Sự thật về "viên đá thần kỳ" ở Thái Bình

Thứ Tư, 23/01/2008, 11:07
Theo ông Vần và ông Khản, chủ nhân của "viên đá thần kỳ" thì viên đá này màu đen có tác dụng hút nọc độc ở người bị rắn cắn. Sau khi viên đá hút nọc độc xong, thì phải cho vào cốc sữa phụ nữ đang nuôi con, như vậy nọc thôi ra và đá sẽ sạch như cũ. Nếu bị các loại rắn không độc cắn, thì khi áp viên đá vào vết cắn, đá không dính, mà sẽ rời ra ngay.

Biết bao chuyện tô vẽ xung quanh một viên đá mang tính năng lạ kỳ ở Thái Bình, song chủ nhân của viên đá khẳng định không có gì là thần bí.

Lời đồn đại về hàng trăm người bị rắn độc cắn được viên đá cứu sống

Thời gian qua nghe đồn có viên đá lạ, chữa được rắn độc cắn, xuất hiện tại một vùng quê ở tỉnh Thái Bình với những đồn thổi, thần kỳ hóa như "phải nuôi viên đá bằng sữa người, nếu không viên đá dần vỡ vụn"; "nếu cất giữ thời gian lâu, phải cho viên đá 15 hạt gạo nếp, một thời gian, gạo bị ăn rỗng chỉ còn vỏ"…

Phóng viên Báo CAND có chuyến thị sát tại thôn Dương Cước, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình, nơi có viên đá nói trên. Điểm đặt chân đầu tiên là tại UBND xã Hồng Thái, sau khi chúng tôi trình bày nội dung làm việc tại địa phương, ông Chủ tịch Triệu Văn Phùng không chút ngần ngại, mà khẳng định luôn, chuyện viên đá chữa rắn cắn là có thật.

Để cụ thể hơn, ông cho chúng tôi được gặp 2 nhân chứng là cán bộ xã, đang dự họp HĐND tại trụ sở. Đó là ông Nguyễn Xuân Báu, nguyên Phó Chủ tịch, Trưởng Công an xã, mới nghỉ hưu và ông Vũ Thế Cao, Trưởng thôn Dương Cước.

Sau khi rít xong mồi thuốc lào, ông Báu chậm rãi nói: "Nếu không có viên đá ấy, thì tôi chắc cũng không còn ngồi đây". Ông kể tiếp, vào một buổi tối năm 2002, trong lúc đi tuần tra, chợt nhìn thấy con chão chuộc ngồi trên cành cây bên đường, sẵn cành tre trong tay, ông bước tới định đập con chão chuộc, thì bị thụt chân xuống cái hố.

Nào ngờ lúc đó có một con hổ mang bành đang rình chú chão chuộc, liền đớp vào dưới mắt cá ngoài bên trái của ông, để lại 5 vết răng cắm sâu. Vì chủ quan không garo chân, một lúc sau, ông cảm thấy người khó chịu, khác thường. Vợ ông và anh em Công an xã thấy vậy đưa ông đến bệnh xá tiêm trợ sức, rồi đến nhà 2 anh em ông Vũ Văn Vần và Vũ Văn Khản, chủ nhân của viên đá "thần kỳ" kêu cứu.

Tại đây, ông Báu thấy ông Vần lấy ra viên đá vuông, màu đen bằng 2 đầu ngón tay từ trong một túi gạo nếp. Vừa đặt viên đá vào vết rắn cắn, nó dính chặt cho đến khoảng 30 phút sau, tự nhiên lại dời ra và rơi xuống đất.

Ông Vần bảo đã xong, rồi sang hàng xóm, xin về được 1 chén sữa phụ nữ mới sinh con, thả hòn đá vào đó. Một ít phút sau, nọc độc loang ra cốc sữa như váng ao. Lúc này, ông Báu cũng thấy người dễ chịu, khỏe mạnh và ngày hôm sau ăn ngủ bình thường.

Còn ông Vũ Thế Cao cho biết, vợ ông là bà Phạm Thị Lệ, 42 tuổi, đi dự đám cưới buổi tối, bị rắn độc cắn về vật vã, được ông Khản và ông Vần dùng viên đá áp vào vết thương, khoảng hơn nửa tiếng cũng trở lại bình thường.

Ít hôm sau, con gái ông là cháu Vũ Thị Kiều, 15 tuổi, buổi tối chơi ở ngõ cũng bị rắn độc cắn, trong lúc nguy kịch, có viên đá lạ chữa cũng đã qua khỏi. Nhiều đại biểu đi dự cuộc họp HĐND đều nói chỉ có viên đá nhỏ, ông cha để lại, mà ông Vần và ông Khản cũng đã chữa cho hàng trăm người ở thôn bị rắn độc cắn thoát chết và kể ra một loạt địa chỉ. Nghe tới đây, chúng tôi liền tới ngay nhà anh em ông Vần và Khản để trực tiếp mục kích viên đá.

Không có gì là thần bí

Tại ngôi nhà đơn sơ trong xóm nghèo, 2 người nông dân từ tốn lấy viên đá cho chúng tôi xem. Viên đá màu đen, 2 mặt lớn được đóng chữ U, nhưng cũng giống ký hiệu (ôm), trong đó một mặt hơi sờn.

Viên đá không to, kích thước 2,2cm x 2,2cm x 1,0cm, nặng chừng 30 gam. Đặt viên đá gần bất cứ một vật dụng gì bằng sắt, cũng đều có lực hút lớn, giống như những viên nam châm mà hồi nhỏ chúng tôi hay chơi.

Hỏi về nguồn gốc viên đá, ông Vần và ông Khản cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông ngoại của các ông là cụ Phạm Tráng, cũng ở tại thôn Dương Cước, đã nuôi giấu một tổ chức kháng chiến.

Năm 1954, hoà bình được lập lại, trong buổi chia tay với cụ Tráng và gia đình, trước khi trở về thành phố, các cán bộ kháng chiến nói, do họ hoạt động trong rừng và sống dưới hầm hay bị rắn độc cắn, nên tổ chức trang bị cho viên đá, để tự chữa mỗi khi gặp nạn. Đây là vật dụng quý xin tặng lại gia đình.

Ông Vần và ông Khản cho biết, một trong những cán bộ kháng chiến ngày ấy là cụ Nguyễn Đăng Lự, hiện ngoài 80 tuổi, sống tại thị trấn Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Mọi người dân ở thôn Dương Cước cho biết, từ khi có viên đá, chủ nhân của nó đã chữa cho trên dưới 1 nghìn trường hợp bị rắn độc cắn qua khỏi nguy hiểm.

Trao đổi về những lời đồn thổi về viên đá, ông Vần và ông Khản cho biết, viên đá có tác dụng hút nọc độc ở vết thương người bị rắn cắn. Sau khi viên đá hút nọc độc xong, thì phải cho vào cốc sữa phụ nữ đang nuôi con, vì đặc điểm sữa người hút nọc độc rất mạnh, như vậy nọc thôi ra và đá sẽ sạch như cũ.

Váng nọc được hút ra từ viên đá nổi trên mặt cốc sữa, có màu như màu của từng loại rắn. Thí dụ rắn cạp nong thì váng màu vàng, cạp nia thì váng màu đen… Nếu bị các loại rắn không có nọc độc cắn, như rắn nước, dáo, hổ mang chì, thì khi áp viên đá vào vết cắn, đá không dính, mà sẽ rời ra ngay.

Còn việc bảo quản đá trong túi nilon có gạo nếp, ông Vần và ông Khản cho biết là do ông ngoại hướng dẫn. Thời gian đầu quan sát thấy viên đá để trong túi cùng những hạt gạo, thì sau 6 - 7 tháng, tất cả các hạt gạo đều bị rỗng ruột. Không hiểu do đá hút hay do mọt ăn hết. Tuy nhiên, về sau viên đá được sử dụng thường xuyên, nên không phải bảo quản trong túi gạo nếp nữa.

Theo các ông  thì viên đá không có gì là thần bí cả, mà chỉ là vật dụng hút nọc độc của rắn. Được biết, nhiều ca bệnh nhân bị rắn độc cắn, trạm xá xã Hồng Thái cũng đã giới thiệu tới nhà ông Vần và ông Khản để chữa.

Chuyện nhà cụ Phạm Tráng và nay là các cháu ngoại cụ là ông Vũ Văn Vần, Vũ Văn Khản có viên đá cứu chữa được người bị rắn độc cắn, không còn là lạ ở xã Hồng Thái. Điều đáng quý, chủ nhân của viên đá là những nông dân nghèo, họ đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người mà không hề lấy tiền công.

Một số người ở các địa phương khác nghe tin, tới xem. Họ sẵn sàng đánh đổi 1 chiếc xe máy đẹp, có người trả giá hàng chục triệu đồng, nhưng ông Vần và ông Khản một mực không bán.

Cho đến nay,  cơ quan quản lý về y tế của tỉnh Thái Bình chưa biết việc người dân ở Dương Cước dùng viên đá chữa rắn độc cắn. Thiết nghĩ, một sự việc, hiện tượng đều có những cơ sở khoa học.

Nhưng chuyện một viên đá mà chữa trị được rắn độc cắn đang bị một số người tô vẽ, thần thánh hóa, gây dư luận không có lợi về an ninh trật tự. Các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm, tổ chức giám định, để có kết luận khoa học chính thức về tính năng, tác dụng của viên đá và có quyết định mang tính pháp lý. Qua đó để quần chúng nhân dân hiểu sự việc, hiện tượng trên có cơ sở đúng đắn

Q.Phòng - V.Thịnh
.
.
.