải Phòng trước ngày 10/9/2010, Ban Quản lý các dự án cầu Hải Phòng gửi các thành viên Tổ công tác của Bộ và các cơ quan liên quan xem xét, cho ý kiến về đề cương trước khi phê duyệt để thực hiện". Tuy nhiên, trước sự sốt ruột của các cấp, ngành TP Hải Phòng, tới ngày 14-9, TEDI vẫn chưa trình đề cương cho Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng. Việc chậm trễ của TEDI làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch khai thác tạm thời cầu Bính của TP Hải Phòng và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Việc khai thác tạm thời cầu Bính, tới thời điểm này vẫn chưa được triển khai. Công tác sửa chữa cầu Bính để đưa vào sử dụng như hiện trạng ban đầu còn là… chuyện dài hơi bởi liên quan đến nguồn kinh phí lớn, lựa chọn nhà thầu… Trong khi vẫn còn phải đợi các cấp, ngành… chờ nghiên cứu thì các xe ôtô ở Hải Phòng vẫn hằng ngày phải đi thêm một đường vòng 20km qua cầu Kiền để sang huyện Thủy Nguyên.

Theo một nghiên cứu năm 2000 thì cầu Bính khởi công sớm 1 ngày sẽ làm lợi cho TP Hải Phòng 30 triệu đồng. Tới nay, con số đó chắc chắn đã cao hơn rất nhiều, đủ biết thiệt hại do sự cố cầu Bính gây ra lớn chừng nào. Vậy mà đã 2 tháng trôi qua kể từ ngày cầu Bính gặp sự cố, mọi cố gắng của các ngành, các cấp chỉ dừng lại ở việc… nghiên cứu. Một nguy cơ khác đang hiển hiện do cầu Bính cấm ôtô, lượng ôtô đổ dồn về cầu Kiền. Cây cầu Kiền hiện nay đang phải oằn mình "gánh" thay cầu Bính hàng nghìn phương tiện mỗi ngày. Ách tắc giao thông trên cầu Kiền đang là… chuyện thường ngày, hơn nữa nguy cơ hư hại cầu Kiền là rất lớn.

Sau sự cố cầu Bính, việc khắc phục sự cố cần bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện qua cầu. Đó là chủ trương đúng, tuy nhiên không thể bám vào yếu tố này để bào chữa cho việc chậm trễ khắc phục sự cố này

Duyên Hải
.
.
.