Sự thật về xương sọ "ngưu ma vương" ở Thanh Hóa

Thứ Sáu, 28/06/2013, 10:48
Vừa qua trên một số báo có đưa tin về chuyện phát hiện ra sọ "quái vật" hay sọ "ngưu ma vương" ở xã Thành Tân, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

Theo tin đã đưa thì "…Vào khoảng 10h ngày 17/6/2013, anh Quách Công Khảnh ở xã Thành Tân, trong khi xuống ao cá của gia đình để vớt cành cây thì đụng phải một "vật lạ". Lúc đầu anh tưởng là vỏ quả dừa nhưng quan sát kỹ anh thấy đây là một hộp sọ rất kỳ lạ, khác hẳn những hộp sọ động vật mà anh từng thấy…".

Thông tin này khiến nhiều người dân hiếu kỳ kéo đến nhà anh Khảnh để được tận mắt thấy chiếc hộp sọ của "ngưu ma vương".

Ngày 24/6, bà Lê Thị Hương, Phó Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Thạch Thành gọi điện trao đổi với chúng tôi về chuyện này. Chúng tôi yêu cầu bà chụp ảnh và đo đạc một vài kích thước gửi ra Hà Nội để xác định.

Qua ảnh chụp thấy rất rõ hộp sọ đã mất phần trước, hai phần bên, mất sừng, không còn một chiếc răng nào, chỉ còn rõ nhất phần xương chẩm, 2 nửa sau của xương đỉnh, mỏm trâm và lỗ chẩm. Có lẽ vì vậy mà anh Khảnh không nhận dạng được xương sọ của con gì.

Qua ảnh chụp, chúng tôi cho rằng hộp sọ ở Thành Tân (Thanh Hóa) thuộc họ trâu bò trong phân bộ nhai lại… Động vật nhai lại là bất kỳ động vật móng guốc nào mà quá trình tiêu hoá thức ăn của chúng diễn ra trong 2 giai đoạn.

Phần sau hộp sọ phát hiện được ở Thành Tân (Thanh Hóa).

Giai đoạn thứ nhất chúng ăn thức ăn thô và nuốt vào dạ dày. Giai đoạn thứ hai, chúng ợ thức ăn đã phân hủy một phần trong dạ dày trở lại miệng để nhai. Phân bộ nhai lại bao gồm: trâu, bò, dê, cừu, hươu cao cổ, bò rừng, hươu, nai, linh dương…

Sở dĩ chúng tôi xếp sọ tìm thấy vào họ trâu bò vì quan sát ảnh chụp phía sau mà bà Lê Thị Hương gửi cho chúng tôi rất giống với ảnh chụp sọ trưởng thành của bò hiện lưu giữ tại Phòng Môi trường - Con người cổ ở Viện Khảo cổ học. Đặc biệt kích thước của lỗ chẩm gần như trùng khớp với nhau là 4cm. Nhà động vật học trẻ Nguyễn Anh Tuấn (Viện Khảo cổ học) cũng thống nhất nhận định này.

Qua sự việc trên chúng tôi đề nghị khi các địa phương phát hiện được những bộ xương động vật lạ cần thông báo tới các cơ quan khoa học như: Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Bộ môn động vật ở một số trường đại học… để nghiên cứu và phát biểu. Có như vậy chúng ta mới tránh được những thông tin gây sự hiếu kỳ không cần thiết

N.L.C.
.
.
.